Thứ bảy, 27/04/2024, 19:32 [GMT+7]
Đôi bờ sông Nậm Na

Kỳ 2: Ấm no bản làng ven bờ

Thứ hai, 29/01/2024 - 09:54'
Bây giờ dòng Nậm Na không còn cuồn cuộn chảy với nhiều thác ghềnh. Gần như toàn bộ dòng sông đã trở thành hồ nước mênh mông, bởi ba đập thủy điện, làm bừng sáng bản làng.

"Dòng sông năng lượng"
Đầu tiên là thủy điện Nậm Na 2, được khởi công vào tháng 5/2009 trên dòng Nậm Na thuộc địa phận xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ), Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Sông Đà 4 thi công đến tháng 1/2015 thì hoàn thành. Công suất lắp máy 66MW, với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 254 triệu KWh tải lên điện lưới quốc gia. Tiếp đến là thủy điện Nậm Na 3, được khởi công xây dựng tháng 1/2012 thuộc địa bàn xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) đến tháng 1/2017 thì hoàn thành. Công suất lắp máy 84MW, sản lượng điện hằng năm 361 triệu KWh, hồ chứa 34,25 triệu m3 nước. Bậc thang cuối cùng gần biên giới là thủy điện Nậm Na 1, Công ty điện Tây Bắc làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Sông Đà 4 thi công vào năm 2015 tại bản Nậm Cáy (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ) và hoàn thành tháng 6/2018; công suất lắp máy 30MW, sản lượng điện hàng năm 120 triệu KWh. Cuối dòng, hơn 20km sông Nậm Na dành cho lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Thủy điện cùng với điều kiện phát triển và chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước đã làm bừng sáng các bản làng, cư dân đôi bờ Nậm Na có cuộc sống ấm no. Ở đầu nguồn Cửa khẩu Ma Lù Thàng đang khởi sắc, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Theo như lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu, hằng năm, gần 100 doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu và lối mở. Trong gần 18 năm qua, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên 541 triệu USD; tạm nhập, tái xuất hàng hóa đạt 1.854 tỷ USD. Tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân 9 bản của xã Ma Li Pho qua bốc vác hàng hóa.

Xe chở hàng xuất khẩu qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Đến Ma Li Pho, chúng tôi thấy bạt ngàn nương chuối xanh ngát, những ngôi nhà xây khang trang hai bên đường, đường bêtông đến từng bản, từng nhà. Ông Tẩn Chỉn Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đường giao thông nông thôn được cứng hóa giúp người dân thuận tiện đi lại, sản xuất, giao lưu, buôn bán hàng hóa. Bà con trồng chuối, nuôi gia súc xuất khẩu, kinh doanh, buôn bán làm dịch vụ ở cửa khẩu cho thu nhập cao.
Đến các bản ven bờ Nậm Na
Từ cửa khẩu xuôi theo dòng Nậm Na đến bản Nậm Cáy (xã Hoang Thèn) nơi có thủy điện Nậm Na 1. Theo lời ông Lý Văn Khỏe - Trưởng bản Nậm Cáy thì 70% số hộ trong bản có mức sống từ trung bình trở lên nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, trồng lúa, ngô, sắn, chuối, nuôi gia súc, gia cầm bán ra thị trường, xuất khẩu qua biên giới. Nhiều hộ trong bản kinh doanh hàng tạp hóa, làm dịch vụ xay xát có thu nhập cao. Cuộc sống ấm no, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; người dân ốm đau đều đến trạm y tế khám, chữa bệnh. Đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ dân bản trong những dịp lễ, tết. Năm 2023, gần 97% số hộ trong bản đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Nơi Nậm Na tiếp nhận nguồn nước Nậm So (tại Pa So) hiện diện một thị trấn sầm uất là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Phong Thổ. Thị trấn được xây dựng từ năm 2002, đến cuối năm 2004 thì chính thức thành lập và đặt tên thị trấn Phong Thổ theo Nghị định 176/20004/ NĐ-CP, ngày 10/10/2004 của Chính phủ. 20 năm xây dựng và phát triển, thị trấn hôm nay có kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển.
Từ trung tâm thị trấn đi qua cây cầu bê-tông vượt sông Nậm Na đến bản Thèn Chồ, Thèn Nưa, Chiềng Na, cuộc sống của người dân trên vùng đất tái định cư này đã khởi sắc nhiều. Đường nội bản được bê-tông hóa, những ngôi nhà sàn của người Thái khang trang lợp mái ngói san sát bên đường; trước cửa là ao cá, sau nhà là vườn rau, khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm bố trí ở xa nhà. Mùa xuân, tiếng đàn tính tẩu, tiếng hát lại vang lên khắp bản; những cô gái Thái lộng lẫy trong bộ áo cóm truyền thống uyển chuyển điệu xòe không tuổi gắn kết thêm trai bản, gái mường.
Chợ phiên Pa Tần (huyện Sìn Hồ) bên bờ Nậm Na là nơi họp chợ của bà con dân tộc quanh vùng. Chợ họp vào thứ bảy hằng tuần với nhiều mặt hàng nông sản do bà con tự nuôi trồng, thu hái ở trên rừng, hàng thổ cẩm tự tay thêu dệt... Đi chợ người nào cũng xúng xính trong bộ trang phục của dân tộc mình. Phiên chợ còn là nơi gặp gỡ của những đôi trai gái, của người già tìm lại người xưa, bạn cũ.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến xã Chăn Nưa - “thủ phủ” của cây cao su khu vực Nậm Na với hơn 1.700ha và là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Sìn Hồ từ năm 2015. Bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ rừng, canh tác trên đất bán ngập, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện và làm công nhân Nông trường cao su Nậm Na. Ông Lò Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa chia sẻ: Xã có 260 người dân tham gia làm công nhân cạo mủ cao su và hàng trăm người làm công việc thời vụ từ cây cao su, mức thu nhập tối thiểu cũng được 6 triệu đồng/người/tháng. Xã có thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% theo tiêu chí mới. Ở các bản: Nậm Cày, Chiềng Chăn 4, Chiềng Nưa... đói nghèo đã lùi vào dĩ vãng.
Điểm cuối mà chúng tôi đến là xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) có 5 bản là nơi sinh sống của người Thái bên sông Nậm Na và sông Đà gặp nhau. Chăn nuôi đại gia súc, trồng dứa, mắc-ca, xoài Đài Loan, quế nhiều năm nay mang lại thu nhập cao và ổn định cho bà con. Ở bản Chợ, bản Chang Chiềng Lè người dân đầu tư đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La mỗi năm thu 50 tấn thủy sản. Và, bản Chang Chiềng Lè cũng được đầu tư thành bản du lịch cộng đồng đầu tiên của xã Lê Lợi.
Mùa xuân này, ấm no, bình yên đến với từng căn nhà, trên khuôn mặt, nụ cười của người dân ở các bản ven bờ sông Nậm Na. Tiếng trống, tiếng đàn tính tẩu, múa xòe, nhảy sạp cùng các trò chơi ném còn, đẩy gậy, tó má lẹ, đua thuyền đuôi én hiện hữu hôm nay và sẽ còn lưu giữ mãi đến muôn đời sau, tạo nên nét văn hóa sông Nậm Na.

Trung Thành

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...