Nhiều đường liên bản, nội bản xuống cấp
Chúng tôi trở lại xã Pa Vây Sử vào ngày trung tuần tháng 7. Cùng lãnh đạo xã, chúng tôi ghé thăm một số hộ phát triển kinh tế ở bản Pờ Xa. Đoạn đường có gần 1km, đi bằng xe máy thế nhưng phải mất khoảng 15 phút để vượt qua cung đường nhỏ, ngoằn ngoèo dốc cao, bề mặt đường lởm chởm toàn đá nhô lên. Có những cua gấp, tưởng chừng như ngã đến nơi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là một trong những con ngõ của bản Pờ Xa được đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019 với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, Nhà nước đầu tư cát, đá, xi-măng; người dân hiến đất, góp công để làm. Qua thời gian, những trận mưa xối xả kéo dài khiến cho đường ngõ trở nên bong tróc, hư hỏng dần.
Anh Xẩy A Tủa, người dân bản Pờ Xa tâm sự: Trước có đường bê-tông mới, bà con vui lắm! Đi chở thóc, ngô dễ dàng, đỡ mất sức gùi từng bao về. Việc đưa con đi học rồi đón về cũng thuận lợi hơn. Bây giờ, đường xuống cấp, nhất là những hôm mưa, đường trơn trượt, dễ ngã. Chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, giúp bà con sửa lại đường đi cho đỡ vất vả.
Pa Vây Sử là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Xã có 6 bản, 469 hộ dân. Nơi đây đất ở và đất sản xuất ít. Do đó, người dân sinh sống thành những nhóm nhỏ, men then các sườn đồi và dọc 2 bên đường trục chính liên xã. Đường đến các nhóm hộ chủ yếu là đường nhỏ. Đồng chí Mùa A Hồ - Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho hay: Những năm qua, xã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đến các bản. Tạo động lực để nhân dân thi đua lao động sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù điều kiện ở miền núi, thường mưa nhiều, rồi có cả mưa đá, giông lốc, khiến đường nhanh xuống cấp. Hầu hết các đường ngõ tại 6 bản trên địa bàn đã xuống cấp.
Rời Pa Vây Sử, đến với các xã: Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Tung Qua Lìn, Dào San… chúng tôi được trải nghiệm đi trên những con đường nội bản dốc cao, uốn lượn. Có những đoạn, mặt đường nứt toác, sụt xuống; có chỗ toàn đất lầy lội mỗi khi mưa xuống vì đường bị rửa trôi lớp xi-măng, đá. Ở nhiều bản, trong các ngõ, đất, đá từ các khe suối, đỉnh núi trôi xuống sau những cơn mưa khiến việc đi lại của bà con gặp khó khăn.
Đường nội bản Pờ Xa (xã Pa Vây Sử) xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là khi trời mưa.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, toàn huyện có 17 xã, thị trấn với 103 tuyến đường đến bản, liên thôn, liên bản, tổng chiều dài gần 350km; 199 tuyến đường ngõ xóm, nội bản với hơn 238km. Các tuyến đường liên bản, nội bản, ngõ xóm được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2015 trở về đây; còn lại một số ít tuyến đường được đầu tư trước đó. Tổng nguồn vốn đầu tư các tuyến đường này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đến thời điểm này, toàn huyện có 45 tuyến đường đến bản, liên bản xuống cấp với tình trạng kết cấu đường xấu và rất xấu, tổng chiều dài trên 145km; 118 tuyến đường nội bản, ngõ xóm xuống cấp nghiêm trọng với chiều dài hơn 83km.
Được biết, hầu hết các tuyến đường nội bản, liên bản sau đầu tư được bàn giao cho các xã, thị trấn quản lý; duy tu bảo dưỡng hàng năm. Tuy vậy, hiện nay nguồn lực cho các xã để thực hiện việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng biên giới. Đồng chí Giàng A Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn cho biết: Nguồn vốn phân bổ từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho việc sửa chữa nâng cấp đường giao thông nội bản không nhiều. Trong khi đó cần nguồn lực lớn. Xã cũng tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia đóng góp. Thế nhưng, đời sống của các hộ vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 60-70% số hộ toàn xã, huy động bà con góp công thì dễ nhưng góp tiền thì khó.
Giao thông được coi là huyết mạch của sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hy vọng rằng, bằng nhiều giải pháp, chính quyền các cấp sẽ quan tâm thực hiện mong muốn cấp thiết của nhân dân về các công trình giao thông. Bên cạnh đó, bà con cũng cần nỗ lực, cố gắng, chung tay, góp sức, góp của với chính quyền địa phương sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, quản lý hiệu quả công trình sau đầu tư.
Đông - Duy
Bình luận