Thứ năm, 28/03/2024, 19:37 [GMT+7]

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 26/10/2020 - 11:12'
Những năm qua, huyện Nậm Nhùn tập trung phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Là huyện vùng cao biên giới, huyện Nậm Nhùn có dân số trên 27.000 người (11 dân tộc) sinh sống ở 73 bản thuộc 11 xã, thị trấn. Với lợi thế có diện tích tự nhiên lớn, nhiều tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, phát triển cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; người dân có truyền thống đoàn kết, chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, được Trung ương và tỉnh quan tâm có nhiều chính sách đối với vùng miền núi, biên giới, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn là những điều kiện thuận lợi để huyện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển theo hướng tập trung hàng hóa và đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng khu vực nông thôn. Với hướng đi đúng đắn, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, ngành Nông nghiệp huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là hình thành các mô hình sản xuất tập trung; tạo được các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngày càng được đẩy mạnh.

Cây mắc-ca được đưa vào trồng tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Toàn huyện hiện có 302,1ha cây ăn quả chủ yếu tại các xã: Mường Mô, Lê Lợi, Nậm Pì, Trung Chải, Nậm Manh… một số diện tích cây ăn quả đã chuẩn bị bước vào thời kỳ cho thu hoạch; cây công nghiệp có trên 165ha cây mắc-ca, 465,5ha cây quế; duy trì chăm sóc và bảo vệ diện tích 2.057ha cây cao su. Hiện nay, đã tiến hành khai thác mủ tập trung chủ yếu tại xã Nậm Hàng; năng suất cây lương thực tăng dần theo từng năm, tổng sản lượng lương thực năm 2020 ước đạt 12 nghìn tấn. Tập quán chăn nuôi của người dân đã dần thay đổi theo hướng chuyển từ thả rông sang có kiểm soát, với tổng đàn gia súc 27.058 con (trong đó: trâu 8.823 con; bò 4.073 con; lợn 14.162 con); đàn gia cầm ước đạt 158.809 con. Toàn huyện có 196ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Công tác dự trữ thức ăn cho gia súc trong những năm qua được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao; đặc biệt là việc xây dựng chuồng trại, chăn nuôi tập trung.

Xác định phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng NTM là việc làm cần thực hiện tốt, đạt kết quả. Qua đó, nâng cao hiệu quả đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị; đặc biệt là Nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng sâu rộng, lan tỏa khắp các vùng nông thôn. Vai trò chủ thể của người dân ngày càng phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, công sức, trí tuệ để xây dựng NTM. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM (Lê Lợi, Pú Đao, Mường Mô); bình quân toàn huyện đạt 14,1 tiêu chí/xã; 10/10 xã có đường ôtô đến trung tâm; 64/68 bản (94,11%) bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn là 61 công trình với tổng số chiều dài kênh mương đạt 148,19km, trong đó: kênh kiên cố 144,04km; kênh đất 4,15km. Năng lực tưới đủ cho 1.144,7ha đất nông nghiệp, đảm bảo 10/10 xã đạt tiêu chí về thủy lợi.

Trước đây, trên những triền đồi ven con đường trục chính của xã Lê Lợi được bà con trồng các loại cây lương thực (lúa, ngô). Nhưng do thiếu nước nên việc canh tác không cho năng suất, giá trị kinh tế cao, dần dần những diện tích này bị bỏ hoang. Với mục đích tận dụng tối đa đất sản xuất, chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại lợi ích. Đồng chí Lò Văn Sinh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lê Lợi cho biết: “Xã tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư các dự án trồng cây công nghiệp tiềm năng trên địa bàn. Xã cũng khuyến khích các hộ có điều kiện tìm hiểu, đầu tư trồng các loại cây công nghiệp phù hợp với điều kiện gia đình và có đầu ra ổn định. Từ nguồn vốn Nhà nước xã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp vốn sản xuất đến các hộ có nhu cầu. Nhờ khảo sát, đánh giá chất đất cẩn thận, cây công nghiệp trên địa bàn xã có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt. Cùng với đó, tham gia làm công nhân chăm sóc cây cho doanh nghiệp, mang lại nguồn thu nhập khá, giúp có vốn đầu tư phát triển các nghề khai thác thủy sản lòng hồ, chăn nuôi đại gia súc”. Đến nay, xã Lê Lợi phát triển được vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích hơn 84ha (trong đó: 37,5ha xoài Đài Loan; 4,5ha chanh leo; 14ha dứa, 28,5ha cây mắc-ca) và 478,49ha cây cao su. Nhiều diện tích cây ăn quả đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho bà con, giúp xã duy trì, nâng cao các tiêu trí chuẩn NTM.

Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, kết hợp với xây dựng NTM giúp kinh tế - xã hội huyện Nậm Nhùn, đặc biệt là các vùng nông thôn ngày thêm khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước nâng cao nhờ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đạt 28,5 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân đầu người ước đạt 431,4kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,24%, tạo đà trong xây dựng NTM.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...