Thứ sáu, 29/03/2024, 21:01 [GMT+7]
Thực hiện hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Than Uyên

Còn nhiều vướng mắc

Thứ hai, 01/06/2020 - 17:21'
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay huyện Than Uyên đã cơ bản thực hiện xong cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đối tượng người lao động, hộ kinh doanh còn vướng mắc do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Để kịp thời chi trả chính sách, huyện đang quyết liệt vào cuộc sớm hoàn thành việc hỗ trợ theo quy định.

Huyện Than Uyên đã nghiêm túc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp các đối tượng người có công, người được hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ kinh doanh, người lao động gặp khó khăn để thực hiện hỗ trợ. Những nhóm đối tượng này khi thực hiện rà soát không có gì vướng mắc, vì đã có số liệu, danh sách do các cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Cán bộ xã Mường Kim (huyện Than Uyên) thực hiện chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo bản Nà Đình (xã Mường Kim) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cán bộ xã Mường Kim (huyện Than Uyên) thực hiện chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo bản Nà Đình (xã Mường Kim) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để đảm bảo thực hiện chi trả chính sách cho các đối tượng công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, điều kiện, trình tự thủ tục theo quy định đến từng thôn, bản, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và Nhân dân nắm rõ nội dung hỗ trợ. Các xã, thị trấn phân loại kỹ các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đảm bảo chính xác, không trùng lắp đối tượng và đảm bảo đủ điều kiện, trình tự, thủ tục. Cùng với đó, các ngành chức năng liên quan phối hợp hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương, tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Bà Khuất Thị Thúy Nga - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Than Uyên cho biết: Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phòng phối hợp các cơ quan chức năng, xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, bảo đảm danh sách người thụ hưởng được niêm yết công khai tại trụ sở, nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, đảm bảo chi đúng và chi đủ cho tất cả những người được hỗ trợ; điều này thể hiện tính nhân văn của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội”.
Theo báo cáo của huyện Than Uyên, đến nay, huyện thực hiện hỗ trợ xong cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, toàn huyện có 102 người có công với cách mạng được hỗ trợ tổng kinh phí 153 triệu đồng (Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chi trả); 1.301 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí 1.495,5 triệu đồng (Bưu điện huyện chi trả); 18.323 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 13.742,250 triệu đồng (xã, thị trấn chi trả). Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp cho người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Việc chi trả cho các đối tượng góp phần chia sẻ, động viên người dân vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Tòng Văn Thanh thuộc diện hộ nghèo của bản Nà Đình, xã Mường Kim có 4 nhân khẩu, cuộc sống chỉ dựa vào hơn 100m2 đất trồng lúa, mỗi vụ thu vỏn vẹn gần 5 bao thóc. Do vợ thường xuyên ốm, anh Thanh phải đi làm phụ hồ thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Trong thời gian cách ly xã hội do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, anh Thanh phải ở nhà nên cuộc sống càng túng thiếu. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã giúp gia đình anh Thanh nhận được 3 triệu đồng phần nào vơi bớt khó khăn. Anh Thanh tâm sự: “Trong những tháng phải ở nhà không đi làm thuê được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ một phần tôi rất phấn khởi vì có thêm được một khoản để lo cho các cháu. Hiện, tôi bắt đầu đi tìm việc làm thuê trở lại để kiếm tiền”.
Cũng theo bà Khuất Thị Thúy Nga, quá trình rà soát thực hiện hỗ trợ chính sách, huyện cũng gặp vướng mắc đối với hộ kinh doanh và người lao động tự do. Trong đó, việc rà soát hộ kinh doanh có doanh thu khai báo thuế dưới 100 triệu đồng/năm còn lúng túng do chủ hộ kinh doanh khai báo không đầy đủ, không chính xác nên mất nhiều thời gian xác minh. Đối với việc rà soát người lao động, nhiều trường hợp không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm nên khó khăn cho việc xác định đối tượng, xác định một số ngành nghề phi nông nghiệp. Trong khi đó, trên địa bàn rất nhiều người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm như: thợ xây, thợ cắt tóc, gội đầu… mà Quyết định 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 837/UBND-VX ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh thì không quy định những đối tượng trên được hỗ trợ. Do đó, người lao động thắc mắc.
Chị Lò Thị Quynh, bản Lằn, xã Mường Than chia sẻ: “Năm 2019, tôi có làm việc đóng gói sản phẩm cho một Công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020 xuất hiện dịch Covid-19 nên Công ty buộc cho công nhân nghỉ về nhà tránh dịch. Do không ký kết hợp đồng mà tôi chỉ đăng ký làm lao động thời vụ nên khi làm thủ tục hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không đủ điều kiện do không xin được giấy xác nhận của Công ty nơi tôi từng làm việc. Điều này đã làm tôi thiệt thòi”.
Theo anh Triệu Như Tơ - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cang: Việc rà soát đối tượng lao động tự do và lao động tại công ty, doanh nghiệp (không có hợp đồng lao động) gặp rất nhiều khó khăn bởi việc nắm thông tin, điều tra công việc không dễ dàng nên khó cho việc thẩm định hồ sơ cho đối tượng lao động được hưởng chính sách. Với trường hợp có đầy đủ hồ sơ, Hội đồng thẩm định của xã sẽ niêm yết tại các bản kịp thời điều chỉnh đúng đối tượng, bổ sung thêm người lao động đủ điều kiện đề nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ. Xã cũng đề nghị người lao động liên hệ với công ty, doanh nghiệp xác nhận Quyết định nghỉ việc, thôi việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 để xã xem xét căn cứ bổ sung hồ sơ trình cấp thẩm quyền quyết định.
Hiện nay, đối với hộ kinh doanh, Chi cục thuế huyện Than Uyên mới nhận được hồ sơ của thị trấn, xã Mường Kim với tổng số tiếp nhận 253 đơn đề nghị của hộ kinh doanh; qua thẩm định có 90 hộ kinh doanh đạt yêu cầu nhưng chỉ hỗ trợ cho 10 hộ kinh doanh đủ điều kiện hoạt động liên tục còn 80 hộ không hoạt động thường xuyên. Đối với người lao động, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện chỉ nhận được hồ sơ của xã Ta Gia, Mường Kim. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, thủ tục chưa đảm bảo theo quy định (còn thiếu một số thông tin trên hồ sơ) và đã yêu cầu xã hoàn thiện. Chi Cục thuế và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp trình UBND huyện Than Uyên phê duyệt hỗ trợ cho hộ kinh doanh, người lao động đợt 1 trong tháng 5.
Việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần đầu tiên thực hiện nên các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Than Uyên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai; đặc biệt là rà soát đối tượng người lao động tự do bị mất việc làm. Do đó, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...