Thứ sáu, 19/04/2024, 14:46 [GMT+7]
Liên kết sản xuất nông nghiệp

Đầu ra còn khó

Thứ tư, 12/08/2020 - 15:45'
Ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay, nhu cầu liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Song nhìn tổng thể, việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp lại đang gặp khó, đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành liên quan để ngành Nông nghiệp tỉnh không còn phải “đơn thương độc mã”.

Với trên 526.500ha đất nông nghiệp (chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh), có thể thấy nguồn tài nguyên đất đai sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực sự dồi dào. Điều kiện khí hậu cũng rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tận dụng và phát huy tối đa những tiềm năng đó, những năm qua, với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc đón nhận của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, những chủ trương, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp đã đi vào đời sống của bà con nông dân. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách, trong đó có nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đề án phát triển một số cây dược liệu; đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Người dân thành phố Lai Châu "giải cứu" cá lồng Tà Mít (huyện Tân Uyên) đợt tháng 4 vừa qua.

Là xã vùng sâu của huyện Tân Uyên, xã Tà Mít có 3 bản tái định cư với 284 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái, Dao. Sau khi lòng hồ Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát tích nước, nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 2-3km với mực nước sâu vài chục mét. Nguồn nước sạch không có chất thải hay bị ảnh hưởng từ các khu công nghiệp nên đây là điều kiện thuận lợi, lý tưởng để xã phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ. Năm 2017, xã vận động người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng, lúc đầu chỉ có 20 lồng cá, sau 3 năm đã tăng lên 125 lồng với các loại cá như: trê, tra, lăng, rôphi, chép, trắm... Năm 2019, sản lượng cá của Tà Mít đạt trên 100 tấn. Tuy nhiên, có một số thời điểm, xã vẫn khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đồng chí Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thời điểm đầu năm nay, tình hình dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện giãn cách xã hội nên các đơn vị thu mua tận Hà Nội và các tỉnh khác không lên vận chuyển cá về được. Tôi đã thu gom cá của người dân và cá của gia đình nuôi về tận Hà Nội và thành phố Lai Châu để bán. Do địa hình xa xôi cách trở nên cản trở lớn đối với việc tiêu thụ sản phẩm cá lồng trên lòng hồ của xã”.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ mỗi sản phẩm cá lồng ở Tà Mít, nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như: chè, miến, gạo… được sản xuất ở các địa phương trong tỉnh với chất lượng không thua kém các tỉnh khác song tìm đầu ra bền vững chưa bao giờ là việc dễ dàng. Điều này được đồng chí Lò Văn Biên - Phó Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) nhận định rằng, đa số các sản phẩm làm ra còn manh mún, mẫu mã chất lượng chưa phong phú, đa dạng và số lượng sản phẩm chưa nhiều. Liên kết nông dân - doanh nghiệp - nhà phân phối trong sản xuất - tiêu thụ còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều.
Thực trạng này là có nguyên nhân bởi nền nông nghiệp của tỉnh có điểm xuất phát thấp; việc nhanh nhạy, đầu tư vốn cho sản xuất của người nông dân còn dè dặt. Trong khi, vị trí địa lý của các địa phương trong tỉnh lại xa trung tâm các thành phố lớn, giao thông cách trở… Nếu tính toán lợi nhuận để đầu tư thì lợi nhuận thu về không thể so được với các tỉnh khác. Ngoài ra, do thời gian thuê đất thực hiện các mô hình, dự án diễn ra trong thời gian dài, người dân chưa hiểu hết các chính sách và quy định trong sở hữu đất đai nên sợ mất đất, không mạnh dạn cho thuê đất.
Được biết, để tập trung tháo gỡ các khó khăn, tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Các huyện, thành phố cũng chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, tỉnh đã tiến hành đánh giá, phân hạng 23 sản phẩm dự thi, đánh giá OCOP của 10 chủ thể tham gia. Kết quả đã lựa chọn được 9 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Để sản phẩm nông nghiệp của người dân ngày càng được nhân rộng, duy trì bền vững, trở thành đặc sản của địa phương và đầu ra ổn định, thiết nghĩ, những năm tới, các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhân tố ngoài quốc doanh đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó phải giám sát chặt chẽ việc ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia đều bình đẳng, cùng có lợi, góp phần xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...