

<> Vụ án dân sự 9 năm chưa khép lại - Kỳ 1: Vụ án phức tạp
Trả lời chúng tôi về “bản án sơ thẩm sai” và những nguyên nhân, bà Dương Thị Tuyết Thanh, người giữ vai trò thẩm phán, tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Lai Châu (nay đang là Chánh án TAND huyện Tân Uyên), khẳng định: Đây là một vụ án rất phức tạp vì các mối quan hệ của các đương sự rất chồng chéo, có nhiều hợp đồng giả, nhiều hoạt động kinh tế thật giả lẫn lộn và thậm chí là có liên quan đến nhiều cơ quan. Về việc bà Nguyễn Thị Bắc kiện tôi về xác định anh Nguyễn Anh Hùng và Nguyễn Thế Cường là nguyên đơn thì tôi cho rằng khi xử án chúng tôi đều phải dựa trên căn cứ của pháp luật. Cụ thể là chúng tôi dựa trên Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo những luật trên, thì có thể xác định anh Hùng và anh Cường có đóng góp trong việc xây dựng nhà nghỉ Hùng Cường do đó khi ông bà Nguyễn Trường Giang, Đặng Thị Tùng chuyển nhượng không thông qua các con là không đúng. Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN276361 do UBND thị xã Lai Châu cấp ngày 18/6/2009 là cấp cho hộ gia đình ông bà Giang, Tùng; do đó theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì có các con trong gia đình, chúng tôi chỉ căn cứ vào giấy tờ hợp pháp.
Bà Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Lai Châu.
Đối với kết luận bác bỏ yêu cầu của bà Bắc về việc yêu cầu ông bà Giang, Tùng trả số tiền 2,3 tỷ đồng, bà Thanh giải thích: Việc bà Bắc cho vay, trả nợ thay, góp vốn cùng ông bà Giang, Tùng thì bà Bắc không chứng minh được và vụ việc có thể để khởi kiện thành một vụ án riêng. Còn việc vụ án kéo dài thì do các thủ tục tố tụng phải đảm bảo các thời gian theo quy định. Riêng nội dung “Bà Thanh chặn các cửa khiếu nại, kháng cáo” đối với bà Bắc thì bà Thanh phủ nhận hoàn toàn. Khi được hỏi: Nếu Tòa sơ thẩm đã làm đúng theo quy định của pháp luật tại sao Tòa cấp cao lại tuyên hủy một phần bản án và có những kết luận là “vi phạm nghiêm trọng tố tụng” thì bà Thanh từ chối trả lời.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh cho biết: TAND tỉnh đã nhận được đơn thư của bà Bắc và đã thành lập tổ xác minh nội dung tố cáo của bà Bắc đối với bà Dương Thị Tuyết Thanh. Đối với bà Thanh, TAND tỉnh đã yêu cầu báo cáo giải trình và đến nay đã có báo cáo giải trình của bà Thanh. Việc xử lý khiếu nại, tố cáo này sẽ được Tòa xử lý, giải quyết theo đúng quy trình của Luật Khiếu nại tố cáo.
Còn về vụ án, bà Lụa nhận định chưa có vụ án nào phức tạp như vụ án này, trong quá trình giải quyết bà Thanh đã đầu tư rất nhiều thời gian cho vụ án. Sau khi tuyên án thì bà Bắc đã kháng cáo, và năm 2018 Tòa cấp cao đã hủy một phần vụ án nên trong năm đó bà Thanh đã không được xét thi đua. Còn về nhận định của Tòa cấp cao thì đó là quyền của họ. Thực tế trong quá trình nghiên cứu và giải quyết thì không phải cái gì thẩm phán cũng biết hết và có thể đánh giá toàn diện thấu đáo hết. Có những thẩm phán do năng lực trình độ có thể họ chưa nhìn nhận hết được những khía cạnh khác nhau nên khó đánh giá toàn diện được. Với bà Thanh, nếu không sai, không sơ suất thì Tòa cấp cao không thể tuyên hủy bản án nhưng họ chỉ hủy một phần. Về phía TAND tỉnh, đã chỉ đạo rất quyết liệt để Tòa Sơ thẩm sắp tới phải xét xử cho đúng, đảm bảo công tâm, khách quan, đảm bảo chất lượng, quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và các tổ chức.
Nhận định về vụ việc, ông Nguyễn Văn Ánh - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Gia Bảo - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc ông bà Tùng, Giang có nợ tiền của bà Bắc là có thật và có đủ căn cứ, chứng cứ cho điều này. Vay thì phải trả đó không chỉ là luật pháp mà còn là đạo lý trong cuộc sống. Các giấy tờ của bà Bắc đưa ra đủ căn cứ để tòa án có thể xét xử đảm bảo đúng quyền lợi của đương sự.
Còn về phía mình, bà Bắc chia sẻ: Tôi đã bán hết nhà cửa, ruộng nương thậm chí gia đình tan nát, đến nay bản thân tôi không có nhà để ở cũng vì góp vốn, cho vay, cùng làm ăn với ông bà Giang, Tùng. Thế mà tòa án không chấp nhận yêu cầu của tôi thì công sức, tài sản của tôi sẽ ra sao? Bản án như vậy khác gì đồng tình với người ta cướp không tài sản của tôi. Từ năm 2011 đến nay, số tiền 2,3 tỷ đồng nếu đem kinh doanh sẽ sinh ra bao nhiêu hoặc gửi ngân hàng cũng ra bao nhiêu tiền. Việc tôi cho vay tiền, trả nợ thay, góp vốn và đầu tư cùng ông bà Giang, Tùng là có thật. Nếu sắp tới tòa vẫn không chấp nhận tôi sẽ yêu cầu chuyển vụ việc sang bản án hình sự để đòi lại công bằng cho tôi.
Đến hôm nay, phiên tòa sơ thẩm (sau quyết định của Tòa án cấp cao) vẫn chưa được mở lại. Gần chục năm đi đòi tiền và đòi công lý của bà Bắc vẫn chưa có được câu trả lời. Hy vọng, sắp tới, khi phiên tòa được mở lại, công lý, pháp luật sẽ được thực thi, quyền lợi hợp pháp của các bên được trả về đúng vị trí, để người dân tin hơn vào sự công minh của pháp luật.

Cần sớm di dời, sắp xếp dân cư bản Sìn Hồ Dao

Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối








