Thứ tư, 24/04/2024, 15:08 [GMT+7]

Chuyện chanh leo ở Tân Uyên mất giá

Thứ tư, 09/09/2020 - 14:35'
Cây chanh leo (chanh dây) từng được ví như “hạt ngọc xanh”, “cây xóa đói, cây làm giàu”… Cũng vì thế, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tân Uyên nói riêng, diện tích cây chanh leo ngày càng lớn. Đến nay, nhiều vườn chanh leo đã cho thu hoạch, tuy nhiên sâu bệnh và nhất là giá quá thấp khiến nhiều người đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Bài 1: Nỗi lo chanh leo

Đến nay, dù quả chanh leo đã đến kỳ thu hoạch nhưng những người nông dân ở Tân Uyên chẳng có một chút niềm vui.

Bệnh diện rộng
Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh là chủ trương rất đúng thời cuộc, trúng tâm lý của người dân, có tầm nhìn xa và phát triển bền vững. Những giống cây mới được đưa về đồng đất Lai Châu không chỉ tạo khí thế mới mà còn mang đến thu nhập cao cho người dân. Có thể kể ra đây rất nhiều loại cây như nhóm cây dược liệu, lương thực, cây ăn quả, thậm chí cả hoa, cây cảnh… đều là những “cần câu vàng” cho nông dân toàn tỉnh vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững. Tuy nhiên “vạn sự khởi đầu nan” giống cây mới sẽ là cơ hội mới nhưng đồng thời cũng là phương thức canh tác, tiêu thụ mới và đương nhiên cũng sẽ mang đến những thách thức mới. Hiện nay, cây chanh leo ở huyện Tân Uyên đang phải đối mặt với thách thức này.
Còn nhớ trong những ngày chớm hạ, tháng 3 vừa qua, chúng tôi cùng lãnh đạo thị trấn Tân Uyên xuống thăm vườn chanh leo của gia đình anh Hoàng Văn Anh và chị Mai Thị Liên (Tổ dân phố số 3, thị trấn Tân Uyên). Thời điểm đó, 250 gốc chanh leo trên diện tích gần 5.000m2 của gia đình chị Liên đang bén rễ, leo giàn. Những mầm chanh leo mơn mởn, khỏe khoắn bám chặt vào giàn, vươn lên trong nắng, tràn căng nhựa sống cùng nụ cười và niềm tin vào một vụ thắng lớn của vợ chồng người nông dân này không chỉ khiến những người dân trong vùng mà cả chúng tôi cũng tràn đầy hy vọng. Được sự khuyến khích của chính quyền và hứa hẹn của những nhân viên Tập đoàn Nafoods (lời của chị Liên), “ông bà chủ” đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để trồng chanh leo. Chú trọng chăm bón, những giàn chanh leo lớn nhanh rồi bật nụ, đơm hoa, kết quả. Nhìn vườn chanh lúc lỉu quả, vợ chồng chị Liên mừng lắm. Thế nhưng chỉ sau 4 tháng, khi trở lại, dù chanh đã phủ kín giàn, mà nụ cười trên môi cùng bao niềm hy vọng của chị Liên đã tan biến, thay vào đó là những tiếng thở dài và cái lắc đầu ngao ngán.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn chanh, chị Liên không giấu nổi niềm thất vọng. Vừa tha thẩn gom những quả chanh leo rụng đầy mặt đất, rồi lại ngán ngẩm sờ nắn những quả còn đang bám trên dây bằng ánh nhìn buồn bã, tiếc nuối, chị Liên khoát tay: “Gần như cả vườn chanh bị bệnh hết, chả biết bệnh gì nhưng đã phun thuốc mấy lần theo hướng dẫn mà không khỏi. Cứ đà này, khéo tôi phải “cắm sổ đỏ” mà trả nợ mất thôi!”.
Theo lời kể của chị Liên, từ khi mùa mưa bắt đầu, trên vườn chanh leo của chị và nhiều gia đình khác xuất hiện bệnh lạ, đầu tiên là những đốm nâu nhỏ trên lá rồi lan sang quả, khiến chanh ngả màu vàng, quắt tóp lại, rồi rụng. Nhìn vốn liếng, công lao đang “đội nón ra đi”, vợ chồng anh chị Anh - Liên đã làm đủ cách, gần như ăn ngủ ngoài vườn. Lúc bệnh trở nặng thành dịch thì mới thấy cán bộ kỹ thuật của “Công ty” (cách gọi của người dân dành cho nhân viên của Tập đoàn Nafoods) và cán bộ kỹ thuật huyện xuống thăm hỏi rồi hướng dẫn phun thuốc. Như “vớ được cọc”, hửng nắng lên người dân phun thuốc cứu chanh nhưng ngặt một nỗi, mưa thì cứ thườn thượt kéo dài, thuốc phun xong không thấy tác dụng mà vườn chanh cứ héo úa dần dần…
Không chỉ vườn chanh leo của nhà chị Liên, nhiều vườn khác, khi chúng tôi đến cũng chứng kiến những hình ảnh tương tự và những tiếng thở dài không giấu nổi. Theo thống kê đến khoảng đầu tháng 8/2020 có từ 15-20% diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh bị bệnh này. Các cơ quan chuyên môn của huyện gọi đây là bệnh “loang dầu”. Bệnh này không hiếm gặp nhưng khó chữa, đặc biệt là vào mùa mưa. Khi bị bệnh cây chanh leo gần như không phát triển được, quả sẽ bị héo, thối. Nếu không chữa trị được có thể sẽ phải cắt dây. Theo tính toán của chúng tôi, hiện nay, toàn huyện Tân Uyên có hơn 30ha chanh leo thì có đến 1/5 diện tích bị bệnh. Như vậy, bệnh đã lan trên diện rộng và nhiều người nông dân như vợ chồng chị Liên trên địa bàn huyện Tân Uyên đang chưa biết phải tìm cách nào để cứu chanh.
Giá bán thấp
Theo bà con, nếu giá chanh leo cao thì bệnh đến đâu bà con vẫn quyết tâm khắc phục. Nhưng thực tế giá chanh leo không được như kỳ vọng của người dân.
Khi chúng tôi đến, anh Tòng Văn Dung (bản Bút Dưới, xã Trung Đồng) đang cân chanh và ghi chép cho các hộ mang chanh leo đến nhà anh tập kết để bán. Anh không phải là nhân viên của công ty nào cả, chỉ là người làm giúp, là đại điện điểm tập kết, đầu mối thu mua chanh leo cho người dân. Không giấu nổi nỗi thất vọng, anh Dung thở dài: “Chết đói thôi! Rồi anh giải thích: Khi được cán bộ huyện, “công ty” tập huấn, người ta cũng nói quả chanh leo sẽ được chia làm 3 mức để thu mua. Loại VIP là từ trên 20.000 đồng, loại B là trên 12.000 đồng và loại xấu, không xuất dạng quả được, dùng để hút dịch thì giá 3.500-4.000 đồng/kg. Chúng tôi cũng hiểu rằng, quả VIP thì sẽ không nhiều nhưng khi người dân mang những quả VIP được lựa chọn đúng như được hướng dẫn thì “công ty” lại không đồng ý mà yêu cầu “mang về công ty phân loại lại” rồi mới gọi điện báo kết quả phân loại về cho chúng tôi”.
Như để chứng minh những điều bất hợp lý, anh Dung dẫn ra gia đình ông Mùa A Tà (bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng) mang đến điểm tập kết 263kg nhưng sau khi đơn vị thu mua chọn lại thì chỉ được có 9kg loại VIP (giá 20.000 đồng), loại B: 137kg (8.000 đồng/kg), loại dùng để hút dịch 98kg (3.500 đồng/kg) còn hàng loại (7kg) không tính tiền. Như vậy, tổng số tiền mà nhà ông Tà thu được với gần 3 tạ chanh leo chỉ có vỏn vẹn 1,616 triệu đồng. Không chỉ ông Tà, trong dãy dài danh sách các gia đình bán chanh chúng tôi thấy số lượng quả được chọn vào loại “VIP” rất hiếm có con số lên đến hàng chục.
Cũng tại nhà anh Dung, chúng tôi gặp chị Lò Thị Thượng đang mang chanh leo đi bán. Chị Thượng cho biết, nhà chị vay mượn được hơn 100 triệu đồng để trồng hơn 400 gốc chanh leo. Đến nay chị đã bán được 3 lần, mỗi lần cũng đến vài chục cân quả nhưng số tiền thu về mới được có hơn 1 triệu đồng. Như vậy tương đương khoảng 1% chi phí bỏ ra (chưa tính công chăm sóc và thuê người làm). Cười mà như mếu, chị Thượng thốt lên: “Giá mà ăn được thay cơm!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, “công ty” đã làm gần như hoàn toàn đúng với cam kết về mức giá so với những gì đã hứa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại là khâu lựa chọn sản phẩm. Theo như người dân khẳng định, bà con đã lựa chọn rất kỹ, đóng gói sản phẩm theo hướng dẫn và quy định của bên thu mua. Quả “VIP” mà bà con tự chọn còn không có đến một vết xước nhưng những quả “không tì vết” đó lại không được tôn trọng. Cụ thể là những quả người dân đã lựa chọn xếp vào loại VIP thì “công ty” mang về phân loại lại và thông báo đến người dân hầu như “không đạt”. Sau khi đơn vị này phân loại lại thì số tỷ lệ đạt loại VIP cực kỳ thấp.
Có hai vấn đề khiến người dân nghi ngờ về tính khách quan trong việc phân loại này. Thứ nhất là tại sao không phân loại ngay trước mặt người dân để “ba mặt một nhời”. Thứ hai là tại sao khi hướng dẫn kỹ thuật phân loại, quả có một vài vết xước trên vỏ vẫn được xếp loại VIP mà khi “mang về công ty” phân loại thì lại bị “đánh tụt” xuống loại B (2 loại này chênh lệch nhau tới 12.000 đồng/kg). Hơn nữa, trong quá trình vận chuyển của “công ty” nếu quả bị xước, xát, dập nát thì người dân phải chịu, nghĩa là nếu có rủi ro trong quá trình vận chuyển của “công ty” thì người nông dân cũng chịu nốt.
Một nghịch lý khác là nếu người nông dân mang chanh leo đi bán tự do thì giá tối thiểu trên thị trường là 15.000 đồng/kg, mà ở đó không cần “loại VIP”. Những người nông dân chúng tôi được tiếp cận đều có chung một nhận định: Giá quá thấp. Đơn vị thu mua nói gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới độc giả.
(Còn nữa)

K.Kiên - T.Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...