Thứ bảy, 20/04/2024, 16:47 [GMT+7]

Nậm Mạ “khát” nước sinh hoạt

Thứ tư, 28/10/2020 - 15:54'
Dù mùa mưa hay mùa khô những năm qua người dân xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) vẫn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nước không đủ dùng nhiều hộ dân phải góp tiền xây dựng bể chứa, mua ống dẫn nước xa hàng chục cây số. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây.

Người dân xã Nậm Mạ sửa chữa đường nước nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt.

Người dân xã Nậm Mạ sửa chữa đường nước nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt.

Nậm Mạ là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, nằm ở khu vực ngã ba sông Đà và suối Nậm Mạ, cách trung tâm huyện khoảng 106km. Xã có 4 bản với 391 hộ dân sinh sống. Là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 nên cơ sở vật chất: điện, đường, trường trạm của xã được đầu tư xây dựng cơ bản. Các bản đều có đường giao thông đi lại thuận tiện và được cứng hóa. Hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư đường ống dẫn nước dài 15km và các bể chứa nước kiên cố xây dựng tại các bản nơi gần khu vực người dân sinh sống theo nguồn vốn tái định cư Thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, đến năm 2018 do mưa lũ, sạt lở đã gẫy đường ống dẫn nước làm toàn bộ thiết bị dẫn, cấp nước bị hỏng hoàn toàn dẫn đến tình trạng “khát” nước sinh hoạt và những công trình cấp nước, thiết bị phục vụ cấp nước cho Nhân dân trên địa bàn bị bỏ không. Chính quyền xã nhiều lần kiến nghị xin được sửa chữa nhưng kinh phí sửa chữa lớn, do đó đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông Hồ Văn Thơi - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đường nước dài 15km đã xuống cấp và hỏng, xã đã huy động bà con thường xuyên sửa chữa để đảm bảo nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều đoạn đường ống đứt gãy, hư hỏng nặng, vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay, các hộ vẫn phải tự bỏ tiền để khắc phục bằng việc kéo nước từ các khe suối về dùng. Chính quyền xã cũng như hàng trăm hộ dân chịu chung cảnh thiếu nước thường xuyên.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù hiện đang là mùa mưa nhưng những khe nước hay mó nước đầu nguồn lượng nước chảy nhỏ, yếu. Một khe nước nhỏ nhưng phải có tới 5-7 ống, máng dẫn nước của các hộ dân lắp để dẫn nước về nhà, nước đục ngầu nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác. Cũng theo chia sẻ của người dân, đang là mùa mưa, có thể hứng nước mưa để dùng chứ vào mùa khô thì phải tiết kiệm từng chút một may ra mới đủ gia đình sinh hoạt.

Theo chân cán bộ xã chúng tôi tới thăm gia đình anh Lý Văn Đinh ở bản Nậm Mạ khi anh và vợ đang sửa lại vòi nước ở bể chứa nước của gia đình. Anh Đinh chia sẻ: “Từ năm 2018 đường nước bị xuống cấp, tôi và các hộ dân trong bản phải đầu tư gần 10 triệu đồng mua ống dẫn nước lắp từ mó nước cách nhà hơn 3km về dùng. Vào những tháng 11 và 12 thì nước cạn. Vất vả hơn là do đường ống dài và bắt ngang qua đường giao thông và mỗi mùa mưa đất đá hay sạt lở, mưa lũ làm đường ống hỏng, phải dầm mưa đi sửa ống mà nước dẫn về các gia đình chia nhau sử dụng phải tiết kiệm lắm mới tạm đủ. Tốn kém, vất vả đi dẫn nước về tuy nhiên nguồn nước lại không được ổn định”.

Với những hộ gia đình khá giả thì việc đầu tư ống dẫn nước có chút dễ dàng còn đối với những hộ khó khăn hơn thì bỏ ra số tiền vài triệu đồng thậm chí chục triệu đồng mà họ tích luỹ cả năm làm lụng vất vả mới có được để mua đường ống dẫn nước về dùng là vấn đề lớn. Vì vậy, nhiều hộ phải góp tiền mua và sử dụng chung nguồn nước dẫn về nhưng điều đáng nói ở đây là lượng nước kéo từ mó cũng không đủ đáp ứng được sinh hoạt. Có những nhóm hộ dân phải chia theo giờ để lấy nước vì lượng nước ít, người sử dụng lại quá đông. Hay có những thời điểm các hộ trong bản phải đi cách nhà hơn chục cây số để chở từng can nước về dùng.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Nậm Mạ tới nay đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Trong khi chờ các cấp, ngành đầu tư, sửa chữa, xã vận động người dân tự đầu tư đường nước nhằm đảm bảo sinh hoạt, nhất là xây dựng hệ thống tích trữ nước trong những tháng mùa khô. Xã cũng thường xuyên chỉ đạo cán bộ xã, trưởng bản xuống kiểm tra thực tế và vận động bà con giữ gìn những đoạn ống dẫn nước không bị hỏng. Mong rằng, thời gian tới UBND tỉnh, huyện Sìn Hồ sớm quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo nguồn nước và đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của bà con.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...