Thứ bảy, 20/04/2024, 22:26 [GMT+7]

Cần khơi dậy và hình thành thói quen đọc sách từ mỗi gia đình

Thứ ba, 29/03/2022 - 18:26'
(BLC) - Đọc sách mang lại nhiều điều bổ ích, giúp hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần xây dựng xã hội học tập.

Những năm gần đây, văn hóa đọc được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm hơn trước. Nhiều hoạt động khuyến khích niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhi đồng được tổ chức. Có thể kể đến những hoạt động thường niên nổi bật như: cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; xếp sách nghệ thuật; vẽ tranh theo sách dành cho thiếu nhi; tuyên truyền, giới thiệu sách, phát động quyên góp sách ủng hộ thư viện nhà trường, tặng các bạn học sinh vùng khó khăn... Hình thức tổ chức cũng được đa dạng hóa, đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Thư viện Trường THCS Đoàn Kết.

Thư viện của Trường THCS Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) luôn sạch đẹp và đa dạng các đầu sách thu hút học sinh, giáo viên đến tìm đọc.

Từ năm học 2021 - 2022, tuần nào cũng vậy, cứ vào thứ bảy hàng tuần, các lớp ở Trường THCS Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) lại dành 15 phút đầu giờ để giới thiệu những cuốn sách hay. Mỗi tuần, mỗi lớp phân công 1 bạn có nhiệm vụ tìm và giới thiệu nội dung 1 cuốn sách mà mình tâm đắc trước lớp. Nhờ hoạt động này mà các em biết đến nhiều hơn những cuốn sách bổ ích và tìm đọc, hình thành niềm đam mê khám phá những lĩnh vực mình yêu thích qua sách.

Em Thái Bảo Hoàng, học sinh lớp 7A5, Trường THCS Đoàn Kết cho biết: Có thời điểm phải học online thì việc sinh hoạt lớp và giới thiệu sách vẫn được cô giáo chủ nhiệm duy trì bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, trước đây lớp em còn tổ chức thi giới thiệu sách, có chấm và trao giải. Mỗi bạn tự tìm 1 cuốn sách hay, ý nghĩa và quay video thuyết trình về cuốn sách đó gửi lên zalo lớp để tham gia cuộc thi. Việc này tạo hứng thú và giúp chúng em tự tin hơn khi trình bày.

Hay như bậc tiểu học, hàng tuần các em đều có giờ học tại thư viện để được tìm hiểu và đọc sách. Ở Trường Tiểu học số 1 (thành phố Lai Châu) mỗi lớp đều xây dựng 1 tủ sách riêng, trang trí gọn gàng, đẹp mắt. Các đầu sách chủ yếu do xã hội hóa, vận động giáo viên, học sinh ủng hộ. Giờ ra chơi, nhờ có tủ sách đa dạng, nhiều em như cuốn vào nội dung cuốn sách, giúp mở mang kiến thức và giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Được biết, nhằm lan tỏa cách làm hay trong phát triển phong trào đọc sách, năm học 2020 - 2021, nhà trường còn tổ chức hội thi về hoạt động của thư viện theo hình thức mỗi khối lớp xây dựng 1 video ghi lại hành trình hình thành thói quen đọc sách, yêu sách cho học sinh... 

Thời gian qua từ tỉnh đến các ngành chức năng và nhất là các nhà trường đã có nhiều nỗ lực nhằm khuyến khích văn hóa đọc. Song, thực tế tỷ lệ thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh duy trì thói quen đọc sách chưa nhiều. Chủ yếu là các em ở thành phố và trung tâm các xã, thị trấn, vùng có điều kiện thuận lợi.

Với nhịp sống hối hả, tất bật quay cuồng với cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình còn xem nhẹ văn hóa đọc. Có gia đình có điều kiện kinh tế nhưng cả tuần con kín lịch học ở trường và học thêm; không chú trọng việc rèn thói quen đọc sách cho con em. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng Interne càng khiến không ít em ngại đọc sách, thích chơi game, đọc lướt những tin tức giật gân trên mạng. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện hoặc quan tâm tới hình thành tủ sách gia đình; dành thời gian hướng dẫn con phương pháp đọc, cách lựa chọn những cuốn sách bổ ích...

Sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đọc sách là thói quen bổ ích giúp người đọc nâng cao kiến thức, cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích; mở rộng vốn từ ngữ, cải thiện trí nhớ, giúp hoàn thiện nhân cách... Nhiều cuốn sách với những lời khuyên thiết thực đã trở thành “liều thuốc bổ” giúp chúng ta biết cách thức vượt qua áp lực trong công việc, cuộc sống. Ngoài ra còn giúp người đọc thư giãn sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.

Thiết nghĩ, để phát triển văn hóa đọc thì vấn đề “gốc rễ” là phải xây dựng thói quen đọc. Và để xây dựng được thói quen tốt này trong cuộc sống thì không thể phó mặc việc hình thành thói quen cho nhà trường, xã hội, mà quan trọng phải bắt nguồn từ việc giáo dục của mỗi gia đình. Bố mẹ nên dành thời gian đọc sách, hình thành cho con trẻ thói quen này, khuyến khích và tạo điều kiện để con đọc sách.

Chị Liễu cùng con đọc sách hàng ngày.

Hằng ngày, chị Liễu dành thời gian hướng dẫn con chọn sách và đọc sách cùng con.

Chị Đỗ Liễu ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) từ lâu đã có niềm đam mê đọc sách. Dù bận công việc cơ quan, gia đình nhưng chị luôn dành thời gian để khám phá từng trang sách yêu thích. Trong tủ sách của chị, đa dạng sách về các lĩnh vực. Không chỉ đọc cho riêng mình, chị còn thường xuyên chia sẻ những cuốn sách hay lên các trang mạng xã hội tới bạn bè. Hai con nhà chị cũng được mẹ rèn cho thói quen đọc sách từ nhỏ nên bạn nào cũng có sở thích đọc sách giống mẹ. Chị thường xuyên mua sách cho con và coi như món quà tặng mỗi khi con ngoan, làm việc tốt.

Chị Liễu tâm sự: Mình “nghiện sách” và con gái mình cũng rất thích đọc. Cứ rảnh lúc nào là cháu đọc sách lúc đó. Có khi vừa trông em vừa đọc, học xong lại đọc, trước khi nghỉ trưa cũng tranh thủ đọc. Thậm chí có hôm sáng sớm 5 giờ 30 phút đã dậy đọc vài trang sách rồi mới làm việc khác... Từ đọc sách, giúp con thêm hiểu biết, nhất là nuôi dưỡng tâm hồn, biết chia sẻ, đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện và hoàn cảnh ngoài đời thường.

Theo chia sẻ của chị Liễu, bí quyết để duy trì đọc sách được lâu, cuốn hút, đó là sau mỗi thể loại sách, mẹ con chị lại chọn đổi thể loại khác. Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn thường thức, văn học, thì sẽ chuyển sang truyện trinh thám, hoặc sách khám phá...

Phong trào đọc sách từ mỗi gia đình như chị Liễu nếu được duy trì và nhân rộng sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng… hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Được biết, ngoài đọc sách giấy, những người yêu sách có thể đọc sách online, trao đổi sách với bạn, hoặc đến các thư viện... Hiện nhiều nhà sách online miễn phí được xây dựng nhằm chia sẻ sách ebook miễn phí cho những ai khó khăn chưa có điều kiện mua sách. Truy cập vào https://nhasachmienphi.com, chúng ta có thể thấy hàng nghìn cuốn sách ở gần 30 lĩnh vực với nguồn tri thức khổng lồ được đăng tải. Điều này giúp giảm chi phí mua sách và đưa sách đến gần hơn các đối tượng bạn đọc.

"Mỗi cuốn sách hay cho ta 1 điều tốt, mỗi người bạn tốt cho ta 1 điều hay". Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...