Thứ năm, 25/04/2024, 07:53 [GMT+7]
Chuyện chanh leo ở Tân Uyên mất giá

Bài 2: Cam kết đúng hợp đồng và hài hòa về lợi ích

Thứ sáu, 11/09/2020 - 16:24'
Người dân trồng chanh leo ở huyện Tân Uyên đang nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của cây chanh leo và những lời hứa hẹn mà những người đem cây chanh leo về đất này. Tuy nhiên, chính quyền huyện Tân Uyên khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng người nông dân và lợi ích giữa các bên phải được đảm bảo hài hòa.

<> Bài 1: Nỗi lo chanh leo

Nhiều chuyện chưa rõ

Từ nhà anh Hoàng Văn Anh, anh Trần Văn Vương (tổ 3, thị trấn Tân Uyên), đến anh Tòng Văn Dung (bản Bút Dưới, xã Trung Đồng) hay chị Lò Thị Thượng (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) và những người nông dân trồng chanh leo mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định họ đang làm ăn với một tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam là Nafoods. Anh Tòng Văn Dung khẳng định: “Khi xã, huyện tuyên truyền, chúng tôi vẫn chỉ nghe cái tên Nafoods. Còn thực tế thế nào thì tôi chưa được rõ”.

Cũng ngay trong ngày đi điều tra, tình cờ chúng tôi gặp một xe tải loại kín thùng với 3 người xuất hiện tại nhà anh Dung và được giới thiệu là “người của công ty”. Họ cân hàng, ghi chép rất nhanh chóng và chuyên nghiệp. Một trong 3 người tự giới thiệu là Trần Văn Vũ - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp (CPNN) Công nghệ cao Beefoods. Ông Vũ cho hay: “Công ty CPNN Công nghệ cao chính là Công ty con của Tập đoàn Nafoods, hiện đang có trụ sở chính tại thị trấn huyện Tam Đường. Việc người dân hiểu rằng Nafoods đang thu mua quả chanh leo ở đây cũng không sai”. Về tình hình dịch bệnh trên cây chanh leo, ông Vũ khẳng định đã nắm được và sẽ làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) huyện Tân Uyên để khảo sát, đánh giá diện tích bị bệnh và tiến hành cấp thuốc. Ngoài ra cũng đã cho bộ phận chuyên môn xuống địa bàn nắm bắt tình hình thực tế để giúp người dân, tuy nhiên việc chữa bệnh chưa hiệu quả nên công ty đang tiếp tục tìm ra phương thức chữa bệnh phù hợp nhất.

Người dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) nhập chanh leo tại điểm tập kết.

Điều mà người dân băn khoăn nhất là giá chanh leo thấp, được ông Vũ lý giải: Dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của công ty khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm giảm sút. Đây là lý do chính ảnh hưởng đến giá chanh leo. Còn việc phân loại sản phẩm không thực hiện ngay tại cơ sở là vì: “Tiêu chuẩn phân loại quả chỉ có cán bộ của công ty nắm rõ nhất, nếu để người dân tự lựa chọn và phân loại sản phẩm sẽ không đảm bảo làm giảm chất lượng sản phẩm”. Chúng tôi hỏi: Nếu trong quá trình vận chuyển, bảo quản của công ty mà làm giảm chất lượng sản phẩm trước khi phân loại dẫn tới thiệt hại cho người dân thì sao? ông Vũ trả lời: Đây là lần đầu tiên tôi xuống cơ sở nên cũng chỉ mới nắm được một phần. Như lời nhà báo nêu thì quy trình phân loại quả là chưa hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu hoàn toàn tin tưởng theo sự phân loại của người dân thì cũng không thể được. Trong khi đó do diện tích, sản lượng chanh leo ở khu vực này chưa lớn nên hiện tại chưa thể mở một điểm phân loại tập trung ở đây. Nếu mong muốn của người dân mua đồng giá ở mức từ 10.000 đồng trở lên thì chúng tôi sẽ xem xét, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Sau khi nhập xong lô hàng, chị Lê Thị Dung giới thiệu là kế toán của công ty Beefoods khẳng định: Chúng tôi cam đoan không làm sai trong việc phân loại hay định giá sản phẩm. Trong quá trình phân loại sản phẩm chúng tôi đều có camera giám sát và quay video cho bà con. Nếu ai không tin có thể đến tận công ty để giám sát. Còn về lượng quả Vip đạt thấp thì có thể do sự chăm sóc của bà con… Câu trả lời của những người thuộc công ty được bà con chứng kiến, họ không lên tiếng cho tới khi những người này dời đi.

Cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên, hiện nay diện tích chanh leo trên địa bàn toàn huyện là 30,1ha. Với những hiệu quả mà giống cây này đã mang lại (cho nông dân ở những tỉnh khác đã trồng chanh leo), huyện Tân Uyên có chủ trương nâng diện tích này lên khoảng vài trăm ha để hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tuy nhiên, nghịch lý trước mắt đã và đang tác động không nhỏ đến lòng tin của người dân vào cây chanh leo. Bởi vậy, mục tiêu của huyện có lẽ sẽ phải đối mặt với không ít trở ngại vì hiện nay một số người đã và đang có ý định chặt bỏ chanh leo để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Trao đổi với ông Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên, chúng tôi được biết: Hiện nay, Phòng đã nắm được tình hình dịch bệnh trên cây chanh leo và đã báo cáo, tham mưu cho UBND huyện các biện pháp điều trị bệnh. Đây không phải là bệnh lạ mà là phổ biến trên loại cây này, song do bà con mới tiếp cận nên chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức để bảo vệ thực vật. Hiện nay, Phòng cùng các cơ quan chuyên môn như: Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Công ty CPCN cao Beefoods đã cung cấp hóa chất bảo vệ thực vật cho bà con. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều khiến tác dụng của hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi đáng kể, dẫn tới không thể trị được bệnh. Còn bà Hoàng Thị Luyến - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì khẳng định: Chúng tôi có 3 đồng chí cán bộ chuyên môn phụ trách 3 địa bàn trồng nhiều chanh leo của huyện. Định kỳ hàng tháng, các đồng chí này đều xuống địa bàn nắm tình hình. Còn nếu có vấn đề đột xuất thì họ xuống thường xuyên hơn để cùng người dân chăm sóc chanh leo.
Về vấn đề giá chanh leo quá thấp so với kỳ vọng, ông Ngọ Doãn Bình nhận định: Mức giá thấp một phần là do chất lượng quả chanh leo của bà con chưa cao. Còn về việc phân loại, Phòng đã trao đổi với Công ty Beefoods để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên việc phân loại không được thực hiện trực tiếp tại hiện trường dẫn tới những nghi ngờ của người dân đối với bên thu mua là khó tránh khỏi và cũng không thể trách bà con được.

Ông Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên khẳng định: Chủ trương của tỉnh, của huyện về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng là hoàn toàn đúng đắn. Việc chuyển đổi này sẽ làm tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất, đa dạng hóa các sản phẩm của địa phương, mở rộng thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Từ chủ trương đó, huyện Tân Uyên đã đưa vào trồng nhiều loại cây trồng mới và thực tế đã phát huy tác dụng. Riêng đối với cây chanh leo, qua tính toán cho thấy dù ở thời điểm giá thấp nhất thì vẫn cao hơn trồng lúa, ngô theo phương thức truyền thống của bà con nơi đây. Bởi vậy, huyện vẫn có chủ trương mở rộng diện tích chanh leo trên địa bàn. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân huyện cũng nhận thấy những điểm không hợp lý, trong thu mua sản phẩm cũng như vấn đề phòng trừ dịch bệnh trên cây chanh leo. Để khắc phục điều này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nắm bắt tình hình tìm cách tháo gỡ. Riêng đối với Công ty Beefoods, huyện sẽ có buổi làm việc riêng để từ đó tìm được tiếng nói chung giữa người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Huy về việc phân loại quả chanh leo thì giải pháp khả dĩ nhất lúc này là xây dựng điểm thu mua, phân loại quả chanh leo ngay trên địa bàn huyện và đơn vị thu mua phải cung cấp công khai các tiêu chí đánh giá, phân loại chanh leo.

Sâu bệnh thì người nông dân có thể khắc phục được nhưng giá cả thấp thì bà con không biết kêu ai. Bởi vậy, ngay lúc này, chính quyền huyện Tân Uyên, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và người nông dân cần nhanh chóng “ngồi lại” cùng bàn giải pháp tháo gỡ để các bên cùng thắng. Có như vậy “hạt ngọc xanh” mới thực sự nhả ngọc nhả vàng, giúp người dân có hướng đi mới.

K.Kiên - T.Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...