Thứ ba, 22/10/2024, 12:24 [GMT+7]
Giải phóng mặt bằng đường tỉnh 133

Cần quyết liệt hơn

Thứ sáu, 14/06/2024 - 09:53'
Thời gian gần đây, phóng viên Báo Lai Châu liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc mất an toàn giao thông khi đi qua đoạn đường của 2 bản: Tạng Đán, Chom Chăng (xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên). Đây là đoạn đường thuộc Dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 133, đoạn Km0 - Km21 (đường tỉnh 133) đang thi công dở dang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người đi đường. Nguyên nhân chính vẫn là chưa giải phóng được mặt bằng dẫn đến việc thi công chắp vá theo kiểu “xôi đỗ”. Chính quyền huyện Tân Uyên cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình.


Dự án đường tỉnh 133 huyện Tân Uyên được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1295/QĐ-UBND ngày 1/10/2021, giao cho Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng thấp huyện Sìn Hồ và huyện Tân Uyên với tuyến đường nối cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông. Đây là công trình giao thông cấp IV, nhóm B với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, trong đó chi phí cho GPMB là 56 tỷ đồng. Hiện, huyện Tân Uyên vẫn chưa thẩm định xong phương án bổ sung đất, tài sản vật kiến trúc, bãi đổ thải (bao gồm đất của 156 hộ dân với giá trị dự kiến khoảng 9,2 tỷ đồng). Dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, đến hết tháng 5, gói thầu số 5 đạt 77% giá trị hợp đồng; gói thầu số 6 đạt 79% giá trị hợp đồng. Những vị trí đã thi công là những phần mặt bằng giải phóng đơn giản, dễ thực hiện. Phần còn lại rất khó khăn và vướng mắc nhiều, trong đó có cả sự cố tình không hợp tác của một số hộ dân và cả sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai do lịch sử để lại.
Chúng tôi đến vị trí người dân phản ánh về một số vụ tai nạn đã xảy ra do quá trình thi công chưa dứt điểm tại khu vực bản Chom Chăng. Cách ngã 3 rẽ từ quốc lộ 32 vào xã Thân Thuộc chừng 100m, đây là đoạn đường do Công ty TNHH Quỳnh Trang thường xuyên vận chuyển vật liệu từ khai thác mỏ đá, cũng là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện đi vào các xã: Thân Thuộc, Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít. Thời gian qua, do tuyến đường thuộc Dự án đường tỉnh 133 qua đoạn này chưa giải phóng được mặt bằng nên đơn vị nhà thầu đã chủ động thi công nắp cống (cao hơn so với mặt đường). Mùa này mặt đường gồ ghề, mưa xuống không có rãnh thoát nước nên đọng lại thành hố sâu, nhiều người dân đi qua không rõ mặt đường nên người thì xuống xe dắt bộ, người thì cố đi qua, trong số đó nhiều người ngã xuống, bị thương.

Người dân bị tai nạn khi đi ngang qua đoạn đường tại bản Chom Chăng (xã Thân Thuộc).

Bà Lò Thị Thượi (bản Tạng Đán, xã Thân Thuộc) nói: Buổi tối tôi đi học xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Thân Thuộc cách nhà có mấy trăm mét nhưng nước ngập, có đoạn tưởng như bước qua được nhưng đặt chân xuống thì bùn ngập đến mắt cá chân. Đợt rắng ráo thì bụi, mỗi lần có xe ôtô ngang qua, bụi bay hết vào nhà. Dọc tuyến đường này nhà nào cũng đóng cửa, không ai dám mở vì sợ đồ đạc, quần áo, vật dụng sinh hoạt đều bám đầy bụi.
Quan sát thêm tại vị trí trên, chúng tôi thấy có rất nhiều phương tiện đi lại, xe tải trọng lớn, có đoạn nước ngập nửa bánh xe, nhiều người dân ở các bản thuộc Nậm Cần, Nậm Sỏ ra, vào giao thương buôn bán cũng gặp khó khăn. Một người dân dắt bộ qua đoạn đường lầy lội ở xã Thân Thuộc nói: “Đường khó đi, chỗ lồi, chỗ lõm nên chúng tôi cứ phải mò đường, chẳng biết đi đường nào thì mới an toàn. Hôm nọ tôi bị ngã một lần rồi. Tôi đi chợ về buổi trưa, gặp ôtô đi trái chiều nên nép vào lề đường để tránh nhưng do bước hụt, tôi ngã xuống. May mắn là không sao. Chúng tôi chỉ mong tuyến đường này làm xong sớm để người dân đi lại đỡ khổ”.
Đem những thông tin cơ sở phản ánh và nỗi niềm của người dân, chúng tôi được ông Phạm Ngọc Đoàn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho biết: Toàn tuyến có hơn 21km nhưng vẫn còn hơn 70 hộ chưa phê duyệt được giá đền bù. Lý do xây dựng phương án bồi thường và công tác GPMB hộ gia đình có sổ đỏ hoặc chưa có sổ đỏ nên người dân chưa đồng ý, thắc mắc đơn giá bồi thường thấp.
Hiện nay, sau khi được tuyên truyền, vận động nhiều lần, đa số các hộ dân sinh sống trên tuyến đường đã đồng thuận với phương án bồi thường để trả mặt bằng cho đơn vị thi công với mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống. Hiểu được điều đó, anh La Văn Dính (bản Chom Chăng) đã hợp tác giao đất ngay từ khi được vận động đợt đầu. Theo anh, ở khu vực gần nhà anh đang ở có trạm y tế, trường học, cơ quan Nhà nước hoạt động. Nếu thi công dở dang sẽ rất nguy hiểm cho người dân trong quá trình đi lại, đặc biệt là các cháu học sinh. Dãy đất bám mặt đường này đều thuộc mấy anh em trong gia đình, do đó anh sẽ vận động những gia đình còn lại đồng thuận, sớm giao đất cho đơn vị thi công làm đường.
Do cả yếu tố khách quan và chủ quan, công tác GPMB đang gặp vô vàn khó khăn, trong khi thời gian chỉ còn 6 tháng, phần việc phải thực hiện còn rất nhiều, dự án đang chậm so với tiến độ đề ra. Không ai khác, đơn vị chủ đầu tư mong muốn lớn nhất việc có mặt bằng để các nhà thầu thi công.
Ông Phùng Văn Nam - Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, hết tháng 12 năm 2024 Dự án đường tỉnh 133 phải hoàn thành. Đến nay, mặt bằng còn phải tiến hành giải tỏa đền bù còn nhiều, trong khi đó, đang vào mùa mưa nên việc triển khai thi công gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ tối đa nhân lực, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện phấn đấu bàn giao mặt bằng trước tháng 9 năm nay để dành thời gian 3 tháng cuối năm thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Đường tỉnh 133 có vai trò xung yếu trong kết nối giao thông vùng miền, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính quyền và cơ quan chuyên môn huyện Tân Uyên cần quyết liệt hơn nữa trong thu hồi đất phục vụ xây dựng các công trình giao thông, đẩy nhanh tiến độ, không để “một người” làm ảnh hưởng “nhiều người”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần tăng cường nguồn lực sắp xếp ổn định dân cư
Huyện Mường Tè còn nhiều hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở đất. Việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng nguy cơ thiên tai giúp người dân có cuộc sống ổn định đã được các cấp...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...