Thứ năm, 02/05/2024, 04:18 [GMT+7]
Ảo vọng đổi đời

Bài 1: Khốn đốn vì “sập bẫy” việc nhẹ lương cao

Thứ hai, 08/08/2022 - 11:11'
Thời gian gần đây, nghe lời chào mời quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều thanh niên các xã vùng cao của huyện Tam Đường đã “sập bẫy” đi làm việc nhẹ, lương cao rồi bị lừa bán sang Campuchia. Không làm được việc, nhiều lao động bị đánh đập và phải nộp cả trăm triệu đồng để chuộc người về.

Chỉ vì “ảo vọng”
Sau khi tốt nghiệp THCS, thay vì lựa chọn học tiếp, em Tẩn A Sài ở bản Tà Chải (xã Hồ Thầu) quyết định đi làm tại khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh để phụ giúp gia đình. Công việc là làm linh kiện máy tính, mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Một lần lướt facebook đọc được thông tin tuyển người làm trên máy tính tại Bình Dương, công việc nhẹ nhưng mức lương cao từ 18 - 20 triệu đồng/tháng; Sài thầm nghĩ, mức lương này quá hấp dẫn, gấp 3 lần so với hiện tại nên em đã tin và rủ các bạn đi làm cùng.
Như trong lời chào mời quảng cáo, các em sẽ làm việc tại tỉnh Bình Dương. Nhưng thực tế, Sài và các bạn bị lừa sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Công việc nhẹ, lương cao mà Sài kể là thực hiện các app trên mạng, các app này thực chất là lừa đảo, dụ dỗ người khác nạp tiền vào, khi nhận được số tiền lớn chúng khóa tài khoản để rút tiền. Công việc tưởng chừng như dễ dàng ấy lại không đơn giản chút nào, khi không làm được việc, Sài bị đe dọa, bắt gia đình phải gửi tiền chuộc. Chẳng còn cách nào, Sài gọi điện về nhà cầu cứu bố mẹ gửi 90 triệu đồng để chuộc về, lý do là “chi phí đưa sang công ty” và “bồi thường hợp đồng lao động”.

Em Tẩn A Sài (bên phải) sau khi từ Campuchia trở về địa phương tích cực lao động sản xuất, phụ giúp gia đình phát triển kinh tế.

Em Tẩn A Sài (bên phải) sau khi từ Campuchia trở về địa phương tích cực lao động sản xuất, phụ giúp gia đình phát triển kinh tế.

Khi nộp đủ số tiền như đã giao hẹn, chúng bắt xe đưa Sài tới cửa khẩu Mộc Bài. Nhưng vì xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch nên em bị nộp phạt. Không có tiền nên một lần nữa Sài lại gọi điện để bố gửi tiền để nộp phạt và mua vé xe về. Sài buồn bã nói: “Chỉ vì nghe theo lời quảng cáo trên mạng đi làm việc nhẹ lương cao, em đã bị lừa sang Campuchia. Em phải thực hiện các app trên mạng, không làm được bị chúng ép chuyển tiền thì mới được trở về. Chỉ vì ảo vọng kiếm được nhiều tiền mà em đã mắc sai lầm, làm khổ bố mẹ, gia đình em phải gánh một khoản nợ lớn, em ân hận lắm. Em sẽ cảnh giác với những lời chào mời, quảng cáo trên mạng để không mắc phải sai lầm như vậy nữa”.
Khốn đốn vì “sập bẫy” việc nhẹ lương cao
Cho chúng tôi xem hóa đơn chuyển khoản số tiền 90 triệu đồng để chuộc con về, anh Tẩn A Giàng - bố Sài khóe mắt đỏ hoe, tâm sự: “Thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào ruộng nương, nhưng vì lo cho tính mạng của con trai nơi đất khách nên tôi đã đi vay ngân hàng 100 triệu đồng để chuộc con. Cháu trở về lành lạnh, khỏe mạnh, tôi mừng lắm. Đây là số tiền lớn đối với gia đình, giờ vợ tôi đi thu mua tóc ở các huyện, còn tôi và cháu ở nhà chăm chỉ lao động để tích cóp tiền trả nợ. Tôi nhắc cháu không được tin, nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu”.
Dưới cơn mưa rừng tầm tã của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến gia đình em Phàn A Đoàn ở bản Tà Chải. Ngôi nhà gỗ lụp xụp của em nằm nép bên sườn đồi, vào những ngày mưa lại càng trở nên hiu quạnh. Khi chúng tôi tới thăm chỉ thấy những đứa trẻ nheo nhóc, chúng kể rằng bố mẹ đi làm ăn xa, hè không đi học nên tất cả ở nhà với bà, bà phải chạy qua, chạy lại mấy nhà để cho lợn, gà ăn.
Đưa mắt nhìn quanh chúng tôi quặn lòng vì trong nhà không có lấy một thứ đồ giá trị, chỉ có chiếc giường làm bằng tre xiêu vẹo, chiếc ấm đun nước đã nhuốm đầy muội than. Được biết, gia đình bà Châu Thị Gôn - mẹ của Đoàn thuộc diện hộ nghèo, bà đã ngoài 60 tuổi, có 8 con, con trai bà nghe theo lời dụ dỗ đi làm rồi bị đưa sang Campuchia. Khi bị ép gửi tiền chuộc, bà đã phải chạy vạy khắp nơi vay hơn 100 triệu đồng để chuộc con về.
Không giấu nổi nỗi buồn, nước mắt bà lã chã rơi, bà Gôn buồn bã nói: “Gia đình tôi chỉ làm ruộng, nhà lại đông con nên không đủ ăn, cuộc sống gia đình nghèo khổ lắm. Đoàn muốn phụ giúp bố mẹ nên đi làm ăn xa nhưng lại bị lừa sang Campuchia. Lo cho con, tôi đi vay họ hàng và bà con trong bản 104 triệu đồng để chuộc con về. Cuộc sống đã khó khăn giờ lại còn vất vả gấp bội phần. Hiện, Đoàn và các con tôi đang đi làm ở Bình Dương để gửi tiền về trả món nợ đó”.
Trở về Việt Nam từ tháng 4/2022 nhưng đến nay em Lù A Ỏn ở bản Phô Hồ Thầu (xã Hồ Thầu) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về khoảng thời gian tăm tối phải chịu đòn roi khi lao động tại Campuchia. Vẻ mặt trầm tư, Ỏn nghẹn ngào nói: Kinh tế gia đình khó khăn nên em đi lao động ở Bắc Ninh để phụ giúp bố mẹ. Làm tại đó chưa lâu thì các bạn rủ đi làm việc tại Bình Dương với mức lương cao, công việc nhẹ, em quyết định đi và bị lừa sang Campuchia. Vì không biết làm các app trên mạng nên em bị người trong công ty khóa tay bằng còng số 8, bị đánh đập thậm tệ tại văn phòng, em rất đau, hoảng sợ.
Sau đó, em có nhắn tin trao đổi về việc bị đòi tiền chuộc trên máy tính của công ty và bị chúng phát hiện, em phải nhận thêm một trận đòn chí mạng. Không có điện thoại nên em đã nhờ các bạn trong xã Hồ Thầu liên lạc về gia đình để cầu cứu người thân gửi tiền chuộc. Khi người nhà chuyển hơn 100 triệu đồng thì em được trở về. Chỉ vì nhẹ dạ, tin vào những lời dụ dỗ lương cao mà em phải chịu đòn roi và khiến gia đình mang một món nợ lớn, em vô cùng ân hận.
Theo thông tin từ UBND xã Hồ Thầu, qua rà soát, nắm bắt thông tin, thời gian qua trên địa bàn xã có 6 trường hợp bị kẻ xấu lừa sang Campuchia lao động. Thủ đoạn của chúng là nếu không làm được việc, lao động muốn trở về Việt Nam thì phải liên lạc với người thân chuyển tiền chuộc. Nếu không gửi tiền sẽ bị đánh đập, bán sang công ty khác. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 4 trường hợp người nhà phải chuyển tiền chuộc về, các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, để có số tiền lớn phải đi vay mượn ngân hàng, bán đất.
Ông Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Trước thực trạng đó, chính quyền xã chỉ đạo Công an xã điều tra để nắm rõ vụ việc, đồng thời tích cực tuyên truyền tới người dân nâng cao cảnh giác về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm này, để không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, sập bẫy việc nhẹ, lương cao, trở thành gánh nặng cho gia đình”.
Thực trạng này không chỉ diễn ra tại xã Hồ Thầu mà còn tại các xã: Bản Giang, Bản Bo, Tả Lèng, Giang Ma của huyện Tam Đường. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho thanh niên không nên tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội về tuyển dụng lao động để đổi đời.

(Còn nữa)

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...