Thứ ba, 19/03/2024, 15:52 [GMT+7]

Giải phóng mặt bằng: Cách nào để biến khó thành dễ?

Thứ sáu, 25/06/2021 - 13:51'
Khâu đền bù, giải phóng mặt bằng từ lâu vẫn luôn là bài toán nan giải đối với các cấp chính quyền địa phương và là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bị đình trệ, chậm triển khai. Vấn đề này gặp ở nhiều dự án, trong đó có Dự án Quỹ phát triển xây dựng khu dân cư đô thị mới Bắc 4D (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu).

Thu đất và đền bù

Chúng tôi có mặt tại vườn chè Đội 2 (thuộc Tổ dân phố số 7, phường Quyết Tiến) khi chè đang vào vụ. Những luống chè kéo dài lên xanh mướt, búp đang lên mơn mởn. “Chè đội 2, khoai đội 6” đã đi vào khẩu ngữ của người Lai Châu từ lâu. Chè ở đây, vị thơm, ngọt, màu nước ngon hơn hẳn so với chè trồng nơi khác. Ấy thế nhưng, chè đang dần bị đốn hạ, tiến tới nhường chỗ cho dự án phân lô, bán nền làm đất thổ cư.

Nhìn nương chè của gia đình sắp bị phá bỏ, ông Nguyễn Văn Chiêm rớm nước mắt: “Dù chúng tôi có đồng ý hay không thì những luống chè này cũng phải phá bỏ đi thôi. Hơn 5ha chè này đã nuôi sống bao nhiêu gia đình, thế hệ con cháu chúng tôi”. Được biết, vườn chè này được vợ chồng ông mua từ năm 1996 với 10 luống, có thời hạn sử dụng đất 50 năm. Ngày đó, chè đã cho thu hoạch nên ông cùng vợ con tích cực chăm sóc, nâng cao sản lượng, tăng thu nhập và là nguồn nuôi sống gia đình ông 25 năm qua. Khoảng đầu năm 2018, có một số người mang thước lên đo ngắm vườn chè. Ông cùng nhiều hộ dân có cùng lô chè xung quanh bắt đầu thấy lo lắng và bất an cho “chiếc cần câu cơm” của gia đình và đặt câu hỏi: Liệu dự án gì sắp xây dựng, miếng cơm manh áo của gia đình nay mai có còn và sẽ sống như thế nào khi mất nó? Các hộ này đã đem những thắc mắc đó hỏi các cấp chính quyền qua những lần tiếp xúc cử tri.

Đồi chè các hộ thuộc diện giải tỏa Dự án quỹ phát triển xây dựng khu dân cư đô thị mới Bắc 4D.

Sau đó một thời gian, các hộ trồng chè cũng được tổ chức họp và thông qua dự án sắp được UBND thành phố khởi công. Theo đó, công trình có tên là Dự án Quỹ phát triển xây dựng khu dân cư đô thị mới Bắc 4D, trong đó có 11 hộ thuộc diện thu hồi đất chè. Dự án có mục đích là giải tỏa đất, phân lô, thực hiện đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố. Như vậy, khu đất chè này trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị mới của thành phố.

Ông Chiêm bức xúc: Nếu Nhà nước thu hồi đất làm đường, làm trường để phục vụ cho công trình xã hội, hoặc sử dụng mục đích tái định cư cho các hộ thuộc vùng sạt lở, không có đất ở, chúng tôi sẵn sàng nhường đất. Thế nhưng, giờ đây thành phố đánh đổi cái để người dân mưu sinh để lấy kinh tế thì liệu có đáng hay không? Hoặc nếu cần phải thực hiện để phát triển, mở rộng thành phố thì nên có chính sách phù hợp đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. 10 luống chè với chiều dài hơn 200m tương đương hơn 2.000m2 nhưng chỉ được đền bù có hơn 300 triệu đồng. Số tiền đó, một năm thu hoạch chè cũng đã đủ. Với 300 triệu đồng, người dân làm gì để chuyển đổi mô hình kinh doanh sản xuất? Nếu một hộ có 5 nhân khẩu, số tiền này giúp họ duy trì được thời gian bao lâu?

Như nhà bà Vũ Thị Hoan, diện tích chè cũng tương đương gia đình ông Chiêm. Nhìn nương chè sắp phải chặt đi, bà Hoan ngẩn ngơ: “Chồng tôi đã mất hơn chục năm nay. Nhờ có mấy luống chè này mà tôi đã nuôi lớn 4 người con và vượt qua bao khó khăn thiếu thốn của cuộc sống”.

Được biết, Dự án Quỹ phát triển xây dựng khu dân cư đô thị mới Bắc 4D có 11 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đến nay đã có 3 hộ giao đất. Tất cả các hộ thuộc diện đền bù giải tỏa thuộc dự án này đều cho rằng, việc đền bù đối với giá trị sử dụng đất của họ là quá thấp so với giá trị hiện có (kể cả giá trị kinh tế từ chè và giá trị đất). Bởi thế, họ không đồng tình ủng hộ.

Làm gì để biến khó thành dễ?

Nhiều dự án khi thực hiện làm xáo trộn đời sống nhiều người dân; ảnh hưởng đến chỗ định cư, có thể tác động tiêu cực đến một bộ phận cộng đồng do mất nghề nghiệp khi không còn đất sản xuất. Thậm chí một số dự án khi thực hiện người dân không được thông báo, tuyên truyền kịp thời nên không hiểu rõ ngay từ ban đầu về mục đích, ý nghĩa để cùng đồng thuận với chính quyền. Một nguyên nhân khác khiến người dân mất niềm tin nữa là cùng một diện tích, vị trí nhưng mỗi hộ lại được nhận đền bù mức khác nhau. Khi có sự khiếu kiện thì quyền lợi lại được bổ sung thêm một chút. Nói như ông Chiêm thì: “Nếu lấy lại đất để sử dụng vào mục đích công đều phải được sự đồng ý của dân và cần giải thích rõ ràng, thích đáng vì chúng tôi đang đứng tên quyền sử dụng”.

Lý giải về điều này, ông Ngô Xuân Đăng - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Lai Châu khẳng định: Trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án, chúng tôi đều triển khai tới dân. Đối với dự án này cũng vậy, mỗi chính sách đền bù chúng tôi đều thực hiện theo luật của Nhà nước và nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất thổ cư thì giá trị không thể tương đương.

Về vị trí thực hiện dự án, ông Đăng cho rằng, thành phố căn cứ vào quy hoạch xây dựng và sử dụng đất, nhằm mục đích phát triển đô thị. Quy trình đầu tiên khi lập dự án là phải khảo sát xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật để xem xét tính khả thi của dự án. Sau đó, báo cáo lên cơ quan cao nhất phê duyệt, rồi mới thông báo cho người dân thuộc diện giải tỏa đền bù để thực hiện. Quy định là như vậy, nhưng liệu có mấy người dân đã tường tận quy trình này.

Nhìn lại Dự án Quỹ phát triển xây dựng khu dân cư đô thị mới Bắc 4D cho thấy, những ý kiến của người dân thuộc diện giải tỏa có phần chính đáng. Việc phát triển kết cấu hạ tầng địa phương phải song song với việc phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân. Trong khi quỹ đất còn nhiều, nên chăng, thành phố tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện, tránh tối đa thiệt hại cho người dân. Đồng thời, quá trình tuyên truyền, vận động người dân cũng cần phải được chú trọng hơn nữa, phải được thực hiện kịp thời, chu đáo, chính xác, nhất là khi bắt tay vào thực hiện các dự án mới.

Dương - Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...