Thứ sáu, 26/04/2024, 15:44 [GMT+7]

Gian nan hành trình vượt khó

Thứ năm, 28/05/2020 - 10:32'
Bản Ngài Chồ (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) chưa tới 40 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của bản lên tới 70%. Dẫu chẳng còn hộ đói trong mỗi dịp giáp hạt, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao khiến cho sự đói nghèo trở thành nỗi ám ảnh người Mông nơi đây. Bao giờ Ngài Chồ sẽ thoát nghèo và giải pháp nào để người dân nơi đây vươn lên trong cuộc sống luôn là điều cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây loay hoay, trăn trở.

“Ngài chồ” được hiểu theo tiếng Mông là đất có độ dốc cao, không thuận lợi cho mưu sinh. Từ xa nhìn lại, các hộ dân của bản Ngài Chồ sinh sống trên một triền đất khá dốc, cũng đường bêtông dẫn về tận bản, điện thắp sáng, nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt. Rồi những nếp nhà được lợp tấm lợp prôximăng, lợp tôn khá kiên cố, vững chắc. Nhưng đó là những gì hào nhoáng bề ngoài của cuộc sống với không ít nhọc nhằn trên đất dốc của người dân nơi đây. Cũng bởi đất dốc nên người Ngài Chồ thiếu đất canh tác mà sản xuất lại chỉ có một vụ nên khéo co kéo thì các hộ cũng chỉ đủ ăn.
Dẫn chúng tôi đi thăm bản trên con đường dốc dựng ngược, ông Vàng A Minh - Trưởng bản Ngài Chồ chia sẻ: Dù đã tích cực khai hoang, nhưng cả bản chỉ có hơn 10ha đất sản xuất, phần lớn diện tích chỉ canh tác được một vụ. Khí hậu khắc nghiệt, chưa có giống lúa, ngô nào cho năng suất, sản lượng cao, bà con chủ yếu dùng giống địa phương đã thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh mà sản lượng thấp. Tận dụng một số bãi nương, bà con trồng thêm ngô để phục vụ chăn nuôi gia súc, nhưng cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Với quyết tâm thoát nghèo ngay trên quê hương của mình, một số hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa, ngô sang trồng chuối, nhưng vụ vừa rồi, chuối chưa kịp thu hoạch đã bị mưa đá phá hỏng. Thiếu đất canh tác, sản xuất, thường gặp thiên tai khiến cho đời sống của bà con nơi đây đã nghèo lại càng thêm khó.

Một góc bản Ngài Chồ (xã Tả Phìn).

Một góc bản Ngài Chồ (xã Tả Phìn).

Hầu hết người dân trong bản đều sản xuất nông nghiệp, để mở rộng đất sản xuất, các hộ đã đẩy mạnh khai hoang. Cũng vì không nắm rõ địa giới hành chính nên một số hộ đã canh tác tại vùng giáp ranh với các địa phương lân cận. Chính vì điều này xảy ra tranh chấp đất đai giữa bà con Ngài Chồ với một số hộ của bản Nậm Pậy (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ). Việc tranh chấp đất đai khiến cho chính quyền địa phương nhiều lần phải phối hợp để hòa giải, không để xảy ra xô xát và bảo đảm quyền lợi của mỗi bên.
Thiếu đất canh tác, sản xuất không thuận lợi, đời sống bà con nơi đây trở nên khó khăn. Thêm vào đó là nạn tảo hôn, sinh con thứ ba trở lên khiến cho các hộ nghèo ở Ngài Chồ càng trở nên khốn khó. Khi được hỏi về tình trạng tảo hôn của bản, ông Vàng A Danh - Bí thư Chi bộ ngao ngán, dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng rất khó để ngăn ngừa nạn tảo hôn, từ tuyên truyền tới vận động rồi đưa cả vào hình phạt trong quy ước, hương ước của bản nhưng tảo hôn vẫn là vấn nạn day dứt ở Ngài Chồ. Trẻ vị thành niên vừa dậy thì đã vội lập gia đình rồi sinh con khi kỹ năng sống, khả năng chăm lo cho gia đình còn nhiều hạn chế khiến cho cuộc sống của họ cứ ngày càng lay lắt.
Phía cuối bản, giáp bìa rừng là gia đình chị Sùng Thị Già với 8 người sống trong ngôi nhà lụp xụp. Chị Già sinh năm 1988 nhưng tới nay đã có 6 người con. Chị Già bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa 16 tuổi, rồi cứ vừa lớn, vừa sòn sòn sinh con. Nhà nghèo lại đông con nên cái gì cũng tạm bợ, nhìn gia cảnh nhà nheo nhóc, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Cuộc sống chênh vênh trên đất dốc Ngài Chồ còn nhiều gian nan ấy cũng có những gia đình đang ngày đêm nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, điển hình như hộ ông Giàng A Sình - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, tham gia chiếu đấu bảo vệ biên giới. Ông là người đã dẫn nước từ khe Mồ Sì Câu để cùng bà con khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Nhờ đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, gia đình ông Sình là một trong số ít hộ có của ăn của để, mua máy móc để phục vụ sản xuất. Rồi các hộ: Vàng A Chá, Vàng A Phừ, Giàng A Tùng nhờ mô hình kinh tế tổng hợp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nương bạc màu sang làm khu chăn nuôi, trồng chuối cũng có thu nhập cao hơn nhiều hộ trong bản, nhưng số hộ có thu nhập khá ở Ngài Chồ còn ít lắm.
Với mong muốn người dân trên quê hương mình sớm thoát khỏi đói nghèo, ông Lý A Dế - Chủ tịch UBND xã cũng có nhiều trăn trở, để Ngài Chồ khởi sắc, cùng với việc đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm, đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Căn cứ khí hậu, thổ nhưỡng để đầu tư mô hình sản xuất cho phù hợp, giải quyết việc làm cho bà con, việc mở các lớp dạy nghề ngắn hạn ở Ngài Chồ là điều cần thiết.
Dẫu khó nhưng vẫn có hướng thoát nghèo, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ giúp bà con nơi đây tiếp tục phát huy tinh thần chịu thương, chịu khó vươn lên trong cuộc sống. Khi các nguồn lực được kết hợp sẽ tạo ra nguồn sinh khí mới để Ngài Chồ vững bước trên con đường xóa đói giảm nghèo.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...