Thứ năm, 25/04/2024, 00:27 [GMT+7]
Chợ Trung tâm thành phố Lai Châu

Chậm đầu tư xây dựng, vì sao?

Thứ tư, 07/07/2021 - 08:55'
Dự án chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư, kinh doanh và khai thác chợ Trung tâm thành phố Lai Châu được chính quyền cùng cấp phê duyệt đầu tư sau khi di chuyển chợ tạm phường Đoàn Kết đến nơi mới từ năm 2017. Đến nay, sau 4 năm, dự án vẫn chưa thi công đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, buôn bán, cuộc sống mưu sinh của bao con người. Phóng viên Báo Lai Châu đã thâm nhập thực tế, tìm hiểu vấn đề này.

Kỳ 1: Nỗi niềm tiểu thương

Kể từ ngày di chuyển chợ tạm phường Đoàn Kết đến nơi kinh doanh mới theo sự sắp xếp của chính quyền thành phố Lai Châu, là bấy nhiêu năm hơn 500 hộ tiểu thương vẫn mòn mỏi mong chờ. Nhưng đến nay, dự án xây chợ vẫn “treo”, chưa biết bao giờ mới khởi động.

Những bức xúc của người dân

Cuối năm 2016, thành phố Lai Châu thực hiện di dời chợ tạm phường Đoàn Kết với lý do nơi đây không đảm bảo diện tích chợ, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Đồng thời, di chuyển chợ nhằm đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại khi thị xã Lai Châu đã chính thức trở thành thành phố (năm 2014). Theo đó, phương án được xây dựng là sẽ dời trên 500 hộ buôn bán đến 6 chợ, 1 trung tâm thương mại trên địa bàn để “giảm tải” cho chợ tạm Đoàn Kết.

Chúng tôi đến khu vực chợ tạm phía vỉa hè ngoài Sân vận động thành phố Lai Châu - nơi những kiot được dựng tạm để bà con bán hàng trong khi chờ chợ mới nâng cấp, hoàn thiện. Đoạn đường Chiêu Tấn được tận dụng làm chợ tạm là vấn đề gây nhức nhối mấy năm nay khi luôn trong tình trạng người bán hàng đua nhau bày bán ra giữa đường, giao thông đi lại thường xuyên ách tắc. Những chiếc ô che nắng, mưa được các tiểu thương “giăng” ra giữa đường, khiến cho việc đi lại gặp nhiều trở ngại. Ngược lại với cảnh ngoài đường, bên trong khu kiot tạm lại vắng, dù là giờ tan tầm nhưng chẳng có mấy người vào mua bán. Gặp phóng viên, các tiểu thương: Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Ngân, Trần Thị Lan... như trút hết nỗi niềm bức xúc bấy lâu: Chúng tôi bán thịt ở đây khách rất ít. Hàng hóa ế ẩm, ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống. Nếu như ngày trước ở chợ cũ bán 2 - 4 con lợn/ngày, từ khi chuyển ra đây, có ngày 2 nhà mổ chung 1 con, bán vẫn ế.

Bên ngoài chợ, người dân chen chúc nhau bày bán hàng tràn ra đường.

Quan sát chúng tôi thấy, điều mâu thuẫn là phía ngoài đường chen lấn, giành nhau từng mét đất để bán hàng thì phía trong, nhiều kiot lại bỏ không, chỉ để xe hoặc làm kho để hàng. Chị T.T.T bán hàng hải sản khô chia sẻ: “Việc chậm trễ bố trí chợ mới khiến tiểu thương chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều. Tôi cũng được bố trí 1 kiot phía trong để bán nhưng quá ít khách vào mua nên đành thuê lại chỗ bán ở phía ngoài mặt đường thì mới có người mua hàng”.

Cảm thấy như “chạm đến mình”, một vài hộ bán rau phía ngoài đường phân bua: Chúng tôi cũng không chấp nhận được việc lấn đường vì che ô đua ra giữa đường khiến chẳng còn chỗ cho xe qua lại. Nhưng nếu các hộ xung quanh cứ đua ra, mình không đua theo, bị tụt vào trong thì làm gì có khách mua!

Chị Khổng Thị Yêu - người có hơn chục năm bán thịt lợn tại chợ, vì miếng cơm manh áo của cả gia đình, mỗi ngày chỉ kiếm được chút ít cũng vẫn phải cố vì không còn chỗ nào để kinh doanh. Chị nói: Do chỗ chúng tôi được bố trí vị trí bán tạm là vỉa hè ngoài sân vận động nên cao hơn lòng đường, xe của khách khó đi vào. Để thuận tiện cho khách vào mua, chúng tôi phải góp tiền thuê đổ ximăng, xì sắt tạo đường cho xe đi lại dễ dàng. Nhưng chung quy lại, tất cả là do dãy phía ngoài lấn chiếm ra giữa đường, khiến người mua hàng không có nơi để xe, hoặc nếu để xe ở ngoài vào mua thì “bị chửi” nên đành mua luôn ở ngoài cho tiện. Điều này là quá bất công với chúng tôi.

Mong mỏi từng ngày có chợ mới

Qua trò chuyện với các tiểu thương chúng tôi thấy hầu hết bà con vô cùng mong mỏi sớm có nơi ổn định để kinh doanh buôn bán bởi chỉ có “an cư mới lạc nghiệp”. Các tiểu thương cho rằng, chợ không cần xây to, hoành tráng nhưng phải được quy hoạch gọn gàng, khoa học; giá kiot vừa phải, bởi nếu đắt quá, lợi nhuận ít sẽ không mấy ai mặn mà vào chợ kinh doanh.

Không gian kinh doanh dãy phía trong của khu vực vỉa hè trước Sân vận động thành phố Lai Châu còn nhiều ki-ốt bỏ không và vắng khách.

Nghe chị Đỗ Thị Khánh bán rau, củ, quả tại chợ tâm sự, chúng tôi thấu hiểu nỗi khát khao của những người mưu sinh từ nghề buôn bán. Chị nói: Nào ai muốn phơi nắng, phơi mưa ở ngoài đường để bán hàng. Như tôi vốn ít, mỗi lần chỉ nhập hàng vài triệu đồng, nếu không bán được, hàng hỏng, lỗ vốn nên nhiều khi biết sai vẫn phải cố đua ra ngoài để cạnh tranh bán hàng, đảm bảo đời sống. Chỉ mong sớm có chợ để chúng tôi có chỗ ngồi ổn định.

Quan sát phía trong chợ trung tâm thành phố - nơi dự định dời các hộ từ chợ tạm Đoàn Kết sang kinh doanh, chúng tôi thấy các cột bêtông, vật liệu tập kết ngổn ngang nhưng chưa thể thi công. Vắng khách, bà Trịnh Thị Châu - chủ kiot bán hàng thuốc nam đang cặm cụi cắt thảo dược. Bà tâm sự: Chỗ này tôi thuê 400 nghìn đồng/tháng, vì kinh doanh thuốc bắc, phải có chỗ khô ráo, thoáng mát nên tôi đầu tư thêm 20 triệu đồng để kiên cố kiot. Trước đây, khi di dời chợ cũ, tôi được bố trí ở khu tạm phía ngoài cổng sân vận động nhưng ở đó mất vệ sinh, mùi hôi nên không ai vào mua. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền thành phố sớm xây dựng chợ để chúng tôi yên tâm kiếm sống, chứ tôi già rồi, nay chỗ này, mai chỗ kia, chẳng còn sức nữa! Mặc dù vậy, bà Châu thấy mình vẫn may mắn vì có chỗ ngồi ổn định, bởi ngoài kia còn nhiều người phải bán ngoài đường, vất vả trong những ngày mưa gió, rét mướt.

Chợ Đoàn Kết từ khi tách tỉnh đến nay luôn là nơi tập trung nhiều người dân buôn bán, mua sắm nhất tỉnh. Các tiểu thương vô cùng mong mỏi thành phố khẩn trương xây dựng chợ để “hàng ra hàng, quán ra quán”, người dân có không gian giao thương, trao đổi hàng hóa một cách văn minh, môi trường sạch đẹp.r

(Còn nữa)

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...