Thứ ba, 19/03/2024, 18:20 [GMT+7]

Đừng để trẻ bị tổn thương tinh thần vì đại dịch

Thứ ba, 21/12/2021 - 18:57'
Gần hai năm sau đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề cả về tinh thần và sức khỏe.

Để đại dịch không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất hy vọng, mất niềm tin và đánh mất ước mơ của trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi đầu tư và hành động ngay lập tức với các giải pháp thiết thực, bền vững giúp trẻ em giảm các sang chấn tâm lý.

Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới năm 2021 vừa được UNICEF công bố ngày 5-10, trong đó cảnh báo trẻ em và thanh niên có thể cảm nhận được tác động của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần và sức khỏe của các em trong nhiều năm tới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chuẩn bị bước sang năm thứ 3, hậu quả của nó tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tâm thần, hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Dữ liệu gần đây nhất của UNICEF chỉ ra rằng, hơn 1,6 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hành. Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF cho biết: “Trong hai năm qua, tác động của đại dịch cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả quyền trẻ em. Ngày càng nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau. Nhiều lĩnh vực chưa được giải quyết triệt để, như: Bạo lực, tiếp cận kỹ thuật số hoặc lao động trẻ em. Trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, bị mất đi những thói quen hằng ngày, phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn”.

Gần hai năm đại dịch, trẻ em phần lớn phải học online. Ảnh: AN AN 

Tại Việt Nam, áp lực từ cuộc sống, giáo dục, kỳ vọng... khiến tỷ lệ người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần cũng trở thành vấn đề đáng lưu ý. Em Nguyễn Thị Thương (12 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Việc tuân thủ giãn cách, bị bó hẹp trong không gian nhỏ hẹp, phải học online trong thời gian dài khiến cháu bị stress". Không ít bạn bè của Thương cũng trong tình trạng như vậy. Cùng với đó, trẻ em thường là nạn nhân của những mâu thuẫn trong gia đình. Em Tạ Việt Vượng (12 tuổi, học sinh khiếm thính) tâm sự: “Trong thời gian giãn cách, cháu không được đi học nên phải học online. Đối với những học sinh khiếm thính, việc học online rất khó khăn do chúng cháu không nghe được. Nhìn cử chỉ của thầy cô giáo giảng dạy nhưng đường truyền nhiều khi không tốt, hình ảnh rất mờ, chúng cháu lại không nhìn rõ ký hiệu ở tay. Chưa kể nhiều bạn không có máy tính cũng như điện thoại thông minh nên kiến thức bị “rơi rớt”. Nhiều trẻ cảm thấy bị "cô lập" ngay trong chính gia đình mình".

Với vai trò của chuyên gia sức khỏe tâm thần, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Trẻ em cần thay đổi cách học, các em đã phải ở trong nhà quá lâu, trong khi đây là tuổi tương tác. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu bớt năng lượng dư thừa và những trạng thái tâm thần tiêu cực. Các em ở nhà nhiều, tiếp cận phương tiện internet nhiều thì dễ đối diện với nguy cơ nghiện game và có thể bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc".

Mặt khác, trẻ em phải ở nhà thời gian dài và học tập hàng giờ trước máy tính, điện thoại kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe tâm thần. Những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trình trạng mệt mỏi kéo dài, giảm tương tác xã hội dẫn đến cảm giác cô đơn, mất động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, các em có thể cũng rơi vào tình trạng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến hàng giờ đồng hồ cùng khối lượng kiến thức lớn. Thậm chí, do thời gian dài ở nhà và bị hạn chế nhiều mối quan hệ nên không ít em nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống...

Mới đây, tại Lễ kỷ niệm “Ngày Trẻ em Thế giới”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn, có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch với các giải pháp thiết thực, bền vững. Bố mẹ cần nhạy cảm hơn để sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em; phát triển nghề công tác xã hội, trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng những việc làm thiết thực sẽ góp phần bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giúp các em có cơ hội phát triển trong tương lai.

Cập nhật 06/12/2021 07:35/DIỆP CHÂU/qdndn.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...