Thứ sáu, 19/04/2024, 11:20 [GMT+7]

Khó khăn cấp sổ đỏ cho người dân góp đất trồng cây cao su

Thứ sáu, 17/07/2020 - 11:06'
Sau hơn 4 năm bắt đầu thu hoạch mủ cao su, đến nay Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đã bắt đầu thực hiện chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ cao su cho người dân tại 2 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ. Tuy nhiên, việc thực hiện ký kết hợp đồng góp đất giữa Công ty với bà con vẫn còn vướng mắc hàng trăm héc-ta do nhiều người đi làm ăn xa, thắc mắc thiếu diện tích, tranh chấp diện tích, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) dẫn đến không thể chi trả giá trị sản phẩm mủ cao su.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đang quản lý 6.948,17ha cây cao su trên địa bàn 2 huyện Sìn Hồ và Phong Thổ; tổng sản lượng khai thác 7.170,52 tấn. Từ năm 2016 - 2019, Công ty tiêu thụ được 6.599,712 tấn mủ, trong đó 5.166,282 tấn mủ đông quy khô, 1.433,43 tấn mủ SVR10. Tổng diện tích đất do các hộ dân góp đất là 8.696,3ha. Công ty đã ký kết hợp đồng góp đất với người dân được 7.718,1ha, tổng số hộ dân đã ký kết hợp đồng góp đất là 4.239 hộ.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cho biết: “Năm 2018, Công ty bắt đầu chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ khai thác năm 2016, 2017 cho người dân góp đất năm 2008, 2009 với số tiền chi trả 2,831 tỷ đồng. Năm 2019, chi trả khai thác năm 2018 cho người dân góp đất từ năm 2008 - 2010 với số tiền 5,191 tỷ đồng. Tháng 1/2020, Công ty chi trả khai thác năm 2018, 2019 cho hộ dân góp đất từ năm 2008 - 2011 với số tiền 7,466 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 978,2ha đất chưa có GCNQSDĐ nên chưa ký kết được với 872 hộ dân, trong đó có 297 hộ (diện tích 317,73ha) đã soạn thảo hợp đồng nhưng do người dân đi làm ăn xa và có người còn thắc mắc thiếu diện tích; 575 hộ (diện tích 660,47ha) chưa có GCNQSDĐ nên chưa thể soạn thảo hợp đồng góp đất dẫn đến không thể chi trả”.
Nguyên nhân vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc ký kết với người dân góp đất chính là GCNQSDĐ do UBND các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ cấp vẫn còn sai sót như: tên, năm sinh, số chứng minh thư Nhân dân… Nhiều hộ thắc mắc chưa có GCNQSDĐ, thiếu diện tích so với thực tế (diện tích nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi đất sang trồng cây cao su nhiều hơn diện tích trên GCNQSDĐ) gây khó khăn trong quá trình triển khai ký kết hợp đồng.

Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu tuyên truyền đến người dân xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) về thực hiện chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ cao su khai thác.

Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu tuyên truyền đến người dân xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) về thực hiện chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ cao su khai thác.

Việc tranh chấp đất giữa một số bản trồng cao su vẫn còn diễn ra, điển hình như bản Diền Thàng, xã Nậm Cha và Nậm Mạ của huyện Sìn Hồ chưa được giải quyết nên các hộ chưa được cấp GCNQSDĐ nên chưa thể soạn thảo hợp đồng. Bên cạnh đó, mục đích sử dụng đất chưa được hiệu chỉnh trên GCNQSDĐ về đất trồng cây lâu năm (từ các mã RSX, RSK… mã đất LNC)… Trong khi đó, bản đồ giải thửa Phòng Tài nguyên Môi trường các huyện cung cấp chưa hoàn chỉnh nên khó khăn trong việc tách năm góp đất của hộ dân và xác định diện tích góp đất.
Trên địa bàn huyện Phong Thổ, diện tích đã đo đạc góp đất trồng cây cao su đại điền tại 4 xã: Hoang Thèn, Khổng Lào, Mường So, Nậm Xe là 1.702,5ha. Đến nay, huyện đã cấp 3.064 GCNQSDĐ cho 1.386 hộ tham gia góp đất trồng cây cao su với diện tích 1.492,32ha. Diện tích đất của một số hộ tham gia góp đất từ năm 2009, 2010 đã được cơ quan Nhà nước hỗ trợ tiền tham gia chuyển đổi đất nhưng đến những năm gần đây các hộ dân mới thắc mắc một số nội dung như: có đất nhưng nhận tiền hỗ trợ được ít hay diện tích cấp giấy chứng nhận thấp hơn so với diện tích trước đây canh tác.
Ông Vương Thế Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ chia sẻ: “Việc giải quyết những thắc mắc này gặp khó khăn do đã trồng cây cao su nên không còn hiện trạng, ranh giới đất như trước. Ngoài ra, phần diện tích đo đạc quy chủ của nhóm hộ tại địa bàn một số xã đến thời điểm hiện tại các nhóm hộ chưa thống nhất được người đại diện nhóm hộ để hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Đối với những trường hợp thắc mắc về diện tích hoặc thắc mắc có đất nhưng không có tên trong danh sách góp đất, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã và Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể từng hộ để giải quyết. Đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, UBND các xã có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho các hộ dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận gửi về UBND huyện để thực hiện việc cấp giấy theo quy định”.
Để giải quyết vấn đề cấp GCNQSDĐ cũng như ký kết giữa công ty với người dân tham gia góp đất trồng cây cao su, theo ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu: Hiện nay, vẫn còn 978,2ha chưa cấp GCNQSDĐ nên khó khăn trong việc ký kết hợp đồng. Thời gian tới, Công ty tiếp tục phối hợp với UBND 2 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, nhất là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, chính quyền xã để tháo gỡ. Đối với vấn đề bà con thắc mắc về diện tích, tranh chấp thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện đo đạc, xác minh, cấp giấy. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến người dân vùng trồng cao su về thủ tục pháp lý cấp giấy chứng nhận. Đối với diện tích các năm trồng đến chu kỳ khai thác phần chi trả 10% lợi tức vẫn được công ty để lại sau khi ký kết hợp đồng xong sẽ trả bù lại năm khai thác đó nên người dân yên tâm. Mong rằng, 2 huyện sớm thực hiện việc cấp giấy để các hộ dân và công ty sớm hoàn thiện hợp đồng ký kết góp đất để sau này được hưởng sản phẩm.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...