Thứ ba, 19/03/2024, 16:50 [GMT+7]
Chợ Trung tâm thành phố Lai Châu

Kỳ 3: Chợ vẫn “án binh bất động”

Thứ hai, 12/07/2021 - 09:15'
Đâu là nguyên nhân khiến cho việc đầu tư chậm trễ kéo dài 4 năm qua và bao giờ thì người dân có chợ? Phóng viên Báo Lai Châu đã gặp các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố Lai Châu để tìm hiểu.

>> Kỳ 2: Hệ lụy từ dự án chợ chậm khởi công

Vướng do đâu?

Chợ Trung tâm thành phố Lai Châu là chợ truyền thống, được hình thành từ sau năm 1979. Theo Quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 23/8/2012: Chợ Trung tâm thành phố Lai Châu là loại hình chợ kinh doanh tổng hợp, quy mô hạng III. Cùng với quá trình phát triển của thành phố, phạm vi quy hoạch đất chợ đã được UBND thành phố Lai Châu mở rộng quy mô từ 3.670m2 (diện tích đất chợ cũ) lên 4.867m2 nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của Nhân dân.

Tháng 9/2017, thành phố Lai Châu tiến hành di dời các hộ kinh doanh tại chợ tạm phường Đoàn Kết đến các chợ khác đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các tiểu thương có nguyện vọng kinh doanh tại khu vực chợ Trung tâm cũ.

Khu vực dự kiến xây dựng chợ Trung tâm thành phố Lai Châu nhiều năm qua vẫn “án binh bất động”.

UBND thành phố Lai Châu tiến hành thủ tục đấu thầu để xây dựng chợ. Bà Hoàng Thị Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố khẳng định: Thành phố Lai Châu đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cụ thể là thực hiện theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về ban hành Quy định chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Liên danh Minh Trung - Tiến Chanh là đơn vị trúng thầu. Đơn vị này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với số tiền nộp vào Ngân sách nhà nước là 6,24 tỷ đồng. Thế nhưng đơn vị trúng thầu vẫn chưa được giao đất bởi vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai.

Được biết, trước đó, ngày 3/5/2017, UBND thành phố Lai Châu đã có Văn bản số 760/UBND-KT gửi UBND tỉnh, các sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên Môi trường (TNMT) về việc xin ý kiến tham gia vào dự thảo Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Trong phần thứ 3: Phương án chuyển đổi chợ, phương thức chuyển đổi được thành phố xác định là “tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quản lý kinh doanh và khai thác chợ Trung tâm theo hình thức chuyển đổi gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ”. Văn bản xin ý kiến của thành phố nêu: Các ý kiến tham gia đề nghị gửi về UBND thành phố trước ngày 15/5/2017. Sau thời hạn trên, các sở, ngành không có ý kiến tham gia thì coi như đồng ý với dự thảo phương án của thành phố. Như vậy, theo mốc thời gian, có thể khẳng định, các cơ quan cơ bản đều nhất trí với dự thảo, có nghĩa là đồng ý với phương thức tổ chức đấu thầu.

Thế nhưng, sau một thời gian dài, Công ty TNHH MTV Tiến Chanh vẫn không được giao đất để thực hiện thi công. Ngày 25/12/2018, các sở, ngành liên quan và UBND thành phố đã có cuộc họp bàn giải quyết đơn đề nghị giao đất của Công ty này. Có 6/7 cơ quan thống nhất: Đất chợ trung tâm thành phố Lai Châu là đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 10 của Luật Đất đai năm 2013. Riêng Sở TNMT có ý kiến: đất chợ trung tâm thành phố là đất công cộng có mục đích kinh doanh. Theo đó, việc “sử dụng đất thương mại, dịch vụ” là một trong các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải thực hiện theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Thêm nữa, căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 thì đất chợ trung tâm thành phố đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Vì vậy, thành phố Lai Châu phải tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ cuối năm 2018 đến nay đã 2,5 năm trôi qua tại sao thành phố Lai Châu vẫn chưa thực hiện được việc đấu giá để tiến hành đầu tư xây dựng chợ?

Bao giờ người dân có chợ?

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 3/2020, Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh giao việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất chợ trung tâm thành phố Lai Châu cho UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố, Sở đã tổ chức lựa chọn, ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện định giá đất cụ thể. Đến ngày 12/10/2020, Sở căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn để trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định.

Theo ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở TNMT, sau khi nhận được báo cáo tình hình giải quyết đơn của Công ty TNHH MTV Tiến Chanh (đại diện đơn vị trúng thầu) và đề xuất của UBND thành phố, Sở TNMT sẽ có trách nhiệm phối hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất (trong trường hợp Công ty TNHH MTV Tiến Chanh trả lại tài sản trên đất) và phối hợp, giám sát trong quá trình tổ chức đấu giá theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ông Mai Văn Thạch cũng khẳng định: Kết quả đấu thầu của UBND thành phố là đấu thầu tài sản và quản lý vận hành chợ, chưa đề cập đến quyền sử dụng đất. Vì vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ, cần thực hiện đảm bảo quy định đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất. UBND tỉnh đã họp, chỉ đạo tháo gỡ và giao UBND thành phố Lai Châu xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của Công ty TNHH MTV Tiến Chanh, đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan sớm tham mưu Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh họp, thẩm định xác định giá khởi điểm để sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, làm căn cứ cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án đảm bảo theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, do vẫn đang trong quá trình xử lý tài sản với doanh nghiệp nên đến nay thành phố chưa chốt được phương án đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất để các ngành liên quan tiến hành thủ tục thẩm định, trình UBND tỉnh Quyết định phê duyệt phương án và quyết định đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với chợ trung tâm thành phố Lai Châu.

Đợi chờ quá lâu, tháng 9/2020, Công ty TNHH MTV Tiến Chanh đã có đơn kiến nghị trả lại “Dự án quản lý, đầu tư, kinh doanh và khai thác chợ trung tâm thành phố Lai Châu”. Đồng thời đề nghị đơn vị chủ đầu tư trả lại cho doanh nghiệp tổng số tiền gần 18,4 tỷ đồng, bao gồm: tiền nộp ngân sách Nhà nước và tiền doanh nghiệp đầu tư kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan đến chi phí doanh nghiệp đã đầu tư tại chợ trong thời gian khai thác, quản lý.

Trong thời gian chờ đợi giải quyết đơn kiến nghị trả lại dự án chợ, Công ty TNHH MTV Tiến Chanh vẫn tiếp tục cơi nới, dựng các kiot tạm để cho tiểu thương thuê.

Trao đổi với chúng tôi về các quy định chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sau một thời gian thực hiện Quyết định 08/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh đã có một số nội dung không còn phù hợp với quy định hiện hành; do đó, Sở Công thương đã xin ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 bãi bỏ Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND. Việc xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, sau 4 năm, chợ vẫn “án binh bất động”, giờ đây thành phố lại bắt đầu bằng con số “0” để thực hiện đầu tư xây dựng chợ Trung tâm. Thời gian tới, vấn đề xây dựng chợ trung tâm của thành phố chắc chắn sẽ không bằng phẳng vì hậu quả của việc hủy thầu và những mất mát từ kinh tế đến niềm tin của Nhân dân, nhất là các tiểu thương suốt những năm qua. Lãnh đạo thành phố Lai Châu cũng không dám khẳng định dự kiến thời gian chợ sẽ được khởi công đầu tư và đưa vào sử dụng. Nên khi nào chợ hoàn thành vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ?

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...