Thứ tư, 11/12/2024, 01:13 [GMT+7]

Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 25/10/2024 - 15:59'
(BLC) - Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, mà còn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Tân Uyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích của xây dựng NTM. Từ đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của cả cộng đồng trên con đường phát triển bền vững.

Năm 2011, cùng với cả nước, huyện Tân Uyên bắt tay vào xây dựng NTM, là huyện miền núi, thuộc huyện 30a với 7/9 xã đặc biệt khó khăn nên xuất phát điển thấp. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 3,6 tiêu chí/xã, số xã đạt từ 5-10 tiêu chí có 3 xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí có 6 xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở khu vực nông thôn lạc hậu, thiếu thốn và còn nhiều bất cập. Việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cần huy động nguồn lực rất lớn từ sự tham gia của người dân và kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cho các công trình, trong khi khả năng bố trí ngân sách Nhà nước các cấp có hạn.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Uyên tích cực chăm sóc, thu hái chè để nâng cao thu nhập.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Uyên tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích chè để nâng cao thu nhập.

Xác định được mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự quyết tâm cao để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú và gần gũi với đời sống của bà con. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các phòng ban của huyện kết hợp cùng các già làng, trưởng bản – những người có uy tín trong cộng đồng để truyền đạt thông tin về chương trình xây dựng NTM một cách dễ hiểu, lồng ghép với các câu chuyện thực tế và ví dụ cụ thể. Đồng thời, các nội dung tuyên truyền được điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của từng dân tộc, giúp bà con dễ dàng nắm bắt và tham gia tích cực.

Giai đoạn 2021-2025, các cơ quan, đoàn thể của huyện, UBND các xã đã triển khai trên 1.520 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị các cấp, với tổng số trên 70.000 lượt người dân là người dân tộc thiểu số tham gia. Thực hiện tuyên truyền NTM trên hệ thống phát thanh của huyện đến nay được 71 tin, bài phóng sự, thời lượng tuyên truyền là 17,75 giờ. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên, xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của người dân trong xây dựng NTM, từ đó tạo sự đồng thuận, khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Đặc biệt đã vận động bà con các dân tộc tại các xã đóng góp 522 triệu đồng tiền mặt và hàng nghìn ngày công lao động; hiến đất được 3.601.851m2 tham gia xây dựng NTM.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng NTM không chỉ tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương; mà còn mang lại thu nhập giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, từng bước nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa cho nhân dân. Trong giai đoạn 2021-2025 huyện Tân Uyên có 24 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên (23 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao). Trong đó, chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số là 3 chủ thể với những sản phẩm truyền thống của địa phương như: hộ kinh doanh Châu A Dơ - bản Hô Tra, xã Mường Khoa với sản phẩm Địa lan Kiếm Trần Mộng xã Mường Khoa; hộ kinh doanh Hà Thị Phớ - bản Tạng Đán, xã Thân Thuộc 2 sản phẩm: Thịt trâu gác bếp Hà Phớ và Thịt ba chỉ lợn đen gác bếp Hà Phớ; hộ kinh doanh Lò Văn Hiện - Bản Pắc Ta, xã Pắc Ta: Sản phẩm Cốm nếp Co Giàng… Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận kinh doanh tăng 5% - 10% so với trước khi được chứng nhận OCOP, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

và tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường duy trì tiêu chí NTM

Đồng bào các dân tộc trong huyện tích cực tham gia vệ sinh môi trường duy trì các tiêu chí NTM. 

Ông Lò Văn Hiện - bản Pắc Ta, xã Pắc Ta cho biết: Gia đình tôi làm Cốm nếp Co Giàng từ lâu rồi. Mỗi năm làm được 5 đến 6 tạ Cốm. Năm nay, sản phẩm Cốm của gia đình được huyện quan tâm công nhận đạt OCOP 3 sao, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nên nhiều khách hàng gần xa trong và ngoài huyện đặt hàng. Gia đình phấn khởi lắm, năm nay thu hoạch hơn 2ha lúa nếp Co Giàng, gia đình làm được khoảng 2 tấn Cốm, bán ra thị trường với giá từ 120.000đ-130.000 đồng/kg. Nhờ đó, giúp gia đình nâng cao thu nhập, tạo việc làm thời vụ cho 3 lao động địa phương nữa.

Qua công tác tuyên truyền, bà con hiểu rõ hơn về những lợi ích thiết thực mà chương trình NTM mang lại: từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế đến nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội việc làm tại chỗ. Chính sự thay đổi này đã khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phấn đấu, đóng góp sức mình cho quê hương. Các hoạt động như trồng rừng bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, cải tạo vườn tạp đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Đến nay, huyện Tân Uyên có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 47 triệu đồng/người/năm. Xuất khẩu hàng địa phương 5,38 triệu USD/năm, với sản phẩm xuất khẩu chính là chè. Huyện chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm, các cây trồng có giá trị kinh tế cao thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như cây lúa hàng hóa, chè, cây ăn quả, hoa địa lan. Đến nay tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch tập trung 26,3%, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch 13,17%...

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí 9/9 xã NTM. Triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao tại 2 xã Phúc Khoa, Nậm Cần và các bản NTM nâng cao theo kế hoạch. Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư cho xây dựng NTM. Ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và phát huy tinh thần tự chủ, đoàn kết của người dân, tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và đưa diện mạo NTM của huyện ngày càng khang trang, hiện đại.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...