Thứ sáu, 26/04/2024, 03:34 [GMT+7]

Kan Hồ thiếu đất sản xuất - Bài 1: Thực trạng ở Kan Hồ

Thứ hai, 02/03/2020 - 15:55'
(BLC) - Thực hiện chủ trương tái định cư Thủy điện Lai Châu, 237 hộ dân với 1.069 nhân khẩu ở các bản: Sì Thâu Chải, Seo Hay, Nậm Hạ A – B, Nậm Thú của xã Kan Hồ, huyện Mường Tè đồng thuận chuyển đến nơi ở mới. Đã 5 năm, dù ở nơi mới có điều kiện về cơ sở vật chất tốt hơn nhưng những hộ dân vùng tái định cư tại Kan Hồ chưa có đất ruộng sản xuất.

Dân chưa có ruộng 

Những ngày tháng 11, chúng tôi trở lại các bản tái định cư Kan Hồ để tìm hiểu cuộc sống của các hộ dân nơi đây sau gần 5 năm chuyển đến nơi ở mới theo chương trình tái định cư Thủy điện Lai Châu. Qua những câu chuyện với bà con và thực tế được trải nghiệm khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi những khó khăn của người dân.

Đến bản Sì Thâu Chải, hình ảnh một bản tái định cư được đầu tư xây dựng là trung tâm của xã Kan Hồ với trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã khang trang, hệ thống trường lớp học xây cao tầng, kiên cố, đường làng ngõ bản được trải nhựa, bê tông hóa cho thấy Nhà nước đã đầu tư rất tốt cho bà con vùng tái định cư. 

Chỉ tay về vùng đất đã bị ngập nước, ông Hù Chà Hù (người dân bản Sì Thâu Chải) chia sẻ: “Vì dòng điện của Tổ quốc, gia đình tôi cùng các hộ dân trong bản đã để lại ruộng vườn dưới lòng hồ thủy điện chuyển đến định cư ở bản Sì Thâu Chải được trên 5 năm, với niềm tin nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhưng việc canh tác của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, gia đình vẫn chưa có ruộng để gieo trồng. Đảm bảo lương thực cho 5 nhân khẩu, tôi phải đầu tư thuyền để vượt sông trở lại bản cũ làm nương, đến mùa thì vào rừng lấy măng chế biến, phơi khô bán lấy tiền mua gạo. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền xem xét cho bà con khai hoang làm ruộng để ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa thấy câu trả lời…”.

Công trình thủy lợi Huổi Ngô bỏ không do chưa có bãi tưới

Kênh dẫn nước công trình thủy lợi Huổi Ngô bỏ không.

Câu chuyện thiếu ruộng sản xuất không chỉ xảy ra ở bản Sì Thâu Chải, trao đổi với chúng tôi, ông Giàng Chà Dự - Trưởng bản Seo Hay cho biết: "Bản có 74 hộ dân, trên 300 nhân khẩu, tất cả đều thuộc diện tái định cư Thủy điện Lai Châu, trong đó có đến 68 hộ chưa có ruộng canh tác (các hộ có ruộng tại bản Seo Hay đều có từ trước hoặc tự cải tạo đất của gia đình). Hiện nay, để đảm bảo lương thực phục vụ cuộc sống, dân bản vẫn phải đi thuyền về bản cũ làm nương hoặc đi làm thuê. Việc đi thuyền qua sông rất nguy hiểm, nhiều vụ lật thuyền nhưng rất may là bà con có thâm niên sinh sống ven sông nên thoát nạn…”.

Chưa có ruộng sản xuất, thiếu lương thực đang là khó khăn chung của đa số các hộ dân trong diện tái định cư Thủy điện Lai Châu trên địa bàn xã Kan Hồ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại các bản: Sì Thâu Chải, Seo Hay, Nậm Hạ A – B, Nậm Thú chỉ có gần 130ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất ruộng rất ít, bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ trên 0,5ha/hộ, không đảm bảo sản xuất lương thực, phát triển kinh tế. Chuyển đến nơi ở mới đã 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa có ruộng canh tác, cuộc sống của người dân đang gặp không ít khó khăn.

Công trình thủy lợi bỏ không

Hiện trên địa bàn xã Kan Hồ có hai công trình thủy lợi với công suất tưới tiêu trên 70ha ruộng dù đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương nay phải bỏ không vì chưa có ruộng tưới, đang có nguy cơ xuống cấp. Cùng ông Lý Ché Lòng – Phó Chủ tịch UBND xã Kan Hồ đi thực tế tại công trình thủy lợi Huổi Ngô - một trong hai công trình đã được Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh đầu tư, chúng tôi được chứng kiến công trình có sức tưới tiêu cho 30ha ruộng để không, hệ thống kênh dẫn nước nhiều vị trí đã bị đất đá vùi lấp.

Ông Lý Ché Lòng cho biết: Để đảm bảo cuộc sống cho Nhân dân các bản tái định cư Thủy điện Lai Châu, UBND huyện đã có quy hoạch vùng đất để Nhân dân khai hoang làm ruộng và Ban Quản lý Dự án các công trình nông nghiệp tỉnh đầu tư hai công trình thủy lợi là Huổi Ngô, Huổi Cưởm có sức tưới tiêu trên 70ha để tổ chức khai hoang ruộng cho bà con sản xuất, ổn định cuộc sống. Năm 2017, hai công trình thủy lợi hoàn thành và bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, diện tích đất được quy hoạch để khai hoang lại không thể triển khai. Theo giải thích của các cơ quan chức năng, diện tích đất này là đất rừng và theo Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc tổ chức khai hoang làm ruộng đã không thực hiện được. Vậy là hai công trình thủy lợi có giá trị hàng chục tỷ đồng đã không hoạt động và để không từ năm 2017. Nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cuộc sống của người dân ở các bản tái định cư tại xã Kan Hồ đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, bài toán thiếu ruộng sản xuất vẫn chưa có lời giải.

(Còn nữa)

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...