Thứ sáu, 19/04/2024, 23:42 [GMT+7]

Bất cập tiêu chí xét hộ nghèo đa chiều

Thứ hai, 08/06/2020 - 09:30'
Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 59) về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, việc xét chuẩn nghèo mới đã đi gần hết chặng đường, song nhìn lại vẫn còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp.

Các tiêu chí tiếp cận đo lường hộ nghèo đa chiều theo Quyết định 59 gồm tiêu chí về thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (DVXHCB). Theo đó, 5 DVXHCB là: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin và 10 các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các DVXHCB gồm: các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Đồng chí Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay: Trước đây, việc xác định hộ nghèo chỉ trên cơ sở thu nhập. Nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều, cùng với tiêu chí thu nhập còn có đánh giá về mức độ thiếu hụt các DVXHCB. Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo thực hiện thông qua phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu thập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB. Tuy nhiên việc này đối với đặc thù tỉnh ta trong quá trình thực hiện xuất hiện những bất cập.

Hộ nghèo ở bản Pan Khèo (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) nuôi trâu.

Hộ nghèo ở bản Pan Khèo (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) nuôi trâu.

Hố Mít là xã vùng cao thuộc huyện Tân Uyên. Trong công tác rà soát hộ nghèo đa chiều, xã phân công từng cán bộ phụ trách các bản và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát do bản thân đảm nhận. Quá trình rà soát được thực hiện bằng nhiều kênh thông tin, từ gia đình, trưởng bản, thậm chí các hộ xung quanh. Sau khi rà soát đều tiến hành họp bản, lấy ý kiến người dân để xác định hộ nghèo. Đến nay, Hố Mít chỉ còn 75 hộ nghèo (chiếm 11,9%). Tuy nhiên, căn cứ vào từng tiêu chí nghèo đa chiều thì vẫn còn có điểm bất cập. Trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, mặc dù thu nhập khá hơn trước nhưng bà con vẫn sống theo nếp xưa. Có gia đình số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng không có nhu cầu mua sắm các thiết bị như: máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, tivi đắt tiền… Nếu theo tiêu chí tài sản chủ yếu (tổng 150 điểm) thì những hộ này sẽ mất khá nhiều điểm vì không có tài sản như tiêu chí đề ra trong phiếu rà soát hộ nghèo. Cụ thể, quy định về các tài sản chủ yếu là chấm điểm: tivi màu, ôtô, xe máy, xe có động cơ, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sấy quần áo, lò vi sóng, lò nướng... Những vật dụng này rất bình thường với hộ ở vùng thuận lợi, điều kiện phát triển trong nước, nhưng lại có vẻ khá xa xỉ đối với bà con vùng sâu, vùng xa của tỉnh, khi mà cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp và thường được coi hộ có nhiều tài sản là mua sắm được các máy móc như: máy cày, máy bừa, máy gặt, máy tuốt lúa... Như vậy, tiêu chí về tài sản chủ yếu chưa phù hợp với điều kiện của nông thôn miền núi.
Từ thực tế của Hố Mít nhìn rộng ra toàn tỉnh cho thấy với điều kiện tỉnh miền núi khó khăn về nhiều mặt, giao thông đi lại ở các bản vùng sâu, xa, biên giới không thuận lợi. Do đó, có tình trạng người dân dù có tiền (đảm bảo tiêu chí thu nhập) nhưng địa bàn sinh sống điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển nên nhu cầu sống của bà con đòi hỏi không cao. Thực trạng này không chỉ ở các huyện nghèo như: Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn mà phổ biến ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Điều này, nhiều bà con tâm sự, khu vực sản xuất của gia đình cách xa nơi ở, phần lớn thời gian ở trên rừng, lán nương, không ở nhà nhiều nên nhu cầu mua sắm các tiện nghi sinh hoạt rất ít.
Theo phiếu rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn vùng trung du và miền núi phía Bắc, mục đặc trưng hộ, về diện tích ở bình quân đầu người quy định nếu từ 8 đến dưới 20m2 sẽ không được chấm điểm. Trong khi đó, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số thường nhiều thế hệ, nhiều nhân khẩu cùng sinh sống. Dù làm nhà đã đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhưng nếu chia theo đầu người thì ít hộ đảm bảo diện tích. Hay như tiêu chí chăn nuôi, hộ có từ 1 con trâu/bò/ngựa được chấm 15 điểm, hộ có từ 2 con trâu/bò/ngựa trở lên được 25 điểm. Theo đó, nếu có 2 con hay cả đàn gia súc tới 20 con hoặc hơn nữa cũng vẫn chỉ được 25 điểm. Hoặc tiêu chí tiêu thụ điện bình quân 1 tháng của hộ, nếu tiêu thụ 25 - 49KW/tháng được chấm 20 điểm, nhưng ít hơn 25KW/tháng không có điểm. Thực tế, bà con vùng sâu, xa, rất ít thiết bị sử dụng điện, tiền điện hàng tháng không nhiều, thậm chí có hộ chỉ vài nghìn hoặc hơn chục nghìn tiền điện/tháng...
Chị Lê Thị Tình - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH, Phó Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình huyện Tân Uyên nói: Cách đánh giá hộ nghèo có sự thay đổi từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các DVXHCB cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, với đặc thù nông thôn miền núi như tỉnh ta, một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tế. Chúng tôi đã đề xuất tỉnh, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung một số tiêu chí xác định hộ nghèo để đánh giá sát hơn, phù hợp hơn với điều kiện sống của người dân trên địa bàn.
2020 là năm cuối thực hiện đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, điều chỉnh cho phù hợp. Để từ đó có những con số điều tra phản ánh đúng thực trạng đời sống Nhân dân, làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới.

Trang Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...