Thứ sáu, 26/04/2024, 22:00 [GMT+7]
Phong Thổ quyết tâm vượt khó đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống:

Bài 2: Những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ

Thứ sáu, 19/05/2023 - 14:18'
(BLC) - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 8/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phong Thổ về phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Phong Thổ nỗ lực triển khai, đổi mới phương thức chỉ đạo, thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, bức tranh nông nghiệp của địa phương ngày càng khởi sắc, góp phần ổn định nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, thu nhập của Nhân dân không ngừng tăng qua các năm.

Bài 1: Những khó khăn, thách thức

Thành tựu nổi bật  

Sau nửa nhiệm kỳ tổ chức thực hiện nghị quyết, minh chứng rõ nét nhất của huyện đạt được đó là hình thành những vùng sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, phương thức canh tác của Nhân dân. Trong đó, vùng nguyên liệu chè, lúa hàng hoá, mắc-ca, cây ăn quả (chuối, xoài, nhãn, chanh leo, lê…) tập trung ở các xã trên địa bàn, bao gồm: Khổng Lào, Bản Lang, Nậm Xe, Mồ Sì San, Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng, Mường So, Dào San, Mù Sang, Mồ Sì San; vùng mía phục vụ xuất khẩu trồng tại: Hoang Thèn, thị trấn Phong Thổ, Ma Li Pho, Huổi Luông. Vùng chăn nuôi đại gia súc được nhân rộng tại các xã vùng cao biên giới của huyện.

Với 10 chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết, cho đến nay, toàn huyện Phong Thổ có 2 chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu, bao gồm: thu hút kêu gọi 3 cơ sở chế biến (mắc-ca, chè, hoa quả tươi), xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương (Tả Cù, Nếp Tan, Cao ngựa bạch, chè cổ thụ…). Còn lại 8 chỉ tiêu đã và đang có sự phát triển khả quan. Trong đó, huyện vận động Nhân dân trồng mới 355,51ha cây mắc-ca; hơn 439ha chè; 42,42ha mía theo phương thức liên kết giữa HTX và Nhân dân để xuất khẩu; gần 116ha cây xoài, nhãn; phát triển vùng lúa hàng hóa (Tẻ Râu, Nếp Tan) tập trung với quy mô 231,7ha đạt 77,2% theo chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm.

Đến thời điểm này, huyện Phong Thổ đã có 452,51ha cây mắc-ca; diện tích chuối dự ước đến hết năm 2023 là 2.500ha; mở rộng phát triển chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ diện tích mía với quy mô 105ha. Riêng đối với cây chè, huyện phát triển trồng mới chè vùng tập trung và cổ thụ với diện tích 688,79ha (chè cổ thụ 25ha, chè tập trung 663,79ha); hiện tại, toàn bộ diện tích chè tập trung, Công ty Cổ phần chè Tam Đường ký kết bao tiêu sản phẩm với 647 hộ/392ha tại các xã: Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ, Nậm Xe; HTX Biên Cương liên kết tiêu thụ, chế biến chè cổ thụ với các hộ gia đình (sản lượng mỗi năm khoảng 2,5 tấn chè khô). Ngoài ra, huyện khảo sát, đánh giá thực trạng để thực hiện xây dựng phương án bảo tồn khoảng 8.000 cây Chè cổ thụ trên địa bàn các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Sin Suối Hồ, Dào San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Hoang Thèn...

1

Mô hình chăn nuôi lợn có chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường đang được nhân rộng tại các xã vùng cao của huyện Phong Thổ.

Về chăn nuôi, huyện quy hoạch 8 cơ sở chăn nuôi tại các xã vùng cao biên giới. Đến nay, tổng đàn trâu, bò trên 11.000 con, đàn lợn hơn 32.000 con được nuôi theo hướng an toàn sinh học, có kiểm soát dịch bệnh.

Trong 2 năm qua, huyện đã xây dựng thương hiệu 19 sản phẩm nông sản địa phương đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh, như: gạo Nếp Tan, gạo Tẻ Râu, Cao ngựa bạch AZ Phong Thổ, trà cổ thụ, cá nước lạnh, chuối sấy, mật ong... Đặc biệt, đầu năm 2023, toàn huyện xuất khẩu được 2.564 tấn mía qua cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng biên

Từ những thành công bước đầu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu, huyện Phong Thổ tiếp tục triển khai những giải pháp linh hoạt, cụ thể, sáng tạo nhằm đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhất là thời điểm này, khi cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thuỷ Hà (huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã hoạt động sôi nổi trở lại. Đây là lợi thế rất lớn cho địa phương để xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẵn có tại địa phương.

Ngoài chuối và mía, dựa trên nhu cầu của các đối tác ở Trung Quốc, huyện Phong Thổ xác định thêm chanh leo, mắc-ca, xoài và một số sản phẩm dược liệu có thể xuất khẩu sang thị trường này. Chính vì vậy, các cấp, các ngành địa phương đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế triển khai mở rộng vùng trồng với các loại cây trồng chủ lực đã được huyện chọn lựa.

Đồng hành cùng người dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con nắm vững các kỹ thuật trồng, nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi sao cho đạt năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh việc giám sát và gắn mã vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện.

Đồng chí Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 2.000 cây chè cổ thụ. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của bà con trong việc bảo vệ vùng chè cổ thụ gắn với việc thu hái chè để bán cho HTX Biên Cương, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo HTX đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, chế biến chè cổ thụ, nâng cao chất lượng 4 sản phẩm trà cổ thụ, tiến tới nâng 3 sản phẩm trà được tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao lên 4 sao, hướng đến xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Song song với đó, tận dụng nguồn lực từ các chính sách của trung ương, tỉnh, huyện đầu tư, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên bản, liên xã, đường sản xuất, nội đồng; hoàn thiện hệ thống kênh mương, công trình thuỷ lợi, đảm bảo nước tưới tiêu cho cây trồng; hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón, máy móc kịp thời cho người dân.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện để các hộ dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư sản xuất thông qua hệ thống ngân hàng và các đề án của từng đơn vị. Tạo động lực, niềm tin phấn khởi trong Nhân dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, liên kết.

2

Từ chính sách thu hút, đến nay, trên địa bàn huyện Phong Thổ đã có mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhà màng đầu tiên với quy mô gần 1ha do Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu thực hiện như trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn, măng tây.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu, giải pháp quan trọng được Phong Thổ đẩy mạnh đó là tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ và chế biến nông sản trên địa bàn. Không những vận động người dân cho doanh nghiệp thuê đất, mà các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính; đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Với sự chủ động của các cấp, các ngành, đồng thuận của Nhân dân, đầu tư của doanh nghiệp, HTX, huyện Phong Thổ sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra. Mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng biên giới của tỉnh.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...