Ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ em gái
Bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn - Phó trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Bé gái được xem là dậy thì sớm nếu có sự xuất hiện của những đặc tính sinh dục trước 8 tuổi. Từ khi xuất hiện các triệu chứng dậy thì cho đến khi các đặc tính sinh dục thứ phát, hiện diện đầy đủ là từ 10 - 11 tuổi. Phần lớn dậy thì sớm ở bé gái đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Đôi khi là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Có 2 nhóm dậy thì sớm. Đó là dậy thì sớm trung ương, do nồng độ tuyến yên tăng cao dẫn đến sự bài tiết quá mức hoóc môn sinh dục hay gặp đó là u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp. Dậy thì sớm ngoại vi, do chính bản thân các hoóc môn sinh dục tăng cao, tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, chẳng hạn như các loại mỹ phẩm hoặc thuốc mỡ.
Trẻ em gái dậy thì sớm gây ra nhiều hệ lụy như ảnh hưởng về tâm lý, khiến bé ngại ngùng, xấu hổ, tự ti sợ bạn bè trêu chọc. Hơn nữa sự phát triển cơ thể quá sớm sẽ hạn chế chiều cao, khơi gợi sự tò mò, ham muốn về tình dục. Trẻ còn nhỏ, chưa đủ chín chắn, hiểu biết về cuộc sống dễ nảy sinh tình cảm yêu đương sớm, bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng. Hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Chu kỳ kinh nguyệt sớm trước 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành hội chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang gây hiếm muộn rất khó chữa trị. Bé gái dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý bên trong cơ thể nhưng cũng có thể là do ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Những trẻ em gái bị béo phì, ăn nhiều đồ chiên, đồ ăn nhanh, uống sữa bò, sữa đậu nành hoặc xem hình ảnh, hành vi vượt quá tâm lý lứa tuổi từ sớm là những đối tượng có nguy cơ dậy thì sớm.
Em T.T.B ở bản Tô Y Phìn (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ) được bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn cách phòng, tránh dậy thì sớm.
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số trường hợp trẻ em gái tại tỉnh ta dậy thì sớm, nhưng theo bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn thì từ nhiều năm nay đã có những trường hợp được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thậm chí có bé gái mới chỉ 5 tuổi.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện với em T.T.B ở bản Tô Y Phìn, xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) đang điều trị u nang buồng trứng. B. có dấu hiệu dậy thì từ năm 8 tuổi và năm nay em đang học lớp 8. Điều đáng tiếc là do nhận thức chưa đầy đủ về giới tính, không được bố mẹ quan tâm sát sao, em đã quan hệ với bạn trai từ năm học lớp 7. Đôi mắt rớm lệ, T.T.B nói: Cách đây 3 tháng em thường xuyên đau bụng, bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sỹ chẩn đoán em bị u nang buồng trứng và chỉ định nhập viện điều trị. Được các bác sỹ tư vấn, giải thích, em rất hối hận về những việc mình làm trước đó.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa dậy thì sớm ở bé gái, các bậc phụ huynh nên xây dựng chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với độ tuổi. Lựa chọn thực phẩm an toàn có nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế các món ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đóng hộp, thức ăn nhiều đường, dầu mỡ, thực phẩm chứa hoóc môn tăng trưởng như sữa bò. Hạn chế sử dụng các các loại mỹ phẩm, thuốc có thành phần chứa hoóc môn sinh dục. Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, trau dồi kỹ năng sống.
Trong trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm ở bé gái, cha mẹ nên đưa con đi khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm theo y khoa để xác định các bệnh lý tiềm ẩn. Thường những trẻ dậy thì sớm dễ thay đổi tâm trạng, khó quản lý, dễ bỏ nhà đi, do đó phụ huynh nên khuyên nhủ động viên và thường xuyên liên lạc với giáo viên để theo dõi sát việc học của con.
Hiện, trẻ dậy thì sớm mới có giải pháp phòng ngừa chứ không điều trị được mà phải dùng biện pháp tâm lý, vì vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các gia đình nên quan tâm đến sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của con trẻ.
Hoài Thương
Bình luận