Thứ sáu, 26/04/2024, 22:47 [GMT+7]

Chủ động phòng, chống “giặc lửa” tấn công rừng

Thứ hai, 19/10/2020 - 22:19'
(BLC) - Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn với phương châm “phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả” đã giúp tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 50,16% (cao hơn so với tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 8,18%).

Về xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) những ngày này, chúng tôi ấn tượng bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn, căng tràn sự sống. Dừng chân tại nhà anh Lý A Sài - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dền Thàng, chúng tôi được nghe anh chia sẻ, bản Dền Thàng có 160 hộ, 783 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm qua, xã cũng như bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc PCCCR, bảo vệ rừng; nên đến nay, hầu hết bà con đều hiểu được lợi ích của rừng đối với cuộc sống. Rừng không chỉ chống sói mòn đất, bảo vệ nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, mà rừng còn góp phần quan trọng chống biến đổi khí hậu và tăng nguồn thu nhập cho Nhân dân… Vì vậy, bà con tự nhắc nhở nhau bảo vệ an toàn cho những cánh rừng, thực hiện nghiêm các quy định và biện pháp PCCCR. Từ năm 2017 đến nay, trong bản không có trường hợp vi phạm lâm luật, toàn bộ diện tích rừng của bản được bảo vệ, phát triển tốt, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,52%.

Cán bộ kiểm lâm huyện Phong Thổ cùng Nhân dân thị trấn Phong Thổ kiểm tra khu vực có nguy cơ cháy.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ cùng người dân tuần tra, kiểm soát khu vực có nguy cơ cháy.

Không chỉ ở bản Dền Thàng, hầu hết Nhân dân các bản của xã Nậm Xe đều có ý thức giữ rừng. Hiện, xã có 5896,91ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên 5842,60ha, rừng trồng đã thành rừng 54,31ha, còn lại là rừng trồng chưa thành rừng). Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ và phát triển rừng được Đảng bộ xã Nậm Xe chú trọng, xây dựng thành Nghị quyết gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Với phương châm: “Phòng là chính” ngay từ đầu mùa khô hàng năm, xã xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm. Thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền dịch vụ môi trường. Tổ chức ký cam kết về bảo vệ rừng, PCCCR giữa các hộ dân với trưởng bản, trưởng bản với Chủ tịch UBND xã... Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn xã không để xảy ra tình trạng cháy rừng, cháy thảm cỏ, người dân không phá rừng làm nương, không thả rông gia súc vào rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 47%.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR, đặc biệt là ý thức sử dụng lửa an toàn. Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải đảm bảo an toàn về PCCCR khi thực hiện các hoạt động đốt nương, đốt thực bì trong quá trình trồng, chăm sóc cũng như sau khi khai thác rừng. Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm đóng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt phương án phối hợp, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện xử lý nghiêm các vụ vi phạm về PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Tăng cường hướng dẫn các chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và không mang các vật liệu dễ cháy vào rừng…

Lực lượng chức năng cũng chủ động tăng cường phối hợp với các địa phương thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng tại địa bàn các xã, phường; bố trí cán bộ bám sát địa bàn, trực 24/24 giờ tại rừng (trong thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng) nhằm phát hiện sớm các điểm cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng… đáp ứng kịp thời các tình huống xảy ra cháy tại chỗ. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR với 105.773 hộ gia đình, cộng đồng thôn bản.

Một trong những biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống cháy rừng đó là tỉnh ta thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà các hoạt động xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, tình trạng cháy rừng giảm rõ rệt, diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt. Chất lượng rừng cũng như khả năng phòng hộ của rừng được nâng cao. Hàng năm, diện tích được chi trả DVMTR bình quân 438.310ha/ năm, số hộ được nhận khoán bình quân trên 74.000 hộ/năm, tổng kinh phí thực hiện 1.612.638 triệu đồng (bình quân 322.528 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, trong các năm 2015 và 2016 có 352.289 lượt héc ta rừng được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 30a và vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được phân bổ từ ngân sách Trung ương, bình quân 176.144,5ha/năm. Số hộ được nhận khoán bình quân 40.000 hộ/năm, vốn thực hiện 109.173,4 triệu đồng (bình quân 54.586,7 triệu đồng/năm). Các nguồn hỗ trợ trên đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tốt diện tích rừng của tỉnh hàng năm, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là người dân ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh quản lý và phát triển rừng bền vững, trong đó chú trọng đến các giải pháp để nâng cao đời sống người làm nghề rừng, người dân sinh sống trong khu vực gần rừng và có rừng. Qua đó, người dân sẽ gắn bó với rừng, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Nhờ chủ động, triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR hợp lý, số vụ cháy rừng đã giảm qua các năm. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 58 vụ cháy (so với giai đoạn 2010-2014 số vụ cháy giảm 28 vụ, diện tích thiệt hại giảm 50,05ha). Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các cơ sở, kiên quyết xử lý vi phạm; tham mưu cho cấp thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo vệ rừng. Cùng với đó, tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.

Thường xuyên nắm bắt, chia sẻ thông tin, chủ động phối hợp đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại rừng, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm, giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cả về số vụ và mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng. Từ năm 2015 đến nay, đã phát hiện 2.026 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý được 1.856 vụ vi phạm với số tiền xử phạt trên 12,447 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song hàng năm số vụ cháy rừng, vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn tỉnh ta vẫn xảy ra. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, thì giải pháp quan trọng nhất để công tác PCCCR đem lại hiệu quả chính là sự chung tay, đồng thuận của cả cộng đồng. mỗi người dân phải coi PCCCR là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Có như vậy “lá phổi xanh” mới được bảo vệ và phục vụ cuộc sống của chính chúng ta.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...