Thứ năm, 28/03/2024, 15:14 [GMT+7]

Hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Thứ hai, 19/10/2020 - 09:58'
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay trên địa bàn huyện Tam Đường đã hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Đề án thực sự đi vào cuộc sống, từng bước tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Tam Đường đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng cây, con giống có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư thực hiện các mô hình dự án. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thực hiện hiệu quả. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp được mở rộng. Cơ sở hạ tầng đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được đầu tư kiên cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Cán bộ xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) hướng dẫn dân bản Đội 4 kỹ thuật chăm sóc chanh leo.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016-2020 đã sắp xếp lại sản xuất, phát huy lợi thế của từng vùng, tốc độ tăng trưởng và quy mô giá trị sản xuất trong nông nghiệp phát triển khá. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 43.200 tấn (tăng 3.750 tấn so với năm 2015). Quy mô giá trị sản xuất trong nông nghiệp đạt 1.005,7 tỷ đồng (tăng 464,6 tỷ đồng so với năm 2015), tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 5%/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,08%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Ngành Nông nghiệp của huyện từng bước khởi sắc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo công ăn việc làm ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cải thiện rõ rệt”.

Phát huy lợi thế từng vùng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển và mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa; cây ăn quả có múi; cây ăn quả ôn; cây mắc-ca; sản xuất vùng chè tập trung chất lượng cao và nuôi cá nước lạnh… Từ khi thực hiện đề án đến nay, một số lĩnh vực có sự bứt phá như phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững, huyện mở rộng diện tích trồng chè và trồng mới 727,6ha chè (cơ cấu giống chè kim tuyên, PH8), nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 1.578,9ha, trong đó: chè kinh doanh 970,7ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 7.767 tấn. Cùng với đó, huyện hình thành các vùng chè tập trung chất lượng cao gắn với xây dựng nhà máy chế biến, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chè Tam Đường được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo cho biết: “Cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn của xã. Hiện nay, thu nhập bình quân từ trồng chè của các hộ dân đạt trên 25 triệu đồng/ha, có hộ thu nhập đạt 60 - 70 triệu đồng/ha. Nhờ đó cuộc sống của người dân từng bước ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của xã phát triển”. Cây mắc-ca được huyện đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2011, đến nay huyện đã hình thành vùng trồng mắc-ca tập trung tại các xã: Bản Hon, Thèn Sin, mắc-ca xen chè tại xã Bản Bo. Sau hơn 9 năm bén rễ trên đất Tam Đường, cây mắc-ca sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Mắc-ca được xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Hiện tổng diện tích mắc-ca toàn huyện là 712,7ha, trong đó diện tích kinh doanh 92ha, sản lượng đạt 225 tấn. Thời gian tới, huyện khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên doanh liên kết đầu tư phát triển mắc-ca. Ngoài ra, huyện hình thành được vùng cây ăn quả: đào, mận, lê, chanh leo, cam… Giai đoạn 2016-2020, huyện trồng mới 265,2ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên 654,3ha, diện tích kinh doanh 416ha, sản lượng đạt 1.726 tấn.

Cùng với phát triển trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi chuyển biến tích cực. Huyện định hướng chăn nuôi bán công nghiệp, chuyển đổi phương thức nuôi thả tự do sang nuôi nhốt, chuyển mục tiêu chăn nuôi lấy sức kéo sang sản xuất thực phẩm hàng hóa nhằm tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật về phòng, chống rét, dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào khảo sát lập dự án đầu tư. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm đạt trên 5%; tổng đàn gia súc, gia cầm 259.636 con, tổng sản lượng thịt hơi 2.016 tấn.

Với lợi thế có nhiều sông suối, nguồn nước ổn định, huyện vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển thủy sản (chủ yếu nuôi cá). Tập trung đưa giống mới có chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp điều kiện về khí hậu của địa phương vào sản xuất, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh tại các xã Sơn Bình, Khun Há. Hiện nay, huyện có 211ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng 770 tấn.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, làng nghề, phát triển các mô hình hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước mở rộng các loại hình kinh doanh, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Toàn huyện hiện có 14 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 3 làng nghề sản xuất miến dong, với tổng số 51 hộ tham gia, tạo việc làm cho 153 lao động, 183 cơ sở ngành nghề nông thôn.

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân huyện Tam Đường trong sản xuất nông nghiệp. Từ lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, người dân đã phát triển kinh tế hiệu quả trên chính đồng đất quê hương.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...