Thứ ba, 19/03/2024, 10:09 [GMT+7]

Tam Đường: Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 24/05/2023 - 17:07'
(BLC) - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt độ cao, phổ biến từ 36 đến 39 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của bà con các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Tam Đường, do nắng nóng kéo dài, không có mưa, nguồn nước ở các khe suối bị cạn kiệt dẫn đến nhiều diện tích lúa, chè, thủy sản bị ảnh hưởng khiến nhiều nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa, năng suất, sản lượng giảm hơn so với vụ trước.

Những năm qua, chè là cây mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đường. Điển hình gia đình ông Nguyễn Quý Bắc, ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình có diện tích chè Kim Tuyên hơn 2,5ha. 3 năm nay, trung bình mỗi năm gia đình ông thu 40-45 tấn chè búp tươi, mang lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng kéo dài hơn 1 tháng qua đã khiến diện tích chè của gia đình ông Bắc bị ảnh hưởng, trong đó 30% diện tích bị cháy lá, xoăn búp không thể phục hồi, năng suất chè búp tươi giảm 3 tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Vụ đông xuân năm nay, xã Bình Lư gieo cấy 222ha lúa. Thời tiết nắng nóng liên tục trong nhiều ngày qua khiến 50ha lúa bị thiếu nước trầm trọng tập trung ở các bản: Nà Đon, Nong Luống, Nà San, Tân Hưng Bình. Điều đáng nói thời điểm hạn hán kéo dài đúng vào lúc cây lúa đang trong thời kỳ trỗ bông, việc không đảm bảo nước tưới gây giảm số lượng bông trên đòng, chất lượng hạt lúa kém, năng suất giảm.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Bình Lư chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xuống từng bản rà soát các diện tích; đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân nạo vét kênh mương, điều tiết nguồn nước tưới, ưu tiên cho các diện tích đang thiếu nước để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng. 

Do thời tiết nắng nóng một số diện tích chè của gia đình ông Nguyễn Quý Bắc, ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình phải cắt bỏ đợi lứa sau thu hoạch.

Do thời tiết nắng nóng một số diện tích chè của gia đình ông Nguyễn Quý Bắc, ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình phải cắt bỏ đợi lứa sau thu hoạch.

Ngoài ra, với hơn 29ha ao nuôi cá, từ trung tuần tháng 3, nhiều hộ nuôi ở xã Bình Lư lo lắng vì cá đang trong giai đoạn phát triển lại gặp phải thời tiết nắng nóng gay gắt, không đủ nước dẫn vào ao. Theo các hộ dân, nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cá có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết, dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, vào những ngày nhiệt độ cao, các hộ phải luôn duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,5m hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng; sử dụng hệ thống sục khí để cung cấp thêm ôxy cho cá, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định môi trường nước, hạn chế khí độc trong ao nuôi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ý, bản Hoa Vân, xã Bình Lư tâm sự: Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài gây khô hạn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con. Riêng vụ đông xuân gia đình gieo cấy 2.000m2 lúa vì thiếu nước nên một số diện tích của gia đình bị ảnh hưởng, cây lúa lùn tịt, không đẻ bông vì vậy năng suất năm nay dự kiến giảm 20% so với vụ trước, ước giảm 3 tạ/sào. Lo lắng hơn 4.000m2 diện tích ngô của gia đình cũng rơi vào tình trạng nhiều cây bị khô bắp và lá, ngô chậm phát triển không có khả năng cho thu hoạch. May mắn với diện tích 400m2 ao cá tuy thiếu nước nhưng nhờ có kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi thủy sản nên đã kịp thời cứu đàn cá không để cá chết ngạt.

Thời điểm này, bà con nông dân ở xã Nà Tăm cũng đứng ngồi không yên vì nhiều diện tích lúa khả năng sẽ không cho thu hoạch, nguy cơ mất trắng. Theo báo cáo của UBND xã Nà Tăm vụ đông xuân năm nay toàn xã gieo cấy 116ha lúa. Thời tiết nắng nóng liên tục khiến 35,5ha lúa bị thiếu nước tập trung ở tất cả các bản trên địa bàn xã, trong đó tình trạng thiếu nước nặng nhất là ở 2 bản: Nà Tăm và Nà Vàn. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra khiến nhiều diện tích lúa vẫn không thể cứu vãn được.

Những ngày này, ông Lò Văn Phím ở bản Nà Tăm thường xuyên ra mảnh ruộng của gia đình để cắt từng khóm lúa về cho trâu ăn. Theo chia sẻ của ông Phím, vụ chiêm xuân gia đình gieo cấy hơn 3.000m2 lúa, bình quân thu hoạch được từ 50 - 60 bao thóc. Năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục, nên khoảng 1.000m2 lúa ở khu vực gần bản vẫn có nước tưới nên cây lúa sinh trưởng bình thường, đang trong thời kỳ trỗ bông, còn hơn 2.000m lúa ở khu vực đầu bản thiếu nước, ruộng khô nứt nẻ, cây lúa còi cọc không thể phát triển được. Nhìn những diện tích lúa nguy cơ mất trắng tôi rất đau xót vì bỏ bao nhiêu công cày bừa, chăm sóc đến nay lại không cho thu hoạch.

Do thiếu nước diện tích lúa của gia đình ông Lò Văn Phím ở bản Nà Tăm, xã Nà Tăm không phát triển, còi cọc nên gia đình cắt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng phù hợp.

Do thiếu nước diện tích lúa của gia đình ông Lò Văn Phím ở bản Nà Tăm, xã Nà Tăm không phát triển, còi cọc nên gia đình cắt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng phù hợp.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong tháng 5, toàn huyện có khoảng 158,5ha lúa xuân thiếu nước, tại cánh đồng Bình Lư 80ha, Nà Tăm 35,5ha, Bản Bo 16ha, Bản Hon 7ha và Thèn Sin 20ha. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa, nguồn nước kiệt ở các khe suối. Cũng do nắng nóng gay gắt, nguồn nước khô hạn đã tác động tới tiến độ sản xuất vụ mùa, nhất là khâu cày bừa, làm đất, một số địa phương phải đẩy lùi thời gian sản xuất vụ mùa.

Trước tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu; UBND các xã, thị trấn tăng cường điều tiết nguồn nước sản xuất cho người dân; cắt cử công nhân bám sát đồng ruộng và các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý để theo dõi và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả.

Để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để tăng cường các biện pháp chống nắng nóng, phòng dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè trên cây trồng, vật nuôi.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...