Thứ năm, 02/05/2024, 11:26 [GMT+7]

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Khó thực hiện

Thứ bảy, 02/09/2023 - 08:18'
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn góp phần giảm chi phí xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải, bảo vệ môi trường. Nhưng để làm được việc này theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Lai Châu đang gặp khó.

Chậm nhất đến cuối năm 2024 phải thực hiện phân loại
Người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở trung tâm tỉnh, các huyện, thành phố giờ đây đã quan tâm hơn tới bảo vệ môi trường sống. Cũng như các hộ trong xóm, cứ cuối giờ chiều hàng ngày, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) lại mang túi rác thải sinh hoạt của gia đình ra tập kết ở phía đầu ngõ. Bà Nguyệt tâm sự: Chúng tôi chưa biết phân loại rác, vẫn duy trì thói quen bao năm nay là bỏ chung chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm... vào cùng một túi và đổ tại địa điểm theo quy định để nhân viên môi trường đến thu gom.
Theo quan sát của phóng viên, ở hầu hết các địa phương, ngay cả trung tâm tỉnh lỵ, việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn (phân loại chất thải ngay tại hộ gia đình hoặc các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và việc phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao chưa được thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, chúng tôi được đồng chí Ngô Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Hiện nay, không thể thực hiện ngay lập tức việc phân loại CTRSH tại nguồn mà cần phải có lộ trình để triển khai. Chính vì vậy, tại khoản 7, Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường và tại điểm e, khoản 1, Điều 9, Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Lai Châu đã quy định rõ lộ trình: chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Thậm chí, để thực hiện đảm bảo lộ trình như trên là điều hết sức khó khăn, nhất là đối với tỉnh Lai Châu.

Hầu hết các gia đình trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.

Nhiều trở ngại
Tìm hiểu chúng tôi được biết, qua ý kiến của đại diện các tỉnh tại những hội nghị, hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên toàn quốc đang khó đảm bảo lộ trình theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, trước đây, một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng nhiều lần thực hiện mô hình phân loại CTRSH tại nguồn nhưng đều không thành công.
Thực tế cho thấy, hạ tầng về bảo vệ môi trường để phục vụ cho triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng đều rất hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu. Người dân trong tỉnh đa số chưa có kỹ năng và chưa quen với việc phân loại chất thải. Cùng với đó, hiện chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho phân loại CTRSH tại nguồn (như: bao bì chứa chất thải phục vụ cho việc xác định khối lượng hoặc thể tích để thu phí chất thải theo khối lượng hoặc thể tích, quy cách về màu sắc tương ứng với từng loại chất thải…).
Trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, chưa có quy định về mức thu phí đối với trường hợp thực hiện hoặc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, không thu phí theo khối lượng hoặc thể tích chất thải mà thu theo hộ gia đình hoặc tổ chức. Vì vậy, lượng rác thải phát sinh nhiều hay ít đều có mức phí như nhau, không khuyến khích được việc phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải để giảm thiểu khối lượng rác thải ra, giảm thiểu mức chi phí phải trả đối với lượng rác thải ra cần phải mang đi vận chuyển để xử lý. Vô hình chung không hình thành được thói quen phân loại rác thải tại nguồn của mỗi gia đình. Để thay đổi thói quen duy trì suốt bao năm qua, đòi hỏi phải có thời gian và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành, địa phương và ý thức tự giác chung tay thực hiện của mỗi người.
Cần đầu tư cơ sở hạ tầng và hình thành thói quen từ mỗi gia đình
Để thực hiện được việc phân loại CTRSH tại nguồn, cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý chất thải từ các dụng cụ lưu chứa chất thải tại các hộ gia đình, tổ chức; trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải; quy hoạch, bố trí các khu vực xử lý chất thải theo từng loại sau khi được phân loại. Tương ứng với mỗi loại chất thải cần có biện pháp lưu giữ, xử lý phù hợp (chất thải hữu cơ thì xử lý thành phân bón, chất thải có khả năng tái chế thì lưu giữ và tái chế, chất thải có thể đốt thì xử lý bằng phương pháp đốt, chất thải khác thì chôn lấp…).
Song song với đó, sớm triển khai hướng dẫn, tuyên truyền để người dân có kỹ năng và dần hình thành thói quen thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Tính phí thu gom chất thải tương ứng với các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, khối lượng hoặc thể tích chất thải phải thu gom và mang đi xử lý tập trung (nếu không thực hiện phân loại chất thải, lượng chất thải phát sinh nhiều thì mức phí phải nộp sẽ cao hơn…). Đặc biệt, phải có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại CTRSH tại nguồn. Kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích đối với các cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện thành công phân loại CTRSH tại nguồn và nhân rộng các mô hình hiệu quả - đồng chí Ngô Xuân Hùng nhấn mạnh.
Với đặc thù tỉnh miền núi nghèo, hiện trạng hạ tầng về môi trường và trình độ dân trí còn hạn chế, để việc phân loại CTRSH tại nguồn trở thành thói quen thường ngày của mỗi gia đình, góp phần hình thành “nếp sống xanh” trong cộng đồng cần hơn nữa sự quan tâm của tỉnh, các ngành, địa phương và nhân dân.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 26, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định”. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (25/8/2022) cho đến trước khi các địa phương có kế hoạch cụ thể triển khai lộ trình thực hiện phân loại rác tại nguồn (chậm nhất trước ngày 31/12/2024), trên địa bàn tỉnh sẽ chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), được đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu về Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm So - Lò Văn Đôi tuy tuổi...