Thứ năm, 25/04/2024, 18:57 [GMT+7]

Mong điện sớm về với bà con xã Mù Sang

Thứ năm, 18/08/2022 - 07:24'
(BLC) - Sống trong cảnh thiếu điện, 56 hộ dân của xã Mù Sang (huyện Phong Thổ) đang mong mỏi các cấp, đơn vị liên quan sớm đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia để bà con yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.

Xã Mù Sang có 10 bản với 565 hộ, 3.670 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền các cấp, đến nay trên 90% số hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia và xã đã đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cả xã vẫn còn 56 hộ dân thuộc 5 bản: Mù Sang, Tung Chung Vang, Sàng Sang, Căn Chu Dao và Sin Chải chưa được đầu tư điện lưới quốc gia dẫn về nhà. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.

Từ trung tâm xã chúng tôi vượt chặng đường đèo dốc dài chừng 5km đến với bà con bản Mù Sang. Đây là một trong số những bản có đông hộ dân chưa được đầu tư điện lưới quốc gia dẫn về nhà (15 hộ). Theo quan sát của chúng tôi, các hộ dân này sống khá gần đường chính vào bản, đường đi lối lại tương đối thuận tiện, các cột điện lưới quốc gia chạy ngay trước nhà, trớ trêu thay nhiều hộ dân chưa được hưởng lợi.

Chiếc máy thái rau của gia đình anh Giàng A Nhà (B) ở bản Mù Sang lâu ngày không được sử dụng vì điện tự kéo yếu.

Chiếc máy thái rau của gia đình anh Giàng A Nhà (B) ở bản Mù Sang lâu ngày không được sử dụng vì điện tự kéo quá yếu.

Gia đình anh Giàng A Nhà (B) chuyển từ trung tâm bản về đầu bản từ năm 2016. Hoàn cảnh gia đình anh rất éo le, bố mẹ mất sớm để lại 4 anh em nương tựa vào nhau. Thương các em nhỏ, anh Nhà chủ động nhường lại ngôi nhà cũ bố mẹ cho 2 em liền kề, rồi cùng vợ, 2 con và em út di chuyển về đầu bản sinh sống. Chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà, song gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo. Trong ngôi nhà vách gỗ ghép thưa không có tài sản giá trị.

Anh Nhà bộc bạch: “Chuyển về đây không có điện tôi tự dùng số tiền tiết kiệm mua dây về nhờ người đấu. Do dùng chung đường dây từ nguồn về với 3 hộ khác nên điện yếu, ban đêm chỉ thắp được 1-2 bóng đèn, muốn nấu cơm cũng phải nấu từ sớm, nếu nấu muộn điện yếu không đủ nhiệt chín hoặc cơm bị nhão. Thậm chí, ban ngày nhiều lúc muốn sử dụng chiếc máy thái rau được nhà nước hỗ trợ năm 2018 cũng không dùng được, hầu như gia đình tôi phải băm rau thủ công bằng dao rất tốn thời gian”.

Tương tự như gia đình anh Nhà, gia đình anh Hảng A Sàng cũng khổ vì điện. Theo lời kể của anh Sàng, trước đây anh ở bản Khoa San thuộc vùng có nguy cơ sạt lở. Để đảm bảo an toàn, năm 2019 anh chủ động đưa gia đình di dời qua đầu bản Mù Sang sinh sống. Cuộc sống cơ bản ổn định nhưng điện yếu khiến gia đình anh nhiều lúc dở khóc, dở cười. Anh muốn thái rau bằng máy không thái được, mua máy bơm hút nước để rửa chuồng chăn nuôi cũng không sử dụng được. Giờ máy bơm của gia đình anh đang bỏ 1 góc rất lãng phí.  

Cán bộ xã Mù Sang thăm hỏi, động viên các hộ dân không có điện ở bản Mù Sang.

Cán bộ xã Mù Sang (thứ nhất từ phải sang) thăm hỏi, động viên các hộ dân không có điện ở bản Mù Sang.

Trao đổi thêm với cán bộ xã và người dân chúng tôi được biết, phần lớn các hộ chưa có điện của xã đã chuyển đến nơi ở mới được vài năm nay. Và gặp nhiều khó khăn khi không có điện như: không thể xát gạo, bà con muốn có gạo ăn phải đi vào trung tâm bản Mù Sang hoặc bản Sín Chải để nhờ xát.

Một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế muốn mua ti vi, tủ lạnh về giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống hay các loại máy về phục vụ sản xuất nhưng vì điện yếu cũng chỉ dừng lại ở mơ ước. Khát khao một ngày có nguồn điện khỏe để sử dụng là nỗi niềm đau đáu của các hộ dân.    

Đồng chí Phàng A Chinh – Phó Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết, 56 hộ dân sống theo nhóm hộ. Một số di chuyển do nhu cầu di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, một số khác chuyển chỗ ở do trong bản đã đông người, muốn ra bên ngoài để có đất canh tác, thuận lợi trong việc lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Điển hình như 17 hộ dân ở bản Tung Chung Vang, chuyển đến nơi ở mới chính là gần nương canh tác khiến việc sản xuất, thu hoạch nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Về nguyên nhân chưa có điện là do người dân sinh sống theo nhóm hộ nhỏ lẻ, xa khu dân cư, chi phí lắp điện lớn nên chưa được đầu tư.

Để có điện sử dụng, các hộ tự bỏ kinh phí mua dây điện nhờ người đấu nối với công tơ của các hộ gia đình khác trong bản. Cách làm này, giúp các hộ có điện sử dụng tạm thời nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi người được nhờ đấu nối là người dân trong bản, không phải nhân viên điện lực có trình độ chuyên môn và đồ bảo hộ cẩn thận. Hơn nữa, cột điện là cột tạm làm bằng tre không đảm bảo chắc chắn cũng như độ cao và điện đang sử dụng yếu không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.

Hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, trưởng bản, cán bộ xã đã nhiều lần có ý kiến đến các cấp có thẩm quyền, đơn vị liên quan trong các buổi tiếp xúc cử tri về việc đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia cho bà con song cho đến nay điện lưới vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Thực tế cho thấy, với bà con vùng biên giới còn nhiều khó khăn như ở Mù Sang thì bên cạnh các hạng mục hạ tầng: đường, trường, trạm thì điện là yếu tố rất cần thiết, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền, cơ quan liên quan sớm vào cuộc, quan tâm xây dựng hệ thống điện cho bà con yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, thêm động lực gắn bó lâu dài với vùng biên giới.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...