Chủ nhật, 05/05/2024, 03:46 [GMT+7]

Ngăn chặn bệnh liên cầu khuẩn lợn

Thứ tư, 11/10/2023 - 11:18'
(BLC) - Từ tháng 8 tới nay, trên địa bàn huyện Phong Thổ đã ghi nhận 2 ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người, nghiêm trọng nhất một ca đã tử vong. Hiện, huyện đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh gia tăng, bùng phát trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết, ngày 8/8 Phòng khám Đa khoa khu vực Mường So (xã Mường So) tiếp nhận bệnh nhân S.V.L (62 tuổi, ở bản Vàng Bâu, xã Mường So). Ban đầu bệnh nhân có các biểu hiện như: mệt mỏi, nôn, sốt, đi ngoài, hôn mê. Sau khi hỏi, bà L.T.C - vợ bệnh nhân Luật cho biết, ngày 3/8 nhà chị gái ông L có con lợn khoảng 12kg ốm chết, chị gái gọi ông L đến lấy về mổ và ăn cùng với 4 người khác trong gia đình. Đến ngày 7/8, ông L thấy người mệt mỏi, chóng mặt, sốt kèm đi ngoài, ăn uống kém.

Đến khoảng 14 giờ ngày 8/8, người nhà đưa ông L vào Phòng khám Đa khoa khu vực Mường So và bệnh nhân được chuyển ra Trung tâm Y tế huyện. Khi tiếp nhận Trung tâm thực hiện khám và xác định các dấu hiệu sinh tồn, nghi bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người. Cùng ngày Trung tâm đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm và điều trị. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định ông L bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người và sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ông L đã tử vong.

a

Lãnh đạo xã, Đoàn Thanh niên, Công an xã Mường So tuyên truyền các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mường So về các loại dịch bệnh ở lợn; vận động các tiểu thương không mua, bán lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Bà L.T.C chia sẻ: Chỉ vì nhận thức hạn chế và tiếc của nên khi lợn chết gia đình tôi vẫn mổ lợn ăn mà không đem tiêu hủy để rồi phải nhận cái giá quá đắt là tính mạng của chồng tôi. Sau sự việc thương tâm của chồng tôi, tôi mong mọi người đừng vì ham rẻ hoặc tiếc của mà ăn hoặc bán thịt lợn, gia súc chết không rõ nguyên nhân và mắc bệnh, nghi mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe.

Trường hợp thứ 2 là  anh L.A.D ở bản Huổi Luông 2 (xã Huổi Luông). Ngày 11/9, anh D được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện với các biểu hiện như: lạnh đầu chi, đau đầu, rối loạn ngôn ngữ. Sau đó, Trung tâm đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua khám, xét nghiệm anh D được chẩn đoán là nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Để làm rõ nguyên nhân mắc bệnh, ngày 19/9, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND xã Huổi Luông đã thành lập tổ kiểm tra tại gia đình anh L.A.D.

Qua lời kể của gia đình, ngày 27/8, gia đình có một con lợn bị chết nhưng lúc đó anh D không có nhà nên con trai và cháu đã mang con lợn đó ra lán cách nhà hơn 1km để mổ và mang thịt về. Sau khi đi công chuyện về anh D đã chế biến thịt con lợn chết đó ăn. Đến ngày 30/8, anh D có biểu hiện sốt cao, đau nhức người gia đình đã đưa xuống Trung tâm Y tế và được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngay trong ngày. Tại đây anh D được lấy mẫu và chuyển về Khoa Vi khuẩn (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) để xét nghiệm và kết quả dương tính với bệnh liên cầu khuẩn lợn.

s

Cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Xe tuyên truyền sự nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người cho người dân trên địa bàn.

Sau hơn 10 ngày điều trị, hiện sức khỏe của anh D đã ổn định và được xuất viện. Bác sỹ Nguyễn Viết Thuyên - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn lây truyền từ động vật sang người. Nguồn lây nhiễm chính chủ yếu là từ lợn mắc bệnh, bệnh có thể lây truyền trực tiếp thông qua việc ăn thịt lợn, các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân hồi phục thì bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề khác.

Sau khi tiếp nhận 2 ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Mường So tiêu hủy số thịt lợn mắc bệnh còn lại của con lợn mà ông L đã ăn theo quy trình; điều tra tại các hộ gia đình có bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, hướng dẫn khử khuẩn, lau rửa dụng cụ và đồ dùng trong gia đình. Phối hợp giám sát chặt chẽ các trường hợp cùng ăn thịt lợn bữa hôm đó với các bệnh nhân.

Để phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người, ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không giết mổ, ăn thịt lợn ốm chết, không ăn tiết canh. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh và tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và chủ động tiêm vắcxin cho gia súc, gia cầm, không tự ý vận chuyển, giết mổ lợn, gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thông qua hệ thống loa truyền thanh và trực tiếp xuống địa bàn để tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu và tính chất của bệnh liên cầu khuẩn lợn. Vận động người dân khi phát hiện lợn, gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh kịp thời báo cáo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương để xử lý theo quy định tránh để phát sinh thành dịch.

Bác sỹ Thuyên cho biết thêm: "Để phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm sang người, Trung tâm đã chủ động chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát, xử lý ổ dịch và điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi tái phát dẫn đến tình trạng lợn chết hàng loạt tại một số địa phương trên địa bàn như hiện nay, Trung tâm khuyến cáo người dân cần ý thức và chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và các ngành trong việc phòng, chống dịch bệnh tránh để nhiễm các bệnh từ lợn, gia súc sang người. Qua đó, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình, cộng đồng”. 

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...