Thứ bảy, 27/07/2024, 09:26 [GMT+7]

Cần đầu ra bền vững cho mật ong Lai Châu

Thứ ba, 11/06/2024 - 08:55'
Khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có về tài nguyên rừng và diện tích cây mắc-ca, cây ăn quả lớn… những năm gần đây, nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) ở các địa phương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mật ong.

Mùa này, đi khắp các xã, lên bản vùng cao, đâu đâu chúng tôi cũng thấy người dân nuôi ong lấy mật. Có lẽ, bởi ong dễ nhân đàn, dễ chăm sóc và không tốn nhiều chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế nhanh và lâu dài. Dạo quanh những phiên chợ vùng cao đến hoạt động chợ thường ngày ở trung tâm các phường, thị trấn, không khó bắt gặp hình ảnh người dân mang mật ong ra bán.
Anh Đỗ Tiến Vượng - thành viên HTX Nông nghiệp, Xây dựng và Thương mại Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn chia sẻ : Năm nay được mùa mật ong hơn mọi năm. Tính của cả gia đình nuôi và thu mua cho 17 hộ trên địa bàn đến thời điểm này HTX có khoảng 20.000 lít mật ong với nhiều hương vị khác nhau từ hoa của các cây gỗ lớn, cây ăn quả như: mắc-ca, nhãn, xoài.
Lai Châu hiện có hơn 454.000ha rừng tự nhiên, với tỷ lệ che phủ 54%; trên 16.000ha cây ăn quả, mắc-ca. Đây là những điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con phát triển mô hình kinh tế mới này. Điển hình như Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, đã hỗ trợ hàng nghìn thùng ong cho hộ dân, HTX với mức hỗ trợ 700.000 đồng/thùng, gồm: thùng ong, cầu ong, ong giống. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.670 cơ sở nuôi ong (6 HTX, hơn 1.660 hộ gia đình), trên 19.540 đàn ong.
Mô hình ngày càng được nhân rộng, đồng nghĩa với sản lượng mật hằng năm lớn. Nhất là năm nay, hầu như ở các huyện, bà con được mùa mật ong. Tuy nhiên, đây cũng trở thành bài toán đối với người dân, HTX khi tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn kiểm tra thực tế mô hình nuôi ong lấy mật của Hợp tác xã Khánh Ngân (thị trấn Nậm Nhùn).

Như chia sẻ của anh Vượng, những năm trước, mật ong tiêu thụ nhanh hơn, nếu như vào thời điểm này hằng năm, HTX còn rất ít mật để bán, riêng dịp tết thì hết hàng. Nhưng năm nay, với số lượng 20.000 lít mật, đơn vị mới bán được gần 1 nửa. Anh Vượng tâm sự: Trên thị trường hiện nay, mật ở các nơi được nhập về giá thành rẻ hơn mật của HTX. Vì thế, mật bán chậm, thậm chí các cộng tác viên đặt hàng bán lẻ cũng giảm một nửa so với mọi năm.
Đối với gia đình anh Lò Văn Sáng ở bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) cũng đang gặp khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm mật ong. Năm 2023, gia đình anh nuôi gần 100 thùng ong, thu gần 1 tấn mật, tương đương với khoảng 600 lít mật nhưng còn tồn khoảng 200 lít. Vì thế, năm nay gia đình nuôi giảm xuống hơn 50 thùng, thu trên 200 lít, mới bán một nửa số mật cho khách quen.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh khuyến khích, hỗ trợ hộ dân, HTX tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện tại, toàn tỉnh có 8 sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tại các sự kiện lớn của tỉnh, hội chợ, các buổi triển lãm trưng bày sản phẩm nông nghiệp địa phương ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhiều sản phẩm mật ong được mang đi trưng bày, quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân, du khách; tạo điều kiện cho mật ong Lai Châu mở rộng thị trường với những khách hàng tiềm năng.
Anh Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên cho biết: Đơn vị khuyến khích cán bộ trong cơ quan kết nối tiêu thụ sản phẩm mật ong cho bà con qua nhiều kênh; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mật ong Tân Uyên trên mạng xã hội, tham gia hội chợ... Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi ong cách thức bán hàng online.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá thành mật ong của tỉnh bán lẻ ra thị trường dao động từ 200.000-500.000 đồng/lít, trong khi đó mật hoa cà phê, mật hoa bạc hà... ở các địa phương khác bán rẻ hơn nhiều lần, thậm chí chỉ từ 80.000-100.000 đồng/lít. Không chỉ cạnh tranh về giá, kênh bán sản phẩm mật ong của bà con còn nhiều hạn chế, hiện nay chủ yếu qua những mối quen cũ, bán ở chợ, số lượng bán không được nhiều.
Thiết nghĩ, để tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong bền vững, tạo động lực cho người dân vươn lên làm giàu, các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn; gắn hỗ trợ nhân rộng đàn ong với xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp; mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng bán hàng trên các nền tảng xã hội cho HTX, hộ dân. Bên cạnh đó, mỗi hộ, HTX nuôi ong cũng cần chủ động hơn cho việc tìm, kết nối nguồn tiêu thụ; có những chiến lược truyền thông, quảng bá sản phẩm mật ong tới người tiêu dùng; nhất là đa dạng sản phẩm kết hợp cùng mật ong phục vụ chăm sóc sức khoẻ con người.

Ngân Khánh - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.