Thứ ba, 22/10/2024, 12:25 [GMT+7]

Mua đất đấu giá: Nhiều hộ dân “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ sáu, 21/06/2024 - 10:51'
Dự án khu dân cư 2B mở rộng gồm các đường: Trần Duy Hưng, Tôn Thất Bách và Đinh Bộ Lĩnh thuộc tổ dân phố số 27 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) được thực hiện đấu giá từ năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm này, các hạng mục chính của cơ sở hạ tầng thiết yếu lại chưa được hoàn thiện. Trong đó, điện, đường, nước gần như còn bỏ ngỏ, gây khó khăn cho các hộ đang sinh sống và có ý định làm nhà ở.

Có đất nhưng không thể xây nhà
Theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Trần Duy Hưng, một số hộ dân đã xây dựng nhà ở từ năm 2021. Tại đây, dãy trên đã có đầy đủ điện, nước nhưng dãy đối diện, đường điện cũng chỉ mới dừng lại ở giai đoạn chôn cột. Người dân muốn có điện sử dụng phải lắp công-tơ và kéo dây từ khá xa, chưa kể đến việc thất thoát điện năng do đường dây nối kéo dài. Còn với tuyến phố Tôn Thất Bách được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất từ năm 2020, nhưng cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên nhiều gia đình dù muốn xây nhà nhưng lại băn khoăn, chần chừ.
Trong cuộc gặp, chúng tôi được nghe nhiều hộ dân đã mua đất ở đây có chung câu nói: “Con đường của tuyến phố này còn chưa rải nhựa đường asphalt thì nói gì đến điện”. Anh L.S chia sẻ: Năm 2020, tôi tham gia đấu giá đất ở phố này nhưng không được, may mắn tôi mua lại được từ người khác. Khấp khởi mừng vì có đất xây nhà, nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng của đoạn đường Tôn Thất Bách vẫn dở dang. Sau nhiều lần kiến nghị, mới được đấu nối hệ thống nước sinh hoạt, còn điện, đường thì “án binh bất động”. Tiếp lời của anh L.S., một số hộ khác có mặt cũng cho rằng: Muốn có điện phải đầu tư nhiều tiền mua dây kéo từ xa về, rồi còn khâu đấu nối, đi qua các nhà khác nữa, vậy thì xây nhà ở có ý nghĩa gì. Chính bởi thế mà đến giờ các hộ dân có đất ở tuyến phố này vẫn đang phải thuê trọ “chờ” đường và điện hoàn thành.

Lãnh đạo phường Đông Phong nắm tình hình, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các hộ dân có đất ở tại
tuyến phố Tôn Thất Bách.

Ở tuyến phố Đinh Bộ Lĩnh, người dân còn buồn hơn. Ngoài chưa rải nhựa đường asphalt, mặt đường đầy bùn đất, bụi bẩn thì hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng cũng chưa được đầu tư. Gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh - hộ dân thuộc diện tái định cư lòng hồ hạ ở phường Tân Phong từ năm 2012 mãi đến đầu năm 2023 mới được cấp đất tại đường Đinh Bộ Lĩnh sau nhiều lần kiến nghị. Mặc dù đã hỏi và biết nhiều hộ dân có đất nhưng chưa xây dựng được nhà ở vì chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng nhưng gia đình ông vẫn “đánh liều” làm nhà ngay sau khi được cấp đất. Ông Trịnh buồn bã nói: “Biết là vậy nhưng gia đình tôi vẫn quyết định xây nhà vì đã phải thuê trọ hơn chục năm nay, mất bao nhiêu chi phí không đáng có. Để có điện và nước sinh hoạt, gia đình tôi phải mua nước và tự kéo dây từ trên đường Trần Duy Hưng xuống (cách nhà hơn 100m). Thậm chí hệ thống cấp thoát nước phía sau nhà đã bị cây cối, đất đá lấp, nước thải sinh hoạt ứ đọng, gây mùi hôi thối, cuộc sống rất khổ sở...”.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó khi phóng viên nhận thêm thông tin: các hộ trực tiếp tham gia đấu giá đất cũng đã nộp đủ tiền cho Nhà nước. Tiền đã đóng, cam kết đã ký mà chủ đầu tư chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch. Nguyên nhân do đâu? Còn vướng mắc gì từ phía nhà đầu tư? Trách nhiệm của các cấp chính quyền?
Quá bức xúc, các hộ dân đã ý kiến, kiến nghị lên UBND phường Đông Phong. Tuy nhiên, UBND phường không có thẩm quyền giải quyết, lại trình lên cấp trên. Cứ như vậy, người dân “tiến thoái lưỡng nan”, sống trong chờ đợi, thấp thỏm và lo âu. Vậy là mảnh đất trị giá cả gần tỷ đồng “xây không xong, bán chả thành”.
Và dự án vẫn “treo”
Qua nắm bắt thông tin của phóng viên, 3 tuyến đường trên có tổng số gần 200 lô đất theo dự án đấu giá và cấp đất tái định cư. Đến nay, mới chỉ có hơn 10 lô đất được xây nhà ở. Hàng loạt những kiến nghị về cơ sở hạ tầng của Dự án khu dân cư 2B mở rộng được gửi lên phường Đông Phong, nhưng theo ông Nghiêm Văn Đẳng - Chủ tịch UBND phường thì thẩm quyền của phường chỉ là nắm bắt và báo cáo lên UBND thành phố cũng như các đơn vị liên quan đề nghị giải quyết và đề nghị cơ quan chuyên môn thành phố sớm chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp dân “an cư, lạc nghiệp”.
Và, dường như để “an dân”, sau nhiều lần kiến nghị, 2 tuyến đường: Trần Duy Hưng và Tôn Thất Bách được đấu nối hệ thống nước sinh hoạt vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đến giờ, mọi thứ lại tiếp tục “treo”. Cũng chính vì thế, công tác đấu giá quyền sử dụng đất từ năm 2023 đến nay, thành phố đều không hoàn thành.
Đến Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố gặp Giám đốc Ngô Xuân Đăng để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên nhận được câu trả lời: Nguyên nhân của việc chậm hoàn thiện cơ sở hạ tầng là do tại thời điểm phê duyệt và triển khai thực hiện dự án vướng mắc Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 9/11/2011 của UBND tỉnh quy định tạm thời một số quy định cụ thể thực hiện Dự án phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn hiệu lực. Đến ngày 24/5/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND và có hiệu lực từ ngày 15/6/2019 thì tiếp tục gặp phải nội dung: tổ chức thực hiện của Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND không có điều khoản chuyển tiếp quy định đối với những dự án đã được phê duyệt hoặc thực hiện theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh nên dự án buộc phải dừng lại.
Chưa đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng thành phố vẫn tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất? Trả lời câu hỏi đó của phóng viên, ông Đăng lý giải vòng vo: Để đảm bảo nguồn thu ngân sách từ nguồn thu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn thành phố nói riêng vào thời điểm năm 2020, 2021, thành phố buộc phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình (đương nhiên việc này thành phố đã xin ý kiến của tỉnh và được tỉnh chấp thuận). Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm giải quyết các điều kiện sinh hoạt chính đáng cho người đã đấu giá quyền sử dụng đất và hộ dân tái định cư.
Là một trong những khu đô thị lớn của tỉnh nhưng cơ sở hạ tầng lại không đảm bảo cũng chỉ vì vướng mắc ở những quyết định… Phải chăng vai trò của cơ quan tham mưu chưa phát huy hiệu quả. Bài toán dự án “treo” này liệu bao giờ được khắc phục để người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với Lai Châu.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần tăng cường nguồn lực sắp xếp ổn định dân cư
Huyện Mường Tè còn nhiều hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở đất. Việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng nguy cơ thiên tai giúp người dân có cuộc sống ổn định đã được các cấp...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...