Thứ năm, 02/05/2024, 15:44 [GMT+7]

Tấm lòng của cô giáo vùng cao

Thứ năm, 05/02/2015 - 09:54'
Cô giáo cắm bản người Ca Dong Đinh Thị Thiết (sinh năm 1983), hiện đang dạy tại Trường tiểu học Sơn Liên, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), đang tái hiện hình ảnh “người giáo viên nhân dân” hết mực thương yêu những học trò Ca Dong nghèo trên vùng cao Quảng Ngãi.

Cô giáo Thiết cùng học trò đi hái rau rừng cải thiện bữa ăn.

Cô giáo Thiết cùng học trò đi hái rau rừng cải thiện bữa ăn.

Nơi chúng tôi đặt chân đến được gọi bằng cái tên thơ mộng “xứ sở ngàn cau”, chỉ có điều đằng sau đó không chỉ có sự thanh bình, mà là nghèo khó, thất học, xa xôi cách trở. Sơn Tây là một trong 6 huyện nghèo của Quảng Ngãi, nơi có 95% dân số là đồng bào Ca Dong. Con số thống kê của ngành giáo dục huyện cho biết, thời điểm thành lập huyện năm 1994, có 80% số người trong độ tuổi đi học mù chữ, đến nay việc phổ cập mầm non vẫn là... mục tiêu của năm 2015.

Sinh ra trong một gia đình Ca Dong có bảy anh chị em ở xã Sơn Dung, Đinh Thị Thiết sớm thấm thía cảnh nghèo khó khi cha mẹ làm lụng quanh năm mà cái nghèo, cái tối tăm vẫn theo mãi như cái gùi trên lưng người Ca Dong mỗi khi đi rẫy. Các anh chị đều bỏ học sớm, chỉ có Thiết sáng dạ nhất nhà nên ham cái chữ, 12 năm đến trường của Thiết đếm bằng từng ngày cô học trò nhỏ miệt mài vượt suối, băng rừng. “Hàng xóm thường nói với cha mẹ tôi là cho con bé nghỉ học lấy chồng đi, đi học chi cho cực, có cái chữ có no cái bụng được đâu” - cô Thiết kể.

“Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi được huyện chọn cử tuyển đi học Khoa Hóa, Trường đại học Sư phạm Huế. Càng đi xa càng thấy mình nhỏ bé, tôi thấy khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi quá lớn. Khi nhìn thấy trẻ con thành phố, tôi nhớ lại gương mặt của các em nhỏ Ca Dong, điều đó khiến tôi không cầm lòng được” - cô Thiết tâm sự.

Càng đi xa, lời dặn của thầy cô năm xưa càng thấm thía, tâm nguyện được dạy chữ cho trẻ em Ca Dong khiến Thiết sốt ruột mong ngày trở về gần hơn. Rồi cô sẽ dốc hết lòng cho những đứa trẻ Ca Dong thiệt thòi mọi mặt, cái chữ sẽ làm người Ca Dong đứng thẳng thớm hơn, như ngàn cây cau ở xứ sở này. Năm 2011, Thiết tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi trở về lại quê. Do Trường THPT của huyện đã đủ giáo viên bộ môn này, nên Thiết được điều về công tác tại Trường tiểu học Sơn Liên. “Lúc đầu cũng thấy hơi buồn, nhưng nghĩ lại dù dạy cấp nào thì đó cũng là dạy dỗ, giáo dục các em học sinh. Sau một năm ở điểm trường chính, đến đầu năm học 2012, tôi được tăng cường về cắm bản tại điểm Đăk Doa, dạy chữ cho học sinh lớp 1 và 2” - cô Thiết kể.

Thầy Đỗ Khánh Hội, Hiệu phó Trường tiểu học Sơn Liên cho biết: Gọi là điểm trường, chứ số học sinh trong lớp chỉ vỏn vẹn có bốn em (gồm hai em lớp 1 và hai em lớp 2). Trong căn nhà tạm bợ hiện nay rộng chừng 20 m2 nằm ngay lưng chừng núi, thì 2/3 căn phòng được dành làm lớp học, phần còn lại làm nơi ở của cô Thiết và bốn đứa học trò của mình.

Từ số tiền lương ít ỏi của mình, cô Thiết trích ra mỗi tháng trên 1,5 triệu đồng để mua thức ăn, đó là chưa tính tiền mua sách vở, giấy bút và quần áo cho các em. Gạo thì cứ một đến hai tuần về thăm nhà, Thiết lại xin của mấy đứa em đang bán tạp hóa, khi thì 10 kg, lúc 20 kg mang lên rồi cô trò cùng nấu cơm ăn. Nhiều ngày nghỉ về thăm nhà, sợ tụi trẻ bơ vơ nên cô Thiết dẫn cả bốn em về luôn. “Ban đầu người thân thấy việc làm “không giống ai” của tôi nên cũng bực mình. Tuy nhiên khi nghe tôi nói về hoàn cảnh của lũ trẻ thì ai cũng ủng hộ” - cô Thiết bày tỏ.

Lớp học của cô giáo Thiết.

Tu Mít - nơi điểm trường của cô giáo Thiết đảm nhận nằm vắt vẻo ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhìn lên là ngọn núi Ngọc Dết hùng vĩ, nhìn xuống là lòng hồ thủy điện Đak Đrink xanh thẳm như mặt gương khổng lồ, những mái nhà Ca Dong thấp thoáng ẩn hiện giữa bốn bề cây rừng. Khi chúng tôi đến, cô Thiết đang tập đánh vần cho học sinh, “dờ iêu huyền diều”, “sờ ao sắc sáo”, tiếng “diều sáo” được đồng thanh cất lên.

Trong lớp, Đinh Văn Chuôi có nước da trắng bạch, mắt nâu như tây và bẽn lẽn giống con gái. Chuôi có bốn anh chị em, cha mẹ Chuôi đều bị tâm thần, cả bản đều kinh hãi mỗi khi đôi vợ chồng này nổi cơn điên. Cô Thiết đến nhà xin cho Chuôi đến lớp mà sợ nơm nớp trước ánh mắt trắng dã, giận dữ của cha mẹ Chuôi. “Thằng Chuôi rất nhạy cảm, khi tôi chìa tay ra thì nó níu lại, bẽn lẽn đi theo, vừa đi vừa sợ cha mẹ nó chạy đuổi theo”- cô Thiết nhớ lại. Cha mẹ em Đinh Văn Hinh - học sinh lớp 2 cũng là “cá biệt” không kém. Đi rẫy về không có tiền, anh Đinh Ca Loan - cha Hinh đã bán luôn nhà uống rượu. Hai vợ chồng Loan bỏ nhau rồi đường ai nấy đi, đi bặt tăm biệt tích, bỏ luôn hai con ở lại bản. Em Đinh Văn Hùng - anh trai của Hinh cũng được cô Thiết cưu mang hiện giờ đã lên điểm trường chính học lớp 4.

Toàn những chuyện cười ra nước mắt, nhưng cô Thiết xua tay: “Chuyện thường ngày ở huyện”, vượt qua lúc chán nản những ngày đầu về bản, những chuyện dở khóc dở cười này tôi đã quá quen. Năm 2012, lớp có tám học sinh, 2013 lớp có năm học sinh, năm 2014 có bốn em. Theo một cách nào đó, những đứa trẻ Ca Dong ở Tu Mít luôn bị bỏ rơi với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Bằng mọi cách, lên rẫy thuyết phục cha mẹ cho con đi học, xuống bản vận động từng nhà, dắt học sinh đến lớp trước khi bị cha mẹ cầm cây… rượt. Cô Thiết đã dìu những đứa trẻ Ca Dong đến trường bằng hết thẩy thương yêu, bởi “tôi nhìn thấy tuổi thơ mình nơi những đứa trẻ Ca Dong ấy”.

Học sinh giúp cô giáo nấu ăn.

Chúng tôi say sưa với câu chuyện mà quên cả đói, cô Thiết chợt giật mình: “Đến giờ trưa rồi, phải nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn thôi”. Sau mấy câu tiếng Ca Dong, đám nhỏ chia nhau đứa mang củi, đứa chà nồi, nhóm bếp, bốn cô trò ngồi bên bếp lửa, khói tỏa lên cay xè cả mắt. Một ngày ba bữa, cô Thiết tự bỏ tiền lương hằng tháng để học trò của mình có bữa ăn đạm bạc. Cô ăn gì thì trò ăn nấy, bởi thế mà, khi chúng tôi hỏi thương cô không, cậu bé Đinh Văn Chuôi bẽn lẽn trả lời: “Con thương cô lắm, thương cô hơn thương mẹ”. Khi học trò không có quần áo mặc, cô Thiết về huyện sắm quần áo cho cả lớp, mỗi đứa một bộ, không để đứa này so bì đứa khác. Ban ngày lo cơm nước, giặt quần áo, đến tối, cô lại giăng màn, đắp chăn cho bốn đứa ngủ. Lỡ một đứa đau là cô thức cả đêm, sáng hôm sau lại lật đật chạy đến trạm y tế xã xin thuốc.

Chúng tôi vội chào tạm biệt cô và bốn đứa nhỏ, cố đi thật nhanh để tránh một cơn mưa rừng chực đổ xuống, trên đường, tôi nghe tiếng lá ngàn cây cau reo trong gió, những cây cau đứng thẳng như khát vọng vươn mình của xứ vùng cao Quảng Ngãi.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cùng với lời chúc mừng, chúng tôi mong sao có nhiều giáo viên như cô Thiết để giúp những đứa trẻ nghèo vùng cao đủ sức vươn lên trong cuộc sống bình thường.

Theo MINH TRÍ nhandan.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), được đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu về Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm So - Lò Văn Đôi tuy tuổi...