Thứ bảy, 04/05/2024, 03:48 [GMT+7]
Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

Tiện lợi nhưng vẫn khó

Thứ ba, 08/08/2023 - 09:46'
Mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố Lai Châu và một số xã, thị trấn của huyện Than Uyên. Sau 3 tháng triển khai, dù rất tiện lợi nhưng vẫn có những bất cập nhất định.

LỢI NHIỀU BỀ

Ông Khuất Việt Vo ở huyện Than Uyên là nạn nhân chất độc da cam với tỷ lệ thương tật 83%. Hiện nay, ông Vo và vợ (người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình) được nhận số tiền Nhà nước chi trả trợ cấp trên 6 triệu đồng. Từ ngày 1/6/2023, vợ chồng ông không phải đi lĩnh tiền mặt tại Bưu điện huyện mà tiền trợ cấp được chuyển vào thẻ ATM.
Ông Vo chia sẻ: Gia đình tôi sử dụng thẻ ATM từ lâu. Khi có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, tôi rất đồng tình. Việc này mang lại nhiều lợi ích: không mất thời gian đi lĩnh tiền mặt hàng tháng; kiểm soát được chi tiêu; thuận lợi khi đi xa và tiến hành giao dịch trên điện thoại.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Than Uyên có tổng số 35 hội viên. Khi triển khai mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, ông Vo tích cực tuyên truyền, vận động lợi ích của việc sử dụng thẻ ATM, đến thời điểm này, 2/3 trong tổng số hội viên đã đăng ký làm thẻ và sử dụng thành thạo.
Được biết, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ LĐ,TB&XH, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với các ngành liên quan và UBND huyện, thành phố trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1766/KH-UBND ngày 17/5/2023 về việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, thí điểm tại thành phố Lai Châu và các xã: Mường Than, Phúc Than, Hua Nà, Mường Cang, Mường Kim và thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên). Các địa phương còn lại tiếp tục tuyên truyền, vận động để các đối tượng đăng ký tham gia.

Do khuyết tật nên chị Mai Tố Uyên (bên phải) uỷ quyền cho người thân lĩnh hộ trợ cấp do không biết cách sử dụng máy ATM nên đến nay chưa lần nào rút tiền từ thẻ về.

Đến thời điểm ngày 15/7/2023, trên địa bàn tỉnh có tổng số 16.349 đối tượng đang hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội. Trong đó, 15.701 người là đối tượng bảo trợ xã hội, còn lại là người có công. Với sự quyết tâm, vào cuộc của cơ quan chuyên môn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện, số đối tượng đã có tài khoản và mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 2.251 người. Riêng địa bàn thành phố Lai Châu và huyện Than Uyên là 1.660 người.

CÒN RÀO CẢN
Trên địa bàn xã Phúc Than (huyện Than Uyên) có hơn 300 đối tượng chính sách, chủ yếu là người yếu thế, người cao tuổi… Khi triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp khá nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Tại buổi họp xã tổ chức triển khai chủ trương này, một số đối tượng chính sách cho rằng có sự bất tiện. Bởi, với người già, yếu, ốm đau, khuyết tật… không thể tự đi rút tiền tại các ngân hàng. Khi ấy, phải ủy quyền cho người thân, dễ dẫn đến không chủ động chi tiêu cho nhu cầu cá nhân, trong khi số tiền trợ cấp không quá lớn. Hoặc nếu có thể đến các ngân hàng trên địa bàn của huyện thì cũng khá xa, lại không rành công nghệ thông tin, bị nuốt thẻ khi rút tiền…
Cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than cũng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động. Cử cán bộ lao động, thương binh và xã hội đến từng hộ thuộc diện chi trả giải thích, thu thập thông tin gửi các ngân hàng mở tài khoản. Đến thời điểm này, gần 100% đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội của xã đã nhận chi trả không dùng tiền mặt. Các trường hợp còn lại, xã sẽ tiếp tục vận động.
Sinh sống ngay địa bàn thành phố Lai Châu nhưng việc sử dụng thẻ ATM với ông Mai Văn Long (phường Tân Phong) không dễ dàng. Ông là nạn nhân chất độc da cam và con gái Mai Tố Uyên (nạn nhân chất độc ca cam thế hệ thứ 2 - liệt 2 chân) đều được hưởng trợ cấp xã hội. Từ đầu tháng 6, bố con ông Long bắt đầu nhận tiền chi trả chế độ qua tài khoản ATM nhưng đến thời điểm này, ông chưa một lần đi rút tiền. Ông Long chia sẻ: Tôi đã lớn tuổi, không rành cách sử dụng máy ATM, hay nhầm lẫn các con số nên thấy việc này khá bất tiện.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, hiện nay có khá nhiều người có tâm lý như ông Long. Đó là lý do số người mong muốn chi trả qua tài khoản và đã tiếp nhận tài khoản chỉ chiếm 14% trong tổng số đối tượng đã có tài khoản. Nguyên nhân được Sở LĐ,TB&XH nhận định là nhiều đối tượng hưởng chính sách xã hội sinh sống rải rác trên địa bàn rộng, xa trung tâm huyện, không biết sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt. Đối tượng người cao tuổi không còn minh mẫn, có tâm lý e ngại khi ủy quyền cho người thân.
Mặt khác, cơ sở vật chất của hệ thống ngân hàng chưa được bao phủ trên diện rộng, ít cây ATM tại các huyện. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền chủ trương chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn…
Với những khó khăn đặc thù của nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có công cùng điều kiện thực tế về địa bàn dân cư, để tiếp tục nhân rộng việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, thiết nghĩ Sở LĐ,TB&XH cùng các huyện, thành phố cần tính toán kỹ lưỡng và thống nhất kế hoạch đưa ra hướng triển khai phù hợp, ưu tiên giải quyết những đối tượng đã đủ điều kiện. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục chung tay trong việc miễn, hỗ trợ, ưu đãi các loại phí dịch vụ cho đối tượng an sinh xã hội khi sử dụng tài khoản qua ngân hàng để nhận trợ cấp hàng tháng. Mở thêm các cây ATM ở cụm xã của các huyện để thuận lợi cho người dân rút tiền mặt…

Phạm Vũ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...