Thứ sáu, 26/04/2024, 00:42 [GMT+7]

Sớm khắc phục tình trạng ngập úng ở bản Mường

Thứ hai, 21/06/2021 - 14:16'
Mang theo nỗi lo suốt bao năm nay vì mỗi khi mùa mưa đến nước lại ngập tràn vào các hộ dân hai bên đường dọc quốc lộ 32 đoạn thuộc bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên), ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Thực trạng này đã được các cấp, ngành địa phương biết, nhưng vẫn chưa được giải quyết?

Theo như lời của ông Phan Văn Đói đã sinh sống ở đây từ những năm của thập kỷ 70 (thế kỷ trước) hầu như năm nào cũng vậy khu vực này đều phải đối mặt với ngập lụt từ 2-3 lần. Các đợt ngập lụt chủ yếu xảy ra vào mùa mưa, thời điểm tháng 5, 6 hoặc có khi chỉ là một cơn mưa to kéo dài vài tiếng đồng hồ là nước đã tràn lên toàn bộ mặt đường quốc lộ 32 rồi. Khi mưa lớn, ước tính mực nước dâng so với mặt đường có thể lên cao tới 40cm, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, thiệt hại về cây trồng, vật nuôi của các hộ dân sinh sống tại khu vực này. Việc lưu thông của các phương tiện đi qua đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đoạn đường thường xuyên xảy ra ngập lụt ở bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên).

Ông Đói chia sẻ: “Mỗi khi nước ngập chúng tôi chỉ ở trên nhà sàn, bởi ống thoát nước nhỏ, nên khi mưa nước ở 2 bên đổ về chỗ trũng là khu vực nhà tôi, làm ngập cục bộ. Mỗi lần mưa đến, cả nhà sống trong lo âu. Tôi mong muốn Nhà nước làm cống thoát nước to hơn để nước chảy, không ngập lụt nữa!”.

Theo quan sát của phóng viên, để vào tới nhà ông Đói và một số hộ dân ở bản Mường là đoạn đường nhỏ cạnh tuyến đường quốc lộ 32, bên đường là mương nước, cống thoát nước nhỏ và cánh đồng của bà con. Ông Phan Văn Minh - Trưởng bản Mường cho biết: “Khi mưa lớn nước từ đường, khe nước và 2 cánh đồng chảy về con mương này, lượng nước lớn làm ngập cả quốc lộ 32 gây ảnh hưởng tới giao thông, hoa màu, vật nuôi của bà con, nặng nhất là nhà ông Đói. Tôi cũng không nhớ đã xảy ra từ lúc nào nhưng vài năm gần đây đã có hiện tượng này, trung bình mỗi năm, vào mùa mưa bị ngập 1-2 lần. Mỗi khi bị ngập nước, bản đã huy động đội phòng, chống lụt bão của bản hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục tình trạng nước ngập. Tôi đại diện cho người dân bản Mường nhiều lần tiếp xúc cử tri đã có ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước làm mương 2 bên quốc lộ 32 từ đầu xã Mường Than đến cầu Nậm Phang để có rãnh thoát nước tránh ngập”.

Ông Đói dẫn chúng tôi tới giếng nước sinh hoạt của gia đình. Để nguồn nước đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, ông đã xây dựng giếng kiên cố với thành giếng cao khoảng 40cm nhưng mỗi khi mưa to vẫn bị ngập, không có nước hợp vệ sinh sử dụng… Cũng theo ông Đói, có lần nước dâng cao thì những chiếc cột nhà sàn của ông cũng bị ngâm trong nước đến qua đầu gối...

Ông Mai Tiến Lực - Chủ tịch UBND xã Mường Than cho biết: “Đoạn ngập tại bản Mường trên quốc lộ 32 là do chưa có hệ thống cống thoát nước mà chỉ là rãnh do người dân tự tạo nên trong quá trình vận chuyển, xây dựng nhà ở, có thể bị tắc. Chính quyền xã cũng đã kiểm tra thực địa nhưng cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân vì dưới đoạn có 2 con suối nên xã đã khắc phục tạm thời bằng cách vận động bà con chủ động nạo vét rãnh nước”. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra đã lâu, thực sự là nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây mỗi khi mùa mưa đến.

Sau nhiều lần kiến nghị về tình trạng này, tại Báo cáo số 98 ngày 9/4/2021 của UBND tỉnh về giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh khóa XIV đã có trả lời: Sau khi có ý kiến của cử tri, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND xã Mường Than kiểm tra, rà soát hiện trường. Địa hình hai bên đường trước đây là ruộng lúa nước (dạng thùng đấu), tại km348+870/QL32 đặt cống D75, do quá trình đô thị hóa việc xây dựng nhà ở đã làm thu hẹp diện tích chứa nước ở phía thượng lưu, hạ lưu cống, dẫn đến thoát nước không kịp vào mùa mưa, nước ngập tràn ra các hộ dân 2 bên dọc quốc lộ 32. Bên cạnh đó, theo quan sát, tìm hiểu, đây là khu vực trũng khiến cho việc tiêu thoát nước ra bên ngoài khó khăn, thậm chí nước từ cánh đồng Mường Than có thể chảy vào phía trong. Kết hợp với tốc độ đô thị hóa, bêtông hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, làm tăng diện tích không thấm nước, khả năng điều tiết tại chỗ bị thu hẹp, trong khi hệ thống thoát nước hiện hữu không đáp ứng kịp, nên bị quá tải. Thêm vào đó, hệ thống các cống để thoát nước cũng chưa được xây dựng dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ mỗi khi mưa lớn, kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở kiến nghị của Nhân dân, huyện đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải rà soát, kiểm tra thực địa và tổng hợp chung các tuyến để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và xin chủ trương để khắc phục tình trạng ngập lụt này.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, sở, ngành có liên quan sớm có những phương án, hành động cụ thể nhằm khắc phục tình trạng ngập nước trên địa bàn là những tâm tư, nguyện vọng và nỗi lòng của người dân bản Mường. Để cuộc sống được cải thiện, nâng cao, không còn điệp khúc “đến hẹn… lại ngập” vào mỗi mùa mưa, ảnh hưởng tới đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...