Thứ bảy, 27/04/2024, 11:29 [GMT+7]

Tân Uyên vực dậy sau bão dịch Covid-19

Thứ sáu, 27/01/2023 - 14:39'
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua khiến cho nền kinh tế nhiều nơi rơi vào khó khăn. Không chùn bước trước gian nan thử thách đó, cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân huyện Tân Uyên đoàn kết một lòng, thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để vực dậy nền kinh tế.

Là huyện nông nghiệp, đặc biệt là nơi được biết đến có vùng chè nguyên liệu từ lâu đời và diện tích lớn nhất tỉnh đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chè của Tân Uyên sản xuất ra phụ thuộc rất lớn vào các thị trường tiêu thụ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như mất ổn định về tình hình chính trị tại một số nước đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho huyện Tân Uyên. Cụ thể là làm cho giá một số mặt hàng nông sản bán ra thị trường thấp, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp tăng lên gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.
Đến thời điểm này, ông Phạm Văn Lâm - một trong những thương nhân có thâm niên sản xuất và kinh doanh chè búp tươi trên địa bàn thị trấn Tân Uyên vẫn chưa hết thở dài khi nhắc đến tình hình tiêu thụ chè trong năm qua. Đi lên từ nghèo khó nhờ cây chè, sống nhờ chè và giàu lên cũng nhờ cây chè nên vào thời điểm dịch Covid-19 “đổ bộ“ vào địa bàn huyện, ông gần như bế tắc. Bởi với 13ha chè nguyên liệu cùng với gánh nặng trên vai là hàng trăm hecta chè của người dân ông chuyên thu mua và bán lại cho các công ty khác đang bị chững lại. Nguồn thu nhập của bao nhiêu gia đình từ những búp chè non lúc ấy dường như bị “khóa chặt“ vì các đối tác dừng thu mua hoặc thu mua với giá thấp.
Một năm đầy sóng gió đã khép lại, nhìn ra nương chè xa xa đang vào thời điểm ngủ đông, đợi xuân sang nảy mầm, ông Lâm so sánh: Bằng ngày này những năm chưa có dịch, tôi đã cầm chắc trong tay 1 tỷ đồng tiền thu về, nhưng năm nay cùng lắm cũng chỉ được khoảng 600 triệu đồng. Chị thấy đấy! Đâu chỉ có mỗi dịch bệnh hoành hành, còn do thiếu nguồn nhiên liệu, giá xăng, giá phân bón tăng cao, do chiến tranh giữa các nước trên thế giới... khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng trăm bề. Năm nay, tôi đầu tư 2 tỷ đồng thu mua chè búp tươi để bán lại cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn, nhưng đã thu về đủ số vốn đâu! Nói chung doanh nghiệp hay nông dân đều bị ảnh hưởng sâu sắc.

Nông nghiệp công nghệ cao được trồng trong nhà màng của Doanh nghiệp tư nhân Trọng Nghĩa tại huyện Tân Uyên.

Khó khăn là vậy song ông Lâm đã và đang xúc tiến khẩn trương các hồ sơ thủ tục về đất đai để xây dựng nhà xưởng, tiến tới đưa vào hoạt động nhà máy thu mua, chế biến chè thuộc Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên do ông làm chủ. Nhiều dự định đã được ông xây dựng và lên kế hoạch, bắt đầu ngay từ khi dịch vãn, các công việc sẵn sàng khi hoàn thiện thủ tục đất đai. Khi đó, chắc chắn người trồng chè khu vực thị trấn Tân Uyên sẽ ngày càng có thêm động lực để chăm chút cho sản phẩm chè địa phương được nâng cao giá trị.
Ông Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành; Huyện ủy, HĐND huyện bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Kết quả, huyện có 11/11 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2022”, gồm: Thu nhập bình quân đầu người; thu ngân sách trên địa bàn; xuất khẩu hàng địa phương; tỷ lệ đường liên bản, nội bản, nội thị được cứng hóa; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 1; duy trì, giữ vững tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0%; giải quyết việc làm mới cho lao động; tuyển công dân nhập ngũ; duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết các chỉ tiêu thành phần đạt và vượt, có thể kẻ đến như: Tổng sản lượng lương thực, trồng chè mới, sản lượng chè búp tươi; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc; sản lượng thịt hơi; quy mô nuôi cá lồng; trồng rừng mới, đặc biệt là trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, rừng phòng hộ, trồng quế; xây dựng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm OCOP; thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp.
Năm 2023 có thể là năm thuận lợi hơn đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung, của huyện nói riêng. Tuy nhiên còn đó những khó khăn, thách thức do tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường. Tình hình chính trị một số nước vẫn chưa ổn định; nguồn lực cho đầu tư phát triển ngày càng khó khăn; giá cả một số mặt hàng có thể còn tăng; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn phức tạp.
Trước tình hình đó, trong chỉ đạo phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn, ông Lê Thanh Huy khẳng định: UBND huyện xác định đẩy mạnh thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục khai thác hợp lý, hiệu quả các tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, nhất là chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp; huy động nguồn lực phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng thương mại, giao thông để phát triển kinh tế và liên kết vùng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Khép lại một năm đầy rủi ro và bất ổn đối với nền kinh tế, trong năm tới, đích đến vẫn là nâng cao đời sống cho người dân, huyện Tân Uyên sẽ cố gắng bằng mọi cách vượt chông gai, nắm bắt cơ hội, đạt kết quả với ý nghĩa tốt đẹp của một chính quyền “vì dân”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...