Mạng ảo nhưng hậu quả.... rất thật!
Khi mỗi người chăm chú vào điện thoại, chìm đắm vào thế giới riêng tư thì cũng đồng nghĩa với những phút giây trò chuyện cùng nhau bị đánh mất. (Ảnh: Internet)
Điện thoại, máy tính và mạng Internet đang được trẻ em sử dụng ngày một nhiều hơn, nhất là trẻ từ 10 - 17 tuổi. Kể từ sau khi các em phải học từ xa trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, thì điện thoại, máy tính và mạng Internet còn là công cụ để học, để đọc, để giải trí, giao tiếp với bạn bè, người thân và khám phá cả thế giới.
Một báo cáo của tổ chức UNICEF cho biết, 83% trẻ em Việt Nam từ 12 đến 13 tuổi sử dụng Internet; con số này là 93% ở độ tuổi 14 - 15. Không chỉ sử dụng ở nhà, Internet còn được sử dụng tại trường học... Trẻ sử dụng Internet nhiều như vậy, nhưng chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng.
Trong khi đó, mặt tích cực của môi trường mạng đã rõ, nhưng mặt trái của Internet cũng lại là “bóng tối” dày đặc với người dùng nếu không được chuẩn bị tâm thế vững vàng, nhất là trẻ em với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi rất tò mò và thích khám phá, thích thể hiện bản thân.
Chắc hẳn khi nhắc đến trò chơi Thử thách Cá voi xanh cách đây mấy năm gieo rắc kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… nhiều phụ huynh vẫn chưa quên. Cấp độ cao nhất của trò chơi này dành cho người chiến thắng là "tự sát". Hơn 100 thanh niên ở Nga đã tự kết liễu cuộc đời mình khi chơi trò chơi quái ác này.
Ở Việt Nam, tháng 3/2021, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính một YouTuber mang tên Thơ Nguyễn có tới hơn 9 triệu lượt người theo dõi khi đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút trên TikTok có nội dung về việc "xin vía" học giỏi cho các em học sinh. Đoạn clip này đã bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội, kêu gọi tẩy chay clip cũng như YouTuber này vì cho rằng những clip như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm trẻ nhỏ có những suy nghĩ lệch lạc…
Và chúng ta không khó để tìm kiếm những nội dung có tiêu đề gây tò mò, nguy hại tới nhận thức và hành động của trẻ em trên các video clip trên mạng... Nguy hiểm hơn, từng đã có kênh youtube còn đăng tải clip “Thả 100 cái dao trên cao xuống” để trúng mục tiêu là miếng thịt lợn và quả dưa hấu… khiến người lớn khi xem cũng phải ớn lạnh.
Nghiêm trọng hơn, mạng Internet còn xuất hiện nhiều clip có nội dung ghê rợn, bạo lực, thậm chí hướng dẫn người xem cách tự làm hại bản thân, xúi giục thử thách sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm... Những nội dung phản cảm như vậy là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em - lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn.
Mặt khác, trẻ em sử dụng internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện internet, nghiệm game, bỏ bê học hành, khép kín trong thế giới riêng mình để rồi bị trầm cảm, trở thành một loại bệnh khó chữa. Việc xem quá nhiều nội dung trên các nền tảng như: TikTok, Facebook, Zalo, Telegram... còn khiến trẻ bắt chước làm theo rất nguy hiểm. Trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí còn tự gây thương tích cho bản thân do học theo mạng xã hội. Đau lòng hơn, có em khi bị cấm cản đã dùng hung khí hành hung người thân trong gia đình chỉ vì “địa chỉ đen” trên mạng dạy trẻ em cách hành xử bạo lực, kể cả tự tử...
Như vậy không gian mạng xã hội với một kho tri thức bao la nhưng cũng là một cái "chợ đầy rác" đang là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Vậy, quản lý trẻ em sử dụng mạng Internet ra sao? Làm thế nào để trẻ em được dùng "Internet sạch" và hạn chế những tác động xấu tới tâm lý và sức khoẻ?
Để trả lời câu hỏi trên, thiết nghĩ, rất cần sự vào cuộc của cả xã hội, từ nhà trường, cơ quan chức năng và nhất là các bậc phụ huynh. Phải xây dựng cho được môi trường giáo dục toàn diện là Gia đình - Nhà trường - Xã hội, nhưng trước hết và căn bản nhất phải xuất phát từ gia đình.
Thay vì chờ đợi nhà trường hay xã hội, bản thân cha mẹ phải tự trang bị kiến thức bảo vệ con em mình trong thế giới ảo. Cha mẹ phải làm gương cho con cái, kiểm soát để con không bị “nghiện” thì trước hết cha mẹ cũng không được “nghiện”. Không thể vì muốn được “yên thân” lại “quẳng” cho con chiếc điện thoại để chúng “tự tung, tự tác” hay chính họ cũng lại đắm đuối với mạng xã hội đến độ “ăn mạng, ngủ mạng, chơi mạng”.
Trong “cuộc chiến” với “thế giới ảo”, muốn trở nên an toàn thì trước hết trong mỗi gia đình phải tạo ra sự an toàn. Muốn thế, ngoài việc giúp cho trẻ nhận thức được những mối nguy, chính cha mẹ cần chủ động hướng dẫn con biết cách tìm đến những địa chỉ mạng lành mạnh, ý nghĩa, tác dụng tốt, hạn chế khả năng trẻ có thể tiếp cận những nội dung thiếu lành mạnh. Các phần mềm, ứng dụng có khả năng quản lý thời gian sử dụng Internet, ngăn chặn truy cập vào những địa chỉ trang web không mong muốn chính là người bạn đáng tin cậy của các bậc phụ huynh.
Cùng với đó, phải thường xuyên trao đổi, sẻ chia để gắn kết tình thân, trao truyền kinh nghiệm sống, ứng xử của người lớn đến trẻ nhỏ… bằng các hành động trực tiếp. Tránh tình trạng sau một ngày dài đi làm trở về nhà, chỉ chào nhau qua loa, ăn uống, vệ sinh cá nhân rồi mạnh ai nấy ôm chiếc điện thoại thông minh. Lâu dần cuộc sống không có sự kết nối, chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng, vô tình tạo ra khoảng trống. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sợi dây gắn kết tình cảm của từng thành viên gia đình dành cho nhau.
Thế giới mạng là ảo nhưng những tổn thương, sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật. Hệ lụy của “thế giới ảo” vẫn còn đang và sẽ ảnh hưởng đến mỗi gia đình nếu chúng ta để con cái “tự bơi” trước biển cả mênh mông mà không có phao thì những đứa trẻ có nguy cơ sẽ bị “dìm chết”.../.
Theo Báo Đảng Cộng sản
Bình luận