Thứ sáu, 26/04/2024, 05:27 [GMT+7]

Nguy hại từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật

Thứ năm, 19/11/2020 - 16:02'
(BLC) - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, phần lớn người dân sau khi sử dụng thì bao bì, vỏ chai được vứt ngay tại đồng ruộng, nương chè. Trong khi đó, khâu xử lý, thu gom gặp nhiều khó khăn, hầu hết các địa phương chỉ mới xứ lý bằng cách đốt, chôn lấp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, môi trường, nguồn nước ở khu vực nông thôn.

 “Tiện đâu, vứt đấy”

Có mặt tại các đồi chè bản Lò Suối Tủng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu), chúng tôi gặp một số hộ đang phun thuốc BVTV cho cây chè. Ông Vũ Xuân Luyện đang đổ gói thuốc trừ sâu vào bình và ngay dưới chân ông khá nhiều vỏ bao bì còn mới. Ông Luyện chia sẻ: “Gia đình có 4.000m2 chè shan, thời điểm này sâu bệnh ít nên chỉ phun 1 lần thuốc BVTV/đợt nhưng mùa mưa sâu bệnh nhiều hơn phải phun 2-3 lần/đợt chủ yếu trị rầy, nhện đỏ. Mỗi lần phun hết 5 bình, mỗi bình 2 gói thuốc BVTV. Vỏ thuốc mới là tôi vừa vứt xuống định phun xong thì thu gom lại một chỗ ở góc đồi chè đến khi đầy mang đốt, còn những vỏ, chai thuốc bạc màu quanh đây nhiều đếm không xuể, đa số bà con phun thuốc cho cây chè xong thì tiện đâu, vứt đấy”.

Theo chỉ dẫn của ông Luyện, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy vô số các loại chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV đã qua sử dụng không được thu gom tiêu hủy lại bỏ bừa bãi ngay tại nương chè. Những bể chứa nước để tưới cây hoặc pha thuốc vô hình chung biến thành nơi chứa vỏ, chai thuốc BVTV.

Mặc dù vụ lúa mùa đã thu hoạch xong, tuy nhiên tại một số cánh đồng thuộc xã Mường Than, Phúc Than của huyện Than Uyên tình trạng vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi dọc theo kênh mương, bờ ruộng. Tuyến đường nội đồng nối từ quốc lộ 32 đến bản Én Nọi (xã Mường Than) theo quan sát của phóng viên bên cạnh kênh nước hay ở đầu bờ ruộng có nhiều vỏ bao bì, chai thuốc sinh học còn sót lại sau mỗi vụ canh tác. Mặc dù dọc tuyến đường này được đặt các cống bêtông có nắp đậy để chứa vỏ bao bì thuốc BVTV nhưng người dân sử dụng xong không đưa vào. Một số vỏ cũ, bạc màu, nhiều vỏ còn mới lẫn trong rơm, cỏ, đất; có vỏ nằm dưới kênh dẫn nước điều này rất nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của huyện Than Uyên thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là khuyến cáo bỏ rác thải thuốc BVTV đúng nơi quy định. Do thói quen, một số bà con sau khi sử dụng tiện tay quăng luôn ra kênh mương, đầu bờ ruộng. Vào thời kỳ lúa phát triển, sâu bệnh hoành hành, bà con lại đi mua thuốc về phun phòng trừ kéo theo đó rác thải độc hại này có mặt ngay tại cánh đồng. Điều nguy hiểm là mắt thường không thể thấy được là số thuốc còn sót lại trong vỏ bao bì này chảy ra, ngấm vào đất, theo dòng nước với hàm lượng độc tố cao sẽ rất nguy hiểm cho môi trường sống.

Bất cập trong xử lý

Toàn tỉnh có khoảng 522.524ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm nhu cầu sử dụng thuốc BVTV rất lớn, trung bình lượng thuốc sử dụng trong sản xuất nông nghiệp khoảng 700 tấn/năm, chủ yếu thuốc trừ cỏ, phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng như: lúa, chè, rau… Tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc BVTV sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh, trong khi đó phần lớn các bao, gói thuốc BVTV có dạng chai, lọ nhựa khó phân hủy.

Tại xã Bản Bo (huyện Tam Đường) - nơi có diện tích đất chè hơn 800ha. Để quản lý, xử lý vỏ thuốc BVTV, xã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường hỗ trợ xây các bể chứa đựng bao bì, vỏ thuốc ở các nương chè. Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con sau khi sử dụng bỏ vỏ thuốc vào đúng bể; một số bản chưa được đầu tư bể chứa xã khuyến cáo bà con tận dụng các thùng phuy, thùng nhựa đặt tại đồi chè làm bể chứa tạm. Đối với 471ha lúa vào thời kỳ phun thuốc phòng trị bệnh, xã phân công cán bộ đến từng bản tuyên truyền bà con sau khi sử dụng thuốc thu gom chôn lấp đúng quy định, còn vỏ bao bì, túi bóng xử lý bằng cách đốt tại các lò đốt rác.

 Sau khi sử dụng thuốc vỏ bao bì thuốc BVTV được người dân bỏ lại trên các đồi chè (ảnh chụp ngày 18/11 tại đồi chè bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu).

 Sau khi sử dụng, vỏ bao bì thuốc BVTV được người dân bỏ lại trên các đồi chè (Ảnh chụp ngày 18/11 tại đồi chè bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu).

Bà Trần Thị Thúy - Trưởng Phòng Nông nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường chia sẻ: “Để hạn chế tình trạng bà con vứt vỏ thuốc BVTV trên các đồi chè, từ năm 2015 đến nay, Công ty phối hợp với xã Bản Bo xây dựng 30 bể thu gom bao gói BVTV. Sau khi sử dụng, bà con tự giác thu gom rồi bỏ vỏ, chai thuốc vào bể. Sau mỗi một năm, hố, bể chứa đầy nhưng hiện Công ty gặp khó khăn trong khâu xử lý vì trên địa bàn tỉnh chưa có khu vực lưu chứa vỏ, bao thuốc BVTV. Hiện, không biết phải xử lý rác thải ở các bể này như nào cho đúng quy định”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn thành phố Lai Châu chưa có bể chứa vỏ bao thuốc BVTV mặc dù thành phố có diện tích trồng hoa, chè, cây màu, cây ăn quả lớn của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuế - Trưởng bản Lò Suối Tùng (xã San Thàng) lo lắng: “Bản có 50ha chè với 90 hộ trồng chè nên lượng thuốc BVTV được sử dụng nhiều. Chúng tôi tuyên truyền bà con không nên lạm dụng thuốc, nếu có thì khi phun xong phải cho vỏ vào túi bóng mang về vứt vào thùng rác để xe chở rác đến thu gom nhưng nhắc xong rồi đâu vào đó, bà con vẫn vứt tùy tiện. Với lượng bao vỏ nhiều, cuối năm một số hộ lại thu gom rồi xử lý bằng cách đốt. Dù biết đây là chất thải nguy hiểm, đốt chung với các loại rác thông thường sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu không đốt để như vậy càng ảnh hưởng đến môi trường”.

Hồi chuông cảnh báo

Để hạn chế rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vỏ thuốc BVTV qua sử dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến cây trồng nông lâm nghiệp về việc thu gom, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 216 bể, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè đầu tư 80 bể; huyện Than Uyên, Tam Đường lồng ghép với xây dựng nông thôn mới đầu tư 136 bể thu gom. Tổng số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom đang chứa tại các bể đến nay khoảng 2.000kg. Với số bể như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thu gom, còn đa số bao bì thuốc qua sử dụng vẫn “xả” ra môi trường.

Anh Nguyễn Đức Duyên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thẳng thắn thừa nhận: “Hiện nay, các địa phương chỉ dừng lại ở việc thu gom, khâu vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thực hiện và còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều bể chứa đã đầy chưa được vận chuyển, xử lý, một số địa phương nông dân tiêu hủy bằng hình thức đốt vỏ bao thuốc BVTV tại các bể chứa không đảm bảo theo quy đinh. Các địa phương cũng gặp khó trong việc bố trí kinh phí để xây dựng bể chứa tập trung. Chưa có mô hình, quản lý, thu gom vận chuyển cũng như điểm tập kết xử lý riêng và công nghệ xử lý phù hợp”.

Hiện nay, 100% địa phương vẫn chưa xây dựng nhà lưu chứa bao gói thuốc BVTV; chưa có đơn vị có năng lực xử lý mà được cấp phép hoạt động, điều này gây khó khăn trong thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV ở cơ sở. Do đó, vấn đề ô nhiêm môi trường từ vỏ thuốc BVTV đang trở nên cấp thiết, là hồi chuông cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi theo Thông tư liên tịch số 05 ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyênvà Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành trên địa bàn.

Thiết nghĩ, ngoài việc các cấp, ngành, địa phương vào cuộc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức của nông dân trong sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách). Cân đối bố trí kinh phí xây bể chứa, khu vực lưu chứa và thực hiện hợp đồng xử lý bao gói thuốc BVTV. Thường xuyên kiểm tra việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn các địa phương vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV, tham mưu cho tỉnh bố trí kinh phí xử lý. Có như vậy mới giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc BVTV.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...