Thứ sáu, 19/04/2024, 13:38 [GMT+7]
Ảo vọng đổi đời

Bài 2: Các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt

Thứ tư, 10/08/2022 - 15:02'
Trước thực trạng công dân đi làm ăn xa bị lừa đi lao động tại Campuchia, các cơ quan chức năng của huyện Tam Đường nhanh chóng vào cuộc, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật. Đồng thời định hướng cho người dân không nhẹ dạ cả tin để tránh cạm bẫy việc nhẹ lương cao.

Bài 1: Khốn đốn vì “sập bẫy” việc nhẹ lương cao

“Con mồi” mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới là những người nhẹ dạ, cả tin ở các tỉnh miền núi, nông thôn đang có nhu cầu tìm việc làm hoặc lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là thanh, thiếu niên, người dân hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn. Từ đó, đưa ra những lời dụ dỗ với mức lương “khủng”, công việc nhàn hạ để làm mồi nhử, khiến người lao động dễ dàng “sập bẫy”.
Qua tìm hiểu thông tin từ các nạn nhân đã trở về được biết, các đối tượng mời gọi, giới thiệu việc làm thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook) với nội dung công việc nhàn, lương cao, không mất chi phí đi lại, làm việc tại các tỉnh miền Nam và Campuchia. Sau khi nạn nhân đến các địa chỉ đã hẹn thì được các đối tượng đưa sang Campuchia lao động, chủ yếu là tham gia các hoạt động lừa đảo trên mạng được cài đặt sẵn trên máy tính. Theo tìm hiểu của phóng viên, các nạn nhân trên địa bàn huyện Tam Đường phần lớn là thanh, thiếu niên, tuổi đời còn rất trẻ, trình độ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Có tham vọng đổi đời, mong muốn làm giàu thật nhanh, nghĩ rằng không mất nhiều sức lao động lại kiếm được khoản tiền hậu hĩnh, dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo dễ dàng dụ dỗ.

Công an xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường thăm hỏi, động viên gia đình em Lò A Ỏn (bản Phô Hồ Thầu, xã Hồ Thầu) - nạn nhân bị lừa sang lao động tại Campuchia vừa trở về.

Công an xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường thăm hỏi, động viên gia đình em Lò A Ỏn (bản Phô Hồ Thầu, xã Hồ Thầu) - nạn nhân bị lừa sang lao động tại Campuchia vừa trở về.

Theo số liệu của Công an huyện Tam Đường, qua rà soát đến nay trên địa bàn huyện có 17 công dân bị lừa sang lao động tại Campuchia, trong đó, 6 công dân xã Hồ Thầu, 6 công dân xã Bản Giang, 3 công dân xã Tả Lèng, 1 công dân xã Bản Bo và 1 công dân xã Giang Ma. Hiện, có 10 công dân đã trở về nhà an toàn, do gia đình gửi tiền chuộc về. Còn 7 công dân chưa về, trong đó, Bản Giang 2 công dân, Tả Lèng 2 công dân, Hồ Thầu 2 công dân và Bản Bo 1 công dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thượng tá Giàng A Tằng - Trưởng Công an huyện Tam Đường cho biết: Chúng tôi đã cử lực lượng xuống cơ sở, đến các hộ gia đình rà soát, nắm tình hình có liên quan, kịp thời trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh để phối hợp giải quyết. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện, chính quyền các xã xây dựng phóng sự, tổ chức tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn hoạt động lừa đảo của các đối tượng. Ngoài ra, tập trung rà soát số công dân trên địa bàn đi lao động, làm thuê tại các tỉnh để từ đó tuyên truyền người thân của họ thường xuyên liên lạc, nhắc nhở, đề cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các đối tượng lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia.
Công an huyện cũng khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu đi lao động tại các nước thì liên hệ với các cơ quan, đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm để làm các thủ tục hợp pháp, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cảnh giác trước những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 2.323 người đi làm ăn xa tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Hưng Yên… Bà Vũ Thị Phượng - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tam Đường cho biết: “Số lượng công dân trên địa bàn huyện đi làm ăn xa tương đối đông, tập trung tại các xã: Hồ Thầu, Bản Giang, Nà Tăm… Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND huyện về giới thiệu và giải quyết việc làm, thời gian qua, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn theo các đơn đặt hàng được Sở LĐ-TB&XH đồng ý cho tuyển dụng. Trước thực trạng trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng người dân đi lao động bị lừa sang Campuchia, Phòng phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức trước những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Yêu cầu người dân khi đi làm việc ở ngoài tỉnh phải đăng ký và phải có giấy xác nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nếu có nhu cầu đi lao động trong nước, nước ngoài cần liên hệ với chính quyền địa phương, Phòng LĐ-TB&XH huyện để lựa chọn các đơn đặt hàng do cơ quan, đơn vị tư vấn đặt hàng tuyển dụng, để không sập bẫy những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu, tránh tiền mất, tật mang”.
Mong rằng, những công dân đang bị lừa sang lao động ở Campuchia sẽ nhanh chóng được trở về bình an, những đối tượng xấu trong đường dây đưa người lao động sang Campuchia sẽ phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...