Thứ tư, 24/04/2024, 11:57 [GMT+7]

Nậm Vản chờ điện

Thứ hai, 07/11/2022 - 10:24'
Sớm có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; có điều kiện tiếp cận thông tin, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; học hỏi được kinh nghiệm của Nhân dân các vùng miền qua các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là mong chờ của 49 hộ dân ở bản Nậm Vản (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) từ nhiều năm nay.

Nằm cách trung tâm xã Nậm Ban hơn 20km, bản Nậm Vản là nơi sinh sống của 49 hộ dân với 256 nhân khẩu (100% dân tộc Mông). Năm 2017, thực hiện chủ trương sắp xếp ổn định dân cư, 2 nhóm dân cư của bản Nậm Vản chuyển về sinh sống tập trung tại mặt bằng mới, được đầu tư các hạng mục công trình như: đường giao thông, nước sinh hoạt… để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư lưới điện nên cuộc sống của bà con gặp không ít khó khăn.
Anh Giàng A Di - Trưởng bản Nậm Vản cho biết: “Không có điện nên tất cả các hoạt động từ hội, họp đến các chương trình văn hóa, văn nghệ… đều phải tổ chức ban ngày. Nhiều hộ trong bản có điều kiện muốn mua tivi, tủ lạnh nhưng cũng phải thôi vì không có điện để sử dụng. Vấn đề này đã được bà con ý kiến, kiến nghị trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri của xã, huyện tổ chức”.

Để có điện sử dụng, người dân bản Nậm Vản (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) phải mua máy phát điện chạy bằng sức nước.

Để có điện sử dụng, người dân bản Nậm Vản (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) phải mua máy phát điện chạy bằng sức nước.

Để có điện sử dụng, các hộ có kinh tế khá tự đầu tư mua máy phát điện, máy nổ phục nhu cầu; nhưng hộ khó khăn phải góp từ 5-7 nhà để mua máy phát và đường dây kéo điện về dùng. Do máy phát điện chạy bằng sức nước, có công suất nhỏ nên lượng điện chỉ đủ thắp sáng. Cùng với đó, việc thường xuyên bị hỏng do phơi mưa nắng ngoài trời và chịu tác động của mưa lũ là điều khó tránh. Gần như năm nào bà con cũng phải sửa chữa hoặc mua máy mới.
Không chỉ bà con trong bản gặp khó do không có điện, các thầy, cô giáo dạy học tại điểm trường Nậm Vản còn khó khăn bội phần. Cùng với việc chuẩn bị giáo án, công việc bắt buộc phải làm trong tuần dạy học tại điểm trường của thầy giáo Lò Văn Đặng (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban) là sạc đầy bình ắc quy tích điện. Tuy nhiên, với công suất của bình quá nhỏ nên việc thắp sáng thường ưu tiên cho việc soạn giáo án.
Thầy Đặng chia sẻ: “Mấy năm trước, điểm trường cũng được các nhà hảo tâm tặng 1 bộ đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng, nhưng quá trình sử dụng đã bị hỏng nên giờ phải mua thêm bình ắc quy tích điện, nhưng phải dùng tiết kiệm nhất để hết tuần mới về trung tâm xã sạc điện”.
Ông Chào Anh Tuyên - Chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã chỉ còn bản Nậm Vản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Xã cũng luôn quan tâm, kiến nghị lên cấp trên để kéo điện về cho người dân và đã có chủ trương đưa điện về Nậm Vản trong năm 2023. Đơn vị điện lực đã vào khảo sát, nhưng do tuyến đường dây dài, vốn đầu tư lớn và các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi diện tích rừng để thi công nên việc kéo điện vẫn chưa được triển khai”.
Có điện lưới quốc gia, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng những cách làm hay trong phát triển kinh tế, gương điển hình chăn nuôi, sản xuất giỏi sẽ được thông tin thường xuyên đến bà con; đó là cơ sở để người dân vùng cao từng bước xóa nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển đời sống. Hi vọng rằng, việc cấp điện lưới quốc gia cho bản Nậm Vản sẽ sớm được thực hiện.

Lò Dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...