Thứ bảy, 14/09/2024, 13:48 [GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu: Khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ tư, 17/07/2013 - 18:21'
(BLC) - Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, tiêu chí về môi trường đang là tiêu chí đạt thấp và khó thực hiện nhất trong tiến trình xây dựng NTM của tỉnh, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiêu chí môi trường bao gồm các nội dung cơ bản như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có duy nhất xã Bản Bo, huyện Tam Đường đã hoàn thành và đạt được tiêu chí này. Sở dĩ tiêu chí này đạt thấp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ý thức về bảo vệ môi sinh, môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân chưa cao...

Hiện toàn tỉnh có khoảng 69% số hộ dân ở nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Những năm qua, nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các huyện, thị. Tuy nhiên nhiều công trình cấp nước công cộng đã bị hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Mặc dù mới được đầu tư xây dựng nhưng các bể nước tập trung tại điểm tái định cư Pắc Khoa, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên không phát huy hiệu quả, hàng ngày các hộ dân trong bản phải xách nước từ các mó nước về dùng.

Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, khoảng 50% rác ở các khu vực trung tâm được thu gom. Thế nhưng, tỷ lệ rác được xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật là không có mà chủ yếu được xử lý sơ bộ ban đầu như đốt, chôn lấp, rắc vôi bột ở các bãi rác. Còn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, việc xử lý rác thải vẫn chỉ dừng lại ở việc tùy tiện vứt rác ra môi trường xung quanh chứ chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Xã San Thàng, thị xã Lai Châu là một trong những xã của thị xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng trong số 19 tiêu chí, thì tiêu chí môi trường được cấp ủy, chính quyền xã cho là khó thực hiện nhất. Được biết, năm 2008, UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR) ở xã San Thàng, thị xã Lai Châu. Dự án nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân bởi khi đi vào hoạt động sẽ không còn tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nếu nhà máy hoàn thành thị xã Lai Châu sẽ không còn các bãi rác chôn lấp tạm đã và đang làm ô nhiễm môi trường, góp phần lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã San Thàng nói riêng và thị xã Lai Châu nói chung. Thế nhưng hiện nay, nhà máy xử lý CTR vẫn không được thực hiện, mỗi ngày có hàng tấn rác thải vẫn được đưa về xã khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Không những thế mà tại khu vực chợ San Thàng tình trạng người dân vứt, đổ rác bừa bãi ngay tại con suối sau chợ vẫn diễn ra thường xuyên. Mặc dù chợ có đội thu gom rác, có thông báo cấm đổ rác bừa bãi nhưng tình trạng đó vẫn không giảm.

Chúng tôi đến xã Sùng Phài, huyện Tam Đường một trong những xã có số hộ, số bản được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh khá cao 7/8 bản. Tuy nhiên, hiện xã vẫn chưa có bãi tập kết rác thải và rãnh thoát nước thải nên rác thải, chất thải và cả nước thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân vẫn xả trực tiếp ra môi trường. Ông Sùng A Hồ - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Trong các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường là khó đạt nhất do nhận thức của người dân cũng như điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên để xây dựng hệ thống xử lý chất thải cũng như nhà tiêu hợp vệ sinh cho mỗi gia đình vẫn đang là bài toán khó đối với xã.

Ðể tiêu chí về môi trường sớm có lời giải, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương cũng cần có các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích đúng lộ trình đã đề ra.

Kim Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.