Thứ bảy, 04/05/2024, 10:20 [GMT+7]

Hàng loạt sổ đỏ sai sót thông tin về nguồn gốc sử dụng

Thứ hai, 31/07/2023 - 17:30'
Dù lỗi sai sót không phải do mình, nhưng thời gian qua hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh phải đi đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay còn gọi là sổ đỏ. Việc này làm mất khá nhiều thời gian chờ đợi, công sức đi lại, ảnh hưởng đến các giao dịch pháp lý, quyền lợi của bà con và gây tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Hơn 3.000 GCNQSDĐ phải đính chính
Trong quá trình đi cơ sở, chúng tôi được nhiều người dân phản ánh về việc trước đây khi nhận GCNQSDĐ, trong giấy ghi mục nguồn gốc sử dụng là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nhưng mấy năm gần đây, khi bà con làm thủ tục vay ngân hàng hoặc chuyển nhượng đất thì cơ quan chức năng trao đổi sổ đỏ không hợp lệ, phải đính chính mục nguồn gốc sử dụng là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Điều này gây phiền hà cho người dân bởi phải đi đính chính, mất thời gian chờ đợi khá lâu (9 ngày), ảnh hưởng đến các giao dịch pháp lý và quyền lợi.
Cuối năm 2016, bà T.T.L ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) vui mừng khi được cơ quan Nhà nước cấp GCNQSDĐ cho mảnh đất của gia đình ở phường Đông Phong với mục đích sử dụng là đất

ở tại đô thị, thời gian sử dụng lâu dài và nguồn gốc sử dụng trên giấy chứng nhận ghi rõ: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, vừa qua, gia đình có việc cần vay vốn ngân hàng, khi mang sổ đỏ đi làm thủ tục cần thiết thì bà được cơ quan chức năng trao đổi GCNQSDĐ không hợp lệ và phải đính chính mục nguồn gốc sử dụng là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Do sai sót thông tin về nguồn gốc sử dụng đất, hàng loạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đính chính.

Trò chuyện với chúng tôi, bà L. bức xúc: Việc thì đang rất gấp, cần có ngay sổ đỏ, trong khi đó, sổ thì phải làm thủ tục đính chính chờ hơn 1 tuần liền, gia đình vô cùng sốt ruột. Tại sao khi xảy ra sai sót, cơ quan Nhà nước lại để cho người dân phải “gánh” lỗi mà không có một lời xin lỗi hay thông báo để bà con biết và chủ động đi đính chính, tránh bị động khi cần sử dụng?
Bà L. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh thời gian qua phải đính chính sổ đỏ liên quan đến sai sót nội dung thông tin về nguồn gốc sử dụng đất. Có trường hợp muốn làm nhanh còn sẵn sàng bỏ phí “bôi trơn” để kịp thời giải quyết công việc đang cần gấp. Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đính chính cho 3.124 GCNQSDĐ, trong đó: trên địa bàn thành phố Lai Châu 937 giấy, huyện Tân Uyên 210 giấy, huyện Than Uyên 564 giấy, huyện Mường Tè 486 giấy, huyện Sìn Hồ 10 giấy, huyện Phong Thổ 177 giấy, huyện Nậm Nhùn 9 giấy, huyện Tam Đường 731 giấy.
Sai sót do đâu?
Trước phản ánh của người dân, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Thức - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông Thức thẳng thắn thừa nhận: Việc phản ánh của nhân dân là đúng; vì hiện nay có rất nhiều GCNQSDĐ khi người dân đi thực hiện các quyền của mình mới phát hiện do in sai nguồn gốc sử dụng đất trên Giấy chứng nhận (việc ghi nguồn gốc sử dụng đất phải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Nguyên nhân dẫn đến việc in sai nguồn gốc sử dụng đất được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải là do diện tích đất ở được miễn tiền sử dụng đất, khi in GCNQSDĐ, người in hiểu là không phải nộp tiền sử dụng đất nên ghi nguồn gốc là “Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất” (!?). Việc này diễn ra trước năm 2019 (thời điểm tỉnh Lai Châu chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp). Đây là lỗi do cơ quan Nhà nước, tuy nhiên, để giải quyết những trường hợp này, Điều 86, Nghị định 43/NĐ-CP ngày 2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã quy định rõ về trình tự thủ tục đối từng trường hợp khi để xảy ra sai sót. Theo đó, trong trường hợp này, người sử dụng đất không phải nộp bất kỳ một khoản chi phí nào theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành khi đính chính sổ đỏ.
Như vậy, chỉ vì hiểu sai dẫn đến in sai và nhất là không chú trọng khâu kiểm tra, giám sát sau in đã khiến hàng loạt GCNQSDĐ bị sai sót thông tin làm nhiều người phải “gánh” lỗi. Trong đó, không chỉ người dân phải mất công sức đi lại, mất thời gian chờ đợi và cảm thấy không hài lòng mà đối với cơ quan Nhà nước cũng phải mất chi phí in nội dung đính chính, cán bộ công chức mất thời gian làm thủ tục đính chính cho người dân. Quan trọng nhất là làm giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.
Sẽ thông báo rộng rãi, chỉnh lý đồng loạt
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao cơ quan chức năng khi phát hiện sai sót này không thông báo đồng loạt tới nhân dân để bà con chủ động đi đính chính? Mà chỉ khi người dân đi làm thủ tục vay ngân hàng hoặc chuyển nhượng đất mới biết mình phải đính chính thông tin? Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cho hay, việc thông báo đồng loạt đến người sử dụng đất về sai sót nguồn gốc đất cũng có những khó khăn nhất định, như: địa chỉ của người sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã có sự thay đổi, một số chủ sử dụng đất đang thế chấp Giấy chứng nhận tại các ngân hàng, nên chưa thể thông báo đồng thời đến các trường hợp có sự sai sót về nguồn gốc ghi trên Giấy chứng nhận.
Để từng bước khắc phục được tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát để cập nhật, chỉnh lý trên Giấy chứng nhận ngay trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên từng địa bàn huyện, thành phố (hiện đang thực hiện đồng loạt trên địa bàn 2 huyện: Than Uyên, Tân Uyên).
Ông Vũ Minh Thức cũng cho biết thêm, từ năm 2019, Văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan tham mưu trong việc in, cấp Giấy chứng nhận trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sai sót. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố và chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thông báo rộng rãi để người dân biết, chủ động nộp lại Giấy chứng nhận để cập nhật, chỉnh lý đồng loạt, không làm mất thời gian của bà con khi đi thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, sẽ giao cho Văn phòng đăng ký đất đai nghiên cứu, tham mưu thực hiện lồng ghép thủ tục đính chính với các thủ tục khác để người dân không mất thời gian và đi lại nhiều lần.

Điều 86, Nghị định 43/NĐ-CP ngày 2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ quy định:
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

 

Thảo Chi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...