Thứ sáu, 26/04/2024, 18:46 [GMT+7]

Tìm "đường đi" cho rác thải

Thứ tư, 06/04/2022 - 07:58'
Xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế từ lâu trở thành nỗi nhức nhối tại nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn. Khó khăn trong công tác quy hoạch, thiếu công nghệ xử lý phù hợp... là những điểm nghẽn khiến cho vấn đề ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường.

Việc quá tải về xử lý rác thải đang trở thành nỗi nhức nhối của Hà Nội.

Nhiều dự án nhưng...vướng thủ tục

Theo quy hoạch, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải (tám khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và chín khu đầu tư mới). Vùng I bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì), các huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh) có năm khu xử lý chất thải rắn. Vùng II gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín) có sáu khu xử lý chất thải rắn. Vùng III gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất), thị xã Sơn Tây, có sáu khu xử lý chất thải rắn.

Tuy nhiên, nhiều dự án cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc đang thực hiện các thủ tục. Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Phú Xuyên chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; dự án Nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn thị xã Sơn Tây cũng chậm do vướng thủ tục; dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng... Do đó rác thải chủ yếu được dồn về hai khu xử lý là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), dẫn đến quá tải.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (Hội đồng nhân dân TP Hà Nội), riêng lượng rác thải hằng ngày chuyển tới Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã lên đến hơn 4.000 tấn/ngày, có khi 6.000 tấn/ngày. Thực tế, những năm qua liên tục xảy ra hiện tượng người dân ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) chặn xe rác, bởi việc vận chuyển, xử lý chưa bảo đảm, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Mỗi lần như vậy, rác trong khu vực nội thành lại bị ùn ứ, gây ô nhiễm trong nhiều ngày.

Đà Nẵng là thành phố du lịch, dù đã có nhiều biện pháp nhưng việc xử lý rác thải cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động từ năm 1992, bãi rác Khánh Sơn rộng 13,83 ha là khu xử lý rác thải duy nhất của TP Đà Nẵng, cũng là điểm nóng môi trường kéo dài nhiều năm qua. Nhiều lần người dân đã chặn xe chở rác, yêu cầu di dời bãi rác. Những năm qua, thành phố liên tục có những giải pháp tức thời, xây dựng thêm hộc rác để đáp ứng lượng chất thải rắn tăng thêm mỗi năm từ 8-10%. Theo các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2020-2025, lượng rác tăng lên 1.800 tấn/ngày và đến giai đoạn 2025-2030, tăng lên 2.400 tấn/ngày. Tháng 6/2021 thành phố đã đưa vào vận hành Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn và vận hành thử nghiệm Trạm Xử lý nước rỉ rác giai đoạn hai để bảo đảm thu gom, xử lý toàn bộ nước rỉ rác. Đối với dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được đề xuất từ năm 2017, đến năm 2020 phải áp dụng theo luật mới, dẫn đến sự chậm trễ so kế hoạch. Sau nhiều lần cam kết tiến độ, đến thời điểm này, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm... vẫn đang giải quyết các thủ tục.

Công nghệ lạc hậu và... đắp chiếu

Không chỉ chậm tiến độ, quy hoạch trên giấy, công nghệ xử lý rác thải cũng là vấn đề đáng bàn.Tìm hiểu tại tỉnh Vĩnh Long, dù có nhà máy xử lý rác đóng trên địa bàn xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, nhưng nhà máy này không thể hoạt động vì công nghệ lạc hậu và đã bị thu hồi, đắp chiếu. Rác thải ở Vĩnh Long vẫn đang được xử lý bằng cách... mang đi chôn. Chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác của Vĩnh Long là Công ty Phương Thảo. Thời điểm đưa vào hoạt động giai đoạn đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cho công trình với công suất thiết kế xử lý 300 tấn rác/ngày là hơn 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy chỉ hoạt động chín tháng rồi phải dừng vào cuối năm 2013 do nhiều nguyên nhân: các ngành chức năng của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường không chấp nhận nghiệm thu, do chưa đạt các thông số kỹ thuật, nên chưa cấp phép hoạt động và đề nghị bổ sung thiết bị kỹ thuật để tái kiểm định... Đến tháng 9/2016, nhà máy hoạt động trở lại, nhưng chuyển sang phương pháp đốt. Đoàn kiểm tra của tỉnh Vĩnh Long và Bộ Tài nguyên và Môi trường đến thực địa thì thấy rác không được xử lý hết, chất đống ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nên buộc nhà máy phải ngưng hoạt động, cho đến nay.

Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã bị đình chỉ do không thể hoạt động đúng tiêu chuẩn, thiết bị nằm phơi sương phơi nắng bị rỉ sét nhiều năm qua. Ảnh: BÁ DŨNG 

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý rác theo đúng quy chuẩn của trung ương giao, nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nào phù hợp...

Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long có bốn bãi chôn lấp với tổng diện tích 27 ha (theo quy hoạch 47 ha) rác phủ gần đầy. Mỗi năm lượng rác thải tăng trung bình từ 5-7%, chiếm diện tích khoảng hai ha, còn lại 20 ha theo quy hoạch nếu được triển khai thì cũng chỉ 10 năm nữa là hết chỗ chôn lấp.

Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, ông Ngô Thành Thía, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Hiện nay, mỗi ngày bãi tiếp nhận 350 tấn rác thải. Bãi sẽ trở nên quá tải, rất cần được đầu tư công nghệ theo tiêu chuẩn".

Ông Ngô Thành Thía cũng cho biết đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải phóng mặt bằng ở bãi chôn lấp rác cũ đã hơn 10 năm nay, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Cụ thể như bãi rác số 1, sau hơn 10 năm hoạt động, số rác tiêu hủy được đến nay đã hoai mục, có thể làm phân hữu cơ và sàng lọc lấy lượng bột nylon tiêu hủy, bởi loại rác này không thể nào tự tiêu hủy được. Sau đó cải tạo lại bãi rác để tiếp tục chôn lấp lượng rác mới vào, thay thế cho phương án xây dựng bãi rác mới, vừa tốn kinh phí vừa phải thu hồi đất của người dân.

Cần nhiều giải pháp căn cơ

Theo Tổng cục Môi trường, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Cơ quan chức năng dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm. Riêng các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày sẽ phát sinh từ 7.000-9.000 tấn. Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lo ngại, hiện có hơn 70% rác thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh.

Vấn đề xử lý rác thải cần được quan tâm hơn nữa, và cần được hoạch định với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho rằng, cần tập trung vào các vấn đề: chính sách quản lý, khung tiêu chuẩn để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở xử lý hiện đại, triển khai thực hiện và sự đồng thuận của người dân.

Về vấn đề chính sách, từ trước đến nay việc quản lý rác thải sinh hoạt do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm. Tại Nghị định 107/2020/NĐC ngày 14/9/2020 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành tài nguyên-môi trường đã bắt đầu tiếp quản tất cả các vấn đề liên quan môi trường. Với sự tập trung quản lý Nhà nước về xử lý rác thải về một đầu mối như hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cho các địa phương công nghệ phù hợp, đồng thời, trao quyền và đi kèm với quy định rõ về trách nhiệm cho địa phương trong việc quyết định lựa chọn công nghệ.

Với sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển của nhiều ngành kinh tế, rác thải sẽ là vấn đề ngày càng cần được quan tâm rốt ráo, cụ thể hơn trong tương lai gần. Nếu không có những quyết sách hiệu quả, sự tồn đọng của vấn đề sẽ tạo nên nhiều hệ lụy không nhỏ.

 

Ông Nguyễn Văn An,

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành đơn giá chất thải rắn sinh hoạt, đơn giá thu mua điện từ các dự án đốt rác nhằm thu hút nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý rác thải sinh hoạt.

Giáo sư Nguyễn Hữu Dũng,

Viện trưởng Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam:

Giải pháp đặt ra là cần phải hướng đến việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Hiện nay công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm, tuy nhiên phải cân nhắc xem có đủ rác liên tục để đốt hay không, vì nếu không có đủ rác, chi phí để bảo trì lò đốt sẽ rất cao.

Giải pháp đặt ra là cần phải hướng đến việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Hiện nay công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm, tuy nhiên phải cân nhắc xem có đủ rác liên tục để đốt hay không, vì nếu không có đủ rác, chi phí để bảo trì lò đốt sẽ rất cao.

Ông Trần Hợp Dũng,

Phó Trưởng ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội:

TP Hà Nội đã có Quyết định 14/2021 thay thế Quyết định 41/2017 về việc phân cấp cho quận, huyện trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải. Trách nhiệm quản lý được quy định cho người đứng đầu các quận, huyện đã được phân cấp, kể cả vấn đề lựa chọn đơn vị nhà thầu, tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử phạt những đơn vị vi phạm... Hà Nội đã củng cố và tập trung đầu mối quản lý cũng như phân trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải...

Cập nhật Thứ Năm, 31-03-2022, 17:11/HẢI MIÊN-BÁ DŨNG-ANH ĐÀO/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...