Thứ bảy, 20/04/2024, 00:06 [GMT+7]
Xử lý rác thải sinh hoạt ở Phong Thổ:

Cần tiếp tục quan tâm, tháo gỡ

Thứ hai, 14/06/2021 - 17:08'
Thời gian qua, huyện Phong Thổ có nhiều cố gắng xử lý rác thải sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường sống và đảm bảo mỹ quan. Tuy nhiên, do lượng rác lớn, việc thu gom, xử lý còn khó khăn nên đây vẫn còn là “bài toán khó” cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.

Nỗ lực xử lý rác
Phong Thổ là huyện biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu với 17 xã, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên 102.930,67ha, 80.305 người dân thuộc 9 dân tộc cùng sinh sống. Sự gia tăng dân số và quá trình phát triển kinh tế khiến lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện gia tăng. Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, hiện nay khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị (thị trấn Phong Thổ) là 7,8 tấn/ngày, khu vực nông thôn 38,4 tấn/ngày. Nguồn phát sinh rác thải chủ yếu từ các hộ gia đình, khu vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, chợ), công sở (cơ quan, trường học, bệnh viện), khu công cộng, dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh)… Điều này đặt ra yêu cầu phải thu gom, xử lý sao cho hiệu quả.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Phong Thổ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường nông thôn; kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là khu vực nông thôn. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra việc bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2019, UBND xã Ma Li Pho đã xử phạt hành chính 1 trường hợp do vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng với tổng số tiền 3 triệu đồng. Áp dụng các biện pháp khắc phục gồm: Xúc toàn bộ cuống chuối lẫn túi ni lông đã đổ và di chuyển đến đúng nơi quy định; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) thu gom rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) thu gom rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến xã, giờ đây nhiều thôn, bản người dân đồng thuận đưa việc cam kết bảo vệ môi trường vào hương ước. Thực tế tại các xã, thị trấn từ vùng thấp đến vùng cao của huyện Phong Thổ như: thị trấn, Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Dào San… chúng tôi nhận thấy, nhiều khu vực gần đường, trước kia rác thải chất thành đống lớn nhưng giờ đây được thu gom, xử lý, trả lại mỹ quan và môi trường sạch. Bà con dần chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải bằng việc thành lập các tổ môi trường tự quản do các chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên làm nòng cốt; hạn chế việc chăn nuôi thả rông gia súc; thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định.
Anh Trang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn chia sẻ: “Xã có 9 bản, trên 4.000 người. Trước đây, do chưa có đơn vị đến đưa rác đi xử lý, trong khi chỗ quy hoạch xử lý rác của xã ở bản Nậm Và chưa có đường vào, cũng chưa có kinh phí vận chuyển, người dân còn xả rác bừa bãi, rồi tự đốt. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến vài năm trước lượng rác chất thành đống lớn dọc theo trục đường quốc lộ 100. Từ năm 2019 trở lại đây, từ nguồn xây dựng nông thôn mới, xã được cấp tổng số 56 xe đẩy rác, 25 thùng đựng rác. Xã phân về các bản để bà con tự quản lý, sử dụng. Việc hướng dẫn phân loại rác từ hộ gia đình được tiến hành. Giờ đây, hầu hết bà con trong xã tự phân loại rác thải thành rác tái chế, hữu cơ và vô cơ để xử lý cho hiệu quả”.
Đôi điều trăn trở
Chung sức vào cuộc, môi trường sống của huyện Phong Thổ từng bước được cải thiện, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thu gom, xử lý rác thải tập trung của huyện còn một số khó khăn do địa hình của huyện chủ yếu là núi cao, dân cư thưa thớt, thiếu kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống bãi chôn lấp đồng bộ, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa chi trả dịch vụ thu gom rác khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Hữu Hồng - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ cho biết: “Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Hợp tác xã Thảo My thực hiện trên địa bàn trung tâm huyện và xã Mường So. Đối với các xã còn lại phần lớn do các tổ, đội tự quản, nhóm hộ, thu gom đảm nhiệm và không có chi phí. Dẫn đến hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, dù các xã đã có quy hoạch các địa điểm bãi chôn lấp song chưa được đầu tư xây dựng; do đó hình thành bãi chôn lấp chất thải tự phát, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật. Tỷ lệ thu gom rác tại khu đô thị đạt 95%, khu nông thôn mới đạt 38,7%. Còn lại các hộ gia đình tự phân loại, chôn lấp và sử dụng lò đốt rác thủ công”.
Vàng Ma Chải là một trong những xã biên giới của huyện Phong Thổ. Nơi đây, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở trung tâm xã, có chợ phiên họp còn nhiều nan giải. Theo ghi nhận của chúng tôi những ngày gần đây, lượng rác sau khi xử lý vẫn còn tồn lại sát trục đường vào xã (cách khu vực chợ không xa).
Anh Chẻo Lao Lụ - Bí thư Đoàn xã Vàng Ma Chải chia sẻ: “Thời điểm trước, vào buổi chiều tối, bà con ở bản Sì Choang hay đổ rác trên mảnh đất của 1 hộ dân để trống. Do lượng rác lớn, gây ô nhiễm nhất là vào mùa mưa, cách đây 3 tháng hộ dân có đất đã làm rào thép chắn lại, ghi biển cấm đổ rác, song một số hộ vẫn còn ra đổ rác”.
Nhà gần khu vực người dân hay đổ rác, lại thường xuyên đi qua đoạn đường lớn vào xã, chị Tẩn San Mẩy cảm nhận rất rõ mùi hôi thối nồng nặc do rác mang lại. Chị cho hay, ở bãi rác có nhiều ruồi muỗi, lo ngại rác làm ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình nhất là 2 con nhỏ, chị thỉnh thoảng cùng bà con, đoàn viên thanh niên ra quét dọn vệ sinh cho sạch sẽ. Khi đi đổ rác cố gắng đi xa hơn cách nhà khoảng 1km.
Được biết, giải pháp xã Vàng Ma Chải thời gian tới là vận động các hộ kinh doanh khu vực chợ đóng góp kinh phí (50-100 nghìn đồng/hộ) thuê người quét rác. Trong năm 2021, mở rộng diện tích chợ từ 800m2 lên 1.400m2, trong đó sẽ có thêm khu vực tập kết rác tạm thời, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Phấn đấu đến năm 2025 xã xử lý tốt rác thải tập trung.
Chất thải sinh hoạt là câu chuyện không phải mới ở các địa phương, trong đó có huyện Phong Thổ; song đây là vấn đề đáng quan tâm để giảm những áp lực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mong rằng, thời gian tới vấn đề này tiếp tục được huyện quan tâm, vào cuộc quyết liệt để xử lý rác thải sinh hoạt triệt để, mang lại môi trường trong lành.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...