Thứ ba, 19/03/2024, 15:47 [GMT+7]

Lao động sáng tạo: Liệu có xa vời như “hái sao trên trời”?

Thứ hai, 05/10/2020 - 21:34'
(BLC) - “Đổi mới, sáng tạo” là yếu tố quan trọng tác động lớn đến hiệu suất công việc ở bất cứ ngành, nghề nào, nhất là trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, do suy nghĩ tự ti: “Sáng tạo rất khó, như hái sao trên trời” nên số đoàn viên được tặng Bằng Lao động sáng tạo (LĐST) của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ở tỉnh còn khiêm tốn. Để thúc đẩy phong trào LĐST, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) thay đổi tư duy, tự tin và không ngừng sáng tạo; các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời.

Tỷ lệ Bằng Lao động sáng tạo thấp

Bằng LĐST của Tổng LĐLĐ Việt Nam được xét tặng hàng năm cho các cá nhân là đoàn viên công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ của đoàn viên và có đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, sáng kiến ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, được cấp có thẩm quyền công nhận.

Nhiều năm nay, phong trào thi đua Lao động giỏi - Lao động sáng tạo được các cấp công đoàn phát động rộng rãi tới cán bộ, CNVCLĐ. Có sáng kiến là một trong những tiêu chí bắt buộc để được công nhận Chiến sỹ thi đua các cấp hàng năm. Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, 5 năm qua, toàn tỉnh có hàng nghìn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trong đó, 27 đề tài, sáng kiến trên các lĩnh vực: sản xuất nông - lâm nghiệp, y tế, công nghệ thông tin… được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng LĐST; trên 500 đề tài, sáng kiến được UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh, có giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. CĐCS Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên là các đơn vị có nhiều đề tài, sáng kiến được Tổng LĐLĐ tặng Bằng LĐST, đáng chú ý có sáng kiến còn được vinh danh tại Chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”.

Đây là phong trào có ý nghĩa thiết thực, là động lực, cơ hội để cán bộ, CNVCLĐ bày tỏ ý tưởng, phát huy khả năng sáng tạo, khẳng định năng lực, đẩy mạnh cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng giá trị sản xuất cho đơn vị, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, đồng chí Nguyễn Thị Thiện - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thẳng thắn: Lai Châu có lực lượng đoàn viên, người lao động gần 30 nghìn người, trong đó hàng nghìn kỹ sư các ngành: nông nghiệp, xây dựng, công nghệ thông tin... Mỗi năm có hàng trăm đề tài, sáng kiến cấp tỉnh, hàng nghìn sáng kiến cấp cơ sở ngành, huyện công nhận, nhưng số đề tài, sáng kiến của cán bộ, CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ tặng Bằng LĐST còn khiêm tốn. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có 4 đề tài sáng kiến của CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng LĐST.

Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu là đơn vị có nhiều giải pháp sáng tạo, áp dụng thiết thực vào sản xuất kinh doanh nhưng chưa có sáng kiến được Tổng LĐLĐ tặng Bằng LĐST.

Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu là đơn vị có nhiều giải pháp sáng tạo, áp dụng thiết thực vào sản xuất kinh doanh nhưng chưa có sáng kiến được Tổng LĐLĐ tặng Bằng LĐST.

Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu là một trong những đơn vị được LĐLĐ tỉnh đánh giá có nhiều giải pháp sáng tạo, áp dụng thiết thực vào sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có sáng kiến nào được Tổng LĐLĐ tặng Bằng LĐST. Vấn đề vướng ở đây là công nhân chỉ chuyên về kỹ thuật và không chú trọng viết đề tài, sáng kiến. Ý tưởng thì có nhưng khi triển khai viết để công nhận thì anh em hầu như rất ngại, vì phải đầu tư thời gian để đảm bảo theo yêu cầu trình bày của một sáng kiến.

Hay như ngành Giáo dục - đơn vị có số lượng đoàn viên, người lao động lớn nhất tỉnh với trên 12 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên các cấp. Hàng năm, có gần 100 trăm đề tài sáng kiến cấp tỉnh công nhận nhưng để lựa chọn được 1 sáng kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng LĐST lại rất khó, thậm chí không có.

Nhiều cán bộ, CNVCLĐ quan niệm, các sáng kiến để được cấp tỉnh hay Tổng LĐLĐ công nhận chắc phải rất khó, cao siêu, quy mô lớn. Do đó, không ít CNVCLĐ năm nào cũng làm sáng kiến nhưng thường chỉ công nhận ở cấp cơ sở, chưa bao giờ nghĩ đến việc đầu tư và mạnh dạn đề nghị cơ quan, đơn vị gửi cấp cao hơn vì nghĩ làm sao đến lượt mình. Đây là suy nghĩ phổ biến của cán bộ, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.

Sáng tạo không phải “hái sao trên trời”

Chính vì rất ít đoàn viên, người lao động đạt được nên nhiều người cho rằng để được tặng Bằng LĐST của Tổng LĐLĐ là điều gì đó rất xa vời như “hái sao trên trời”. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Thiện - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhắc đi nhắc lại và trăn trở không thôi về việc sáng tạo không phải là điều gì quá khó, nếu CNVCLĐ quyết tâm, dành nhiệt huyết, đầu tư tìm tòi ý tưởng, giải pháp, sáng kiến áp dụng vào công việc phù hợp, đem lại hiệu quả là có thể làm được. Thực tế cho thấy, thời gian qua, trong khối doanh nghiệp, có nhiều giải pháp của người lao động đơn giản nhưng giá trị làm lợi về mặt xã hội, kinh tế lại rất cao. Khởi nghiệp sáng tạo bằng những việc nhỏ nhưng mang lại giá trị thiết thực cần phải khuyến khích. Không phải những dự án hàng tỷ đồng, quy mô lớn mới cần sáng tạo, phải ứng dụng khoa học mà đôi khi chỉ là những việc rất bình thường nhưng đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị, doanh nghiệp.

Thực tế chứng minh, 4 đề tài của Lai Châu vừa được tặng Bằng LĐST đều bám sát công việc, lĩnh vực mà tác giả hàng ngày thực hiện. Không quá tốn kém chi phí đầu tư, nhiều ý tưởng rất đơn giản nhưng thiết thực. Tiêu biểu như giải pháp “Sử dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh cho gà” của anh Giang Văn Quý, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên. Xuất phát từ nghề nghiệp của mình, anh Quý mày mò sáng tạo giải pháp nuôi gà theo phương pháp dùng tỏi. Ý tưởng của anh khi áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá trị làm lợi trên 740 triệu đồng. Trước sự ngưỡng mộ của chúng tôi về giải pháp sáng tạo này, anh Quý mộc mạc: “Sáng tạo không phải điều gì đó quá lớn lao, khó có thể chạm tới mà bắt nguồn ngay từ chính cuộc sống hàng ngày. Với tôi, mọi giải pháp sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn công tác, từ những trăn trở trong cuộc sống. Tôi mong rằng cán bộ, CNVCLĐ hãy mạnh dạn, tự tin đưa ra giải pháp sáng tạo, kiên trì và đừng sợ thất bại”.

Ngoài giải pháp của anh Quý, các giải pháp: “Ứng dụng phương pháp điều trị gãy lồi cầu thấp xương hàm dưới qua đường sau hàm bằng nẹp miniplate”, “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi” của đoàn viên Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc “Làm báo trên điện thoại di động” của đoàn viên Nguyễn Thanh Vân - Công đoàn cơ sở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh... cũng được Tổng LĐLĐ đánh giá cao, tặng Bằng LĐST.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước, tỉnh Lai Châu tăng cường khuyến khích người lao động trong tất cả các lĩnh vực tích cực sáng tạo, khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, để có được những đề tài, sáng kiến mang lại giá trị không còn quá xa vời với người lao động. Trong lĩnh vực y tế, người lao động có thể tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Lĩnh vực giáo dục và công tác quản lý học sinh nên ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 hoặc sáng tạo trong làm đồ dùng dạy học. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp là thế mạnh của tỉnh và là môi trường thuận lợi để CNVCLĐ nghiên cứu, tìm tòi đưa ra những đề tài, sáng kiến ứng dụng chất lượng cao trong sản xuất, chế biến nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển…

Để phong trào thi đua LĐST thu hút đông đảo cán bộ, CNVCLĐ quan tâm, hưởng ứng thực hiện, thiết nghĩ quan trọng nhất là người đứng đầu phải truyền được cảm hứng đổi mới, sáng tạo đến người lao động, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để động viên người lao động có khát khao, ý chí vươn lên khẳng định mình, tâm huyết với các ý tưởng. Bên cạnh đó, rất cần sự hướng dẫn tận tình của cán bộ công đoàn, chuyên môn về cách viết đề tài, sáng kiến; sự quan tâm, khích lệ, khơi dậy tinh thần sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể.

Thanh Hoa - Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...