Chủ nhật, 19/05/2024, 09:23 [GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Sìn Hồ: Thách thức từ tiêu chí môi trường

Thứ năm, 27/06/2013 - 16:22'
(BLC) - Vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh môi trường đang là một thách thức với nhiều huyện của tỉnh ta, đặc biệt là huyện Sìn Hồ khi điều kiện hạ tầng, nhận thức và tập quán sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế.

Mặc dù thời gian qua, huyện Sìn Hồ đã vào cuộc vận động người dân thực hiện tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn thấp. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hầu như tất cả các xã trong huyện tiêu chí môi trường đều chưa đạt.

Lý giải về vấn đề này, anh Lê Danh Thìn - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: “Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Thiếu kinh phí để thực hiện…”.

Đến các thôn, bản vùng cao điều dễ nhận thấy là tình trạng rác thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả tràn lan gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, thói quen thả rông gia súc, gia cầm phổ biến khiến đường làng, ngõ xóm không đảm bảo vệ sinh và mất mỹ quan. Nguồn nước sinh hoạt luôn có nguy cơ bị ô nhiễm, thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh ở các khu dân cư…

Nhiều bản của huyện Sìn Hồ rất bẩn và lầy lội.

Đến xã Phăng Sô Lin ấn tượng ban đầu là cảnh vật ở nơi đây khá đẹp bởi sự cổ kính của những ngôi nhà trình tường của dân tộc Dao. Song trên con đường vào các bản toàn bùn đất và phân gia súc, trong nhà tối om. Đây cũng là nguyên nhân khiến ruồi, muỗi có mặt khắp bản.

Trao đổi với chúng tôi, anh Chẻo Liều Pao – Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Sô Lin cho biết: “Toàn xã chủ yếu là người dân tộc Dao, trình độ dân trí thấp. Người dân trong bản sinh sống chỉ dựa vào ngô, lúa nên nhà nào khá giả cũng chỉ đủ ăn. Môi trường sống của nhân dân bản đang bị ô nhiễm là do thói quen chăn nuôi cũ. Trong các buổi sinh hoạt thôn, bản, xã đã tuyên truyền về sự cần thiết không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, song mọi biện pháp đều không hiệu quả, bà con vẫn chưa thay đổi được tập tục thả rông gia súc, gia cầm, có lẽ vì thế mà tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã khó có thể đạt được”. Cái lắc đầu ái ngại của anh Pao khiến chúng tôi hiểu rằng đây là bài toán nan giải đang đặt ra cho chính quyền địa phương.

Cũng giống như Phăng Sô Lin, môi trường ở xã Làng Mô cũng không mấy khả quan. Vào đến trung tâm xã không khí càng thêm ngột ngạt bởi mùi phân gia súc, gia cầm nồng nặc. Xung quanh nhà của bà con nước thải, phân gia súc, gia cầm ngập ngụa. Anh Giàng A Mềnh - Phó Chủ tịch UBND xã lắc đầu nói: “Tập tục lạc hậu, khó bỏ lắm, hầu hết bà con thả rông gia súc, chuồng trâu, bò thường chỉ làm tạm bợ, không có mái che. Ngày nắng, khắp các bản đều nồng nặc mùi hôi, khi mưa xuống, nước phân nổi lênh láng mang theo nguồn dịch bệnh chảy vào các  khe suối, bốc mùi khó chịu”.

 Nhận xét về thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực sinh hoạt và nhà ở của nhiều người trong xã, anh Mềnh cho rằng: Họ chăn nuôi gia súc gia cầm cạnh nhà để tiện trông coi, lại có nguồn phân bón cho cây cối. Các gia đình trong xã chủ yếu là hộ nghèo, đông con nên không có điều kiện xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh. Ngoài việc chăn nuôi, những hố xí tạm bợ của người dân cũng là yếu tố góp phần làm ô nhiễm môi trường. Khi chúng tôi đến vận động bà chung tay xây dựng nông thôn mới thì nhiều người bảo: Cũng muốn lắm, nhưng không có tiền để làm nhà vệ sinh hay xây dựng chuồng trại. Theo ghi nhận của chúng tôi không chỉ có 2 xã trên mà hầu hết các xã của huyện Sìn Hồ công tác vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo.

Thiết nghĩ để có thể hoàn thành tiêu chí môi trường trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương cần phải có những biện pháp thực sự hữu hiệu, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà cần xây dựng đầu tư những mô hình, tiêu chí về vệ sinh môi trường để từ đó người dân nâng cao ý thức cũng như hiểu được lợi ích các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...