Thứ tư, 24/04/2024, 14:34 [GMT+7]
Trăn trở ở bản Dao

Bài 1: Nỗi niềm dân bản

Thứ tư, 02/11/2022 - 20:19'
Ông cha ta có câu, có an cư mới lạc nghiệp, nhưng ở bản Liên Hợp (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên), bà con đang đối mặt với nhiều nỗi lo về môi trường sống và sản xuất trên chính mảnh đất quê mình. Chính quyền huyện, xã, các cơ quan chuyên môn và cả các đơn vị doanh nghiệp đã và đang vào cuộc, tìm các giải pháp đảm bảo yên dân, hài hòa lợi ích.

Liên Hợp là bản được sáp nhập từ 2 bản Căng A và Mít Dạo của xã Pắc Ta, với 165 hộ dân, trong đó 160 hộ là đồng bào dân tộc Dao đỏ. Sinh sống từ lâu đời song hiện nay đời sống của bà con nơi đây đang bị tác động bởi tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, khói bụi và mất an toàn.

“Mục sở thị” bãi đá
Đã một số lần chúng tôi được nghe ý kiến phản ánh của người dân bản Liên Hợp về ảnh hưởng do quá trình khai thác của mỏ đá Căng A và trang trại chăn nuôi lợn tại bản. Để có cái nhìn khách quan và cụ thể nhất tháng 9 vừa qua, phóng viên đã “mục sở thị” những gì đang diễn ra tại đây.
Bản Liên Hợp cách trục đường liên xã Pắc Ta – Hố Mít chừng vài kilômét. Đường vào bản mùa thu 2 bên lúa đã gục đầu, chuẩn bị cho mùa gặt hái. Xa xa là những dãy núi xanh thăm thẳm, những cánh rừng tươi tốt và cả những nương chè tạo nên những đường vân trong mây. Mỏ đá Căng A lừng lững phía trước mặt đã được khai thác lộ ra màu vàng của đất, tách đôi 2 ngọn núi. Thời điểm chúng tôi đến, việc khai thác tại bãi đá đã tạm lắng, cuộc sống ở bản Dao vẫn im ắng, bình yên, không có nhiều thay đổi.

Ruộng lúa nếp của gia đình chị Chảo Thị Náy bị ngả rạp do thân cây tốt quá. (Ảnh chụp ngày 13/9/2022).

Ruộng lúa nếp của gia đình chị Chảo Thị Náy bị ngả rạp do thân cây tốt quá. (Ảnh chụp ngày 13/9/2022).

Mặc dù vậy, khi thấy chúng tôi, nhiều người dân ở bản như trút bỏ nỗi lòng. Các hộ đều cho rằng, việc khai thác đá đã ảnh hưởng đến sự yên bình của mảnh đất này. Không chỉ sợ mất an toàn, các hộ dân còn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi mịn. Một số diện tích chè do bụi bám trên mặt lá nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng với những chiếc xe trọng tải lớn khiến nền đường bị bong tróc, xuống cấp. Nhiều trẻ em đi học cũng không an toàn do bụi bặm và xe cộ qua lại.
Gia đình anh Lương - hộ dân trong bản lo ngại: Những năm trước, hệ thống máy móc khai thác đá hoạt động cả đêm lẫn ngày, tiếng ồn không nghỉ. Hiện nay lượng đá khai thác thành phẩm đang được tập kết tại bãi. Thời gian tới, việc vận chuyển tiêu thụ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Một số hộ có khoảng cách khá gần bãi đá liên tục sống trong nỗi lo sợ đá rơi vào mái nhà, ảnh hưởng đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình.
Không chấp nhận việc “phân làm cho lúa tốt”
Cũng trong thời gian qua, một số bà con bản Dao có ý kiến về việc trang trại chăn nuôi lợn Căng A của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Nông nghiệp Lai Châu (do ông Nguyễn Tiến Lợi làm giám đốc) với quy mô lớn tại khu vực cuối bản đã gây ô nhiễm môi trường do mùi chất thải và nguồn nước xả thải. Đồng thời do người dân lấy nguồn nước thải chăn nuôi làm phân bón ruộng nên đã để lượng đạm vượt quá ngưỡng cho phép, lúa tốt quá, gặp mưa, gió dẫn đến bị ngả rạp với tình hình đó, người dân dự kiến năng suất cây trồng trên những diện tích này năm nay giảm.
Một trong số các hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích lớn có gia đình chị Chảo Thị Náy. Phản ánh với chúng tôi, chị Náy cho hay, hơn 450m2 nếp Co Giàng của gia đình bị ngả rạp do lúa tốt vượt trội so với mọi năm. Với lượng phân gia đình chị bón như mọi năm, giống nếp này chỉ có thể cao tối đa khoảng 60cm, nhưng năm nay cây nếp cao quá đầu người, có nơi đến 2m, hầu hết diện tích tại đám nương này bị đổ, nguồn thu năm nay chắc chắn giảm đáng kể. Chị đã gửi đơn đề nghị lên xã, huyện vào cuộc, mong được quan tâm, đền bù thỏa đáng từ phía doanh nghiệp.
Chứng minh cho những ý kiến phản ánh của mình, các hộ dân có ruộng tại bãi nương khẳng định, dòng suối kia chính là nguồn nước thải từ trang trại lợn, là nguyên nhân “làm cho cây nếp tốt”, khiến cây bị gãy đổ. Việc nguồn nước là chất thải chăn nuôi chảy vào ruộng họ không hề hay biết, chỉ biết do nguồn nước sản xuất vụ mùa không đủ nên cứ có nước là bà con lấy vào ruộng. Các hộ có thửa nếp tốt, không bị đổ thì khấp khởi mừng thầm đếm ngược chờ ngày thu hoạch; hộ có nếp bị đổ thì cùng với theo dõi ruộng, họ kêu cầu khắp nơi mong đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ thiệt hại.
Để tường tận sự tình, dẫu đường vào bãi nương của các hộ dân gập ghềnh khúc khuỷu, có nơi dốc hiểm tháng 9 vừa qua, chúng tôi vẫn thâm nhập vào bãi nương của các hộ để rõ sự tình. Qua từng con dốc dài và những cánh rừng xanh tốt, hiện ra trước mắt chúng tôi bên này là những thửa ruộng bậc thang đang vào độ chắc hạt, có đám thì đã thu hoạch còn trơ gốc rạ. Bên kia là dòng suối, thi thoảng hắt lên mùi ngai ngái của chất thải. Nhưng, điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi đó là một số thửa ruộng cây nếp cao quá đầu người, bông sai trĩu hạt xếp mái, đang vào giai đoạn chín. Trong khoảng 2ha nương khu vực này chỉ có một số ít thửa bị đổ, trong đó chỉ có 2 gia đình bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ khác. Theo anh Hoàng Văn Phanh - Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ta, từ xưa đến nay dù bà con có bón nhiều phân đến đâu cũng chưa bao giờ lúa tốt được như vậy. Những thửa ruộng này nếu không bị gãy đổ, côn trùng phá hoại, chắc chắn sẽ cho vụ bội thu lớn nhất từ trước đến nay.
Cấp ủy, chính quyền xã đã nắm được tình hình, trực tiếp kiểm tra và trao đổi thường xuyên với các đơn vị doanh nghiệp để tìm ra một giải pháp hợp lý, hợp tình cho cả đôi bên.
(Còn nữa)

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...