Thứ bảy, 20/04/2024, 03:46 [GMT+7]

Vàng San vươn mình

Thứ tư, 16/09/2020 - 14:51'
8 năm trôi qua từ khi chia tách và thành lập, xã Vàng San (huyện Mường Tè) luôn vươn lên. Từ một xã gặp nhiều khó khăn, đến nay cuộc sống của người dân đã thay đổi, kết cấu hạ tầng được xây dựng khang trang. Đó là thành quả của những quyết sách đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và chung tay đồng lòng của Nhân dân.

Đến thăm Vàng San những ngày tháng 9, không còn phải đi bộ trèo đèo, lội suối, không còn những lần ăn nắm xôi vội giữa đường như ngày trước mà giờ đây đến trung tâm xã, các bản chỉ khoảng 30 phút - 1 giờ đồng hồ. Bản làng khoác lên mình “chiếc áo mới”, ruộng đồng trải dài bát ngát, những khu đất trống đồi trọc trở thành bãi chăn thả, nơi trồng rừng, mô hình cây ăn quả, cây dược liệu mang lại thu nhập cao cho người dân.
Để thay đổi cuộc sống của người dân, cán bộ, đảng viên, xã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Xã cử cán bộ tăng cường xuống bản, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa người dân tộc Mảng, Mông để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục, không ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống. Ngoài những buổi trò chuyện, tuyên truyền, cán bộ còn “cầm tay chỉ việc” cùng bà con khai hoang đất sản xuất, đưa những giống ngô, lúa có chất lượng vào trồng, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Để dân tin hơn, cán bộ, đảng viên của xã tiên phong áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình mình và mang lại kết quả cao để Nhân dân học hỏi, làm theo.

Một góc bản Pắc Pạ (xã Vàng San) hôm nay.

597 hộ thuộc 6 bản của xã đã chủ động vượt qua khó khăn, tích cực khai hoang đất sản xuất, vay vốn đầu tư áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình để cải thiện cuộc sống. Trên cánh đồng lúa, nương ngô gần 300ha, bà con cày cấy, gieo trồng với những giống ngô, lúa có chất lượng đem lại năng suất từ 30-53 tạ/ha, người dân còn trồng thêm lạc, đậu tương, rau màu đều đạt năng suất cao. Mùa vụ bội thu, 9 tháng năm 2020, tổng sản lượng lương thực đạt 1.834 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 630,1kg. Chị Vàng Thị Lan (bản Pắc Pạ) chia sẻ: “Nhờ có cán bộ xã tuyên truyền, định hướng, tôi không còn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tôi vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, tham gia lớp dạy nghề để có thêm kiến thức áp dụng trong sản xuất. Trong thời gian chăn nuôi, cán bộ xã thường xuyên đến hướng dẫn tôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm. Sau nhiều năm chăn nuôi có hiệu quả, đến nay, tôi có 20 con gia súc và hơn trăm con gia cầm, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống từng bước đi lên”.
Bà con ở các bản trong xã còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, quy hoạch các bãi chăn thả, xây dựng chuồng trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thay đổi từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi để tăng đàn. Người dân còn tích cực đào ao thả cá với diện tích 8,3ha, nhiều loại thủy sản không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn xuất bán tăng lợi nhuận. Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã đạt 5.090 con và trên 14.000 con gia cầm.
Nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn quả, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa giống xoài Đài Loan trồng trên diện tích 35ha. Bà con dân bản tích cực trồng và bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu (cây sa nhân, quế) trên diện tích 168ha. Rừng trả ơn người, năm 2019, người dân trong xã được hưởng lợi gần 7 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chất lượng cuộc sống đi lên, người dân không chỉ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế mà còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao. Hiện, 5/6 bản của xã đạt bản văn hóa, 66,65% số hộ đạt gia đình văn hóa.
Anh Lò A Chu - Chủ tịch UBND xã Vàng San cho biết: Năm 2019, đa số các chỉ tiêu xã đề ra đều vượt so với kế hoạch. Để làm được như vậy, ngoài triển khai các mô hình kinh tế, đưa con giống, vật nuôi có chất lượng vào sản xuất, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tăng cường khai hoang, vay vốn, tham gia các lớp dạy nghề, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong làm kinh tế.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 41,8%, thu nhập đạt 17 triệu đồng/người/năm (9/2020), hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...